Đàn cừu của gia đình ông Sằn Quang Dưỡng ở thôn Rã Giữa, xã Phước Trung.Trở lại xã vùng cao Phước Trung vào giữa tháng 5/2025, chúng tôi ghi nhận diện mạo nông thôn mới có nhiều khởi sắc, hệ thống điện - đường - trường- trạm được Nhà nước đầu tư xây dựng hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào Raglay tại địa phương. Tỉnh lộ 705 là tuyến đường huyết mạch của xã Phước Trung nối liền các xã vùng đồng bằng được bê tông xi măng khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại vận chuyển nông sản hàng hóa. Nông dân lùa đàn bò, đàn cừu ra đồng chăn thả, tiếng mõ đàn gia súc rộn vang trong buổi sớm vùng cao thanh bình.
Trao đổi với ông Đạo Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Trung, được biết toàn xã hiện có 735 hộ với gần 3.005 nhân khẩu, trong đó đồng bào Raglai chiếm trên 95%. Người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, hoa màu nhờ hệ thống thủy lợi Phước Nhơn, Phước Trung, Tân Mỹ, kết hợp chăn nuôi gia súc.
Hiện, xã có trên 22.600 con gia súc, tập trung nhiều ở các thôn Đồng Dày, Rã Giữa, Rã Trên, trong đó đàn trâu, bò có 2.897 con, đàn dê và cừu 10.824 con, đàn heo 10.824 con. Mặc dù điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài, nông dân vẫn duy trì ổn định quy mô đàn nhờ chủ động đào ao trữ nước, trồng cỏ, dự trữ rơm, thân cây bắp và đậu làm thức ăn. Từ đầu tháng 5 đến nay, mưa bắt đầu xuất hiện, đồng cỏ xanh trở lại, kết hợp nguồn lá rừng dồi dào, giúp đảm bảo nguồn thức ăn tự nhiên cho gia súc.
Nông dân xã Phước Trung lùa đàn cừu chăn thả dưới tán lá rừng ven làng. Chăn nuôi gia súc gắn với đầu ra ổn định, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân. Một số hộ tiêu biểu như ông Sằn Quang Dưỡng, bà Chamaléa Thị Ngôn (thôn Rã Giữa), bà Kator Thị Ốm (thôn Rã Trên), ông Tà In Ró (thôn Đồng Dày)… có thu nhập cao nhờ phát triển hiệu quả chăn nuôi gia súc có sừng.
Chúng tôi đến thăm gia trại của ông Sằn Quang Dưỡng ở thôn Rã Giữa vào một buổi sáng, tận mắt thấy đàn cừu mập mạp thong dong trên đồng cỏ dưới tán rừng Phước Trung. Ông Dưỡng cho biết, nhận thấy nơi đây có đồng cỏ tự nhiên rộng lớn, thuận lợi cho chăn nuôi, ông đã đưa gia đình từ Mỹ Sơn lên lập nghiệp từ năm 1992.
Thời gian đầu, vợ chồng ông dành dụm vốn mua 30 con cừu nái để chăn thả kết hợp trồng 7 sào cỏ voi làm nguồn thức ăn xanh bổ sung. Nhờ chăm sóc cẩn thận và tuân thủ lịch tiêm phòng theo hướng dẫn của thú y xã, đàn cừu phát triển ổn định. Qua nhiều năm, ông bán cừu để xây dựng nhà cửa khang trang và mở rộng chăn nuôi. Hiện, gia trại vẫn duy trì 200 con cừu, vượt qua mùa khô nhờ nguồn thức ăn, nước uống chủ động và chuồng trại đảm bảo vệ sinh, tiêm phòng đầy đủ.
Anh Pupu Ná ở thôn Đồng Dày, xã Phước Trung chăn nuôi bò lai Sind, cho thu nhập cao. Nay tuổi cao, ông Dưỡng đã chuyển giao đàn cừu cho hai người con là Sằn Cắm Say và Sằn Kim Mùi quản lý. Với giá cừu đực giống nuôi vỗ béo khoảng 140.000 đồng/kg và cừu thịt 100.000 đồng/kg, hai anh em có thu nhập ổn định, trung bình khoảng 100 triệu đồng mỗi năm từ chăn nuôi.
Đến thăm gia đình chị Chamaléa Thị Khém, chúng tôi được nghe chị chia sẻ kinh nghiệm thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò. Năm 2008, từ khoản vay 10 triệu đồng của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bác Ái, chị mua 2 con bê cái giống để khởi đầu chăn nuôi.
Trải qua nhiều năm, chị đã bán bò để trả nợ ngân hàng, xây nhà, mua phương tiện đi lại. Hiện, gia đình chị còn 4 con bò cái giống, 3 con bò đực và 1 bê cái. Để đảm bảo nguồn thức ăn, chị trồng 2 sào cỏ voi và dự trữ khoảng 100 cuộn rơm từ ruộng lúa của gia đình. Chị Khém cho biết, chăn nuôi gia súc có sừng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, giúp nông dân có thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo bền vững.
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2022 - 2024, xã Phước Trung được phân bổ 7.244 triệu đồng để triển khai các dự án thành phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, 2.669 triệu đồng được dành cho Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3, hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị với 6 mô hình chăn nuôi bò, dê, cừu sinh sản tại các thôn Rã Trên, Rã Giữa, Tham Dú, Đồng Dày.
Chị Chamaléa Thị Khém ở thôn Rã Giữa, xã Phước Trung, chăn nuôi bò theo mô hình gia trại, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Dự án đã cung cấp con giống bò, dê, cừu cho 82 hộ nghèo và cận nghèo tạo sinh kế. Cụ thể, 60 hộ được hỗ trợ 2 con bò cái giống (trị giá 30 -32 triệu đồng/hộ); 28 hộ nuôi dê được hỗ trợ 10 con giống (trị giá 29 -33 triệu đồng/hộ); 10 hộ chăn nuôi cừu sinh sản nhận 11 con giống (trị giá 29,3 triệu đồng/hộ). Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ, các hộ dân từng bước nâng cao thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã từ 5 -6% mỗi năm.
Ông Đạo Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Trung, cho biết trong thời gian tới, cấp ủy và chính quyền xã sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân chăn nuôi gia súc theo hướng bền vững, gắn với thị trường tiêu thụ ổn định. Xã định hướng đưa vào chăn nuôi các giống bò lai có tầm vóc lớn, chất lượng thịt cao để thay dần giống bò địa phương. Đồng thời, xây dựng các điểm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao làm mô hình mẫu cho nông dân học tập, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc.
Bên cạnh đó, xã cũng chủ trương chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ giàu dinh dưỡng làm nguồn thức ăn bổ sung. Cùng với việc tranh thủ các nguồn vốn từ Chương trình MTQG, mục tiêu đặt ra là giúp 100% hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển chăn nuôi gia súc có sừng, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.