Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Gian nan hành trình xóa bỏ hủ tục, tà đạo ở miền cao nguyên đá xám: Ánh sáng từ Nghị quyết (Bài 3)

Kim Thu - 10:59, 21/10/2024

Trước thực trạng hủ tục và tà đạo bám rễ trong đời sống đồng bào Mông, ngày 10/5/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy bài trừ các hủ tục vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang (Chỉ thị 09) và đặc biệt là Nghị quyết số 27-NQ/TU, về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 27). Những chỉ thị, nghị quyết này đã trở thành kim chỉ nam giúp các địa phương quyết liệt hành động, từng bước loại bỏ hủ tục và tà đạo…

Ngay khi Nghị quyết 27 ra đời, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã quyết liệt vào cuộc, bám sát cơ sở để tuyên truyền, vận động người dân đẩy lùi hủ tục, tà đạo
Ngay khi Nghị quyết 27 ra đời, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã quyết liệt vào cuộc, bám sát cơ sở để tuyên truyền, vận động người dân đẩy lùi hủ tục, tà đạo

Quyết liệt vào cuộc

Với mục tiêu 100% cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp gương mẫu thực hiện; phấn đấu hết năm 2025 hơn 75% các hộ gia đình nhận thức rõ về hủ tục lạc hậu; năm 2030, cơ bản thực hiện xóa bỏ các hủ tục lạc hậu… Ngay khi Nghị quyết 27 ra đời, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã quyết liệt vào cuộc.

Tại Mèo Vạc, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo các cấp và người đứng đầu cấp ủy là Trưởng Ban Chỉ đạo; gắn nhiệm vụ này vào các nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch hành động, nhiệm vụ chính trị, chuyên môn hằng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và từng cán bộ, đảng viên.

Song song là công tác tuyên truyền được tổ chức đa dạng, phong phú, linh hoạt bằng nhiều hình thức; 100% thôn, tổ dân phố thành lập Tổ tuyên truyền, vận động; phát huy tốt vai trò của Hội nghệ nhân dân gian, Trưởng dòng họ, Người có uy tín trong cộng đồng…

Bí thư Đảng ủy thị trấn Mèo Vạc, Phạm Văn Hợp cho biết, với 387 đảng viên và 18 Chi bộ; trong quá trình thực hiện Nghị quyết, chúng tôi xác định không nóng vội mà phải làm từng bước, việc gì dễ làm trước, việc gì khó làm sau; công tác xóa bỏ hủ tục được triển khai đến từng thôn, tổ dân phố, từng dân tộc, dòng họ; đưa vào hương ước, quy ước thôn; phân công các đồng chí cấp ủy viên theo dõi, đôn đốc từng địa bàn; tổ chức ký cam kết giữa cấp ủy với các Chi bộ, Chi bộ với đảng viên để triển khai thực hiện.

Ở thôn Sủng Lủ, xã Lũng Chinh, ông Sùng Mí Mua cho chúng tôi biết, dòng họ Sùng của ông có 67 hộ, 343 nhân khẩu, có 17 người là đảng viên. Nguyên là lãnh đạo xã Lũng Chinh thực hiện Nghị quyết 27 của tỉnh, tất cả các hộ trong dòng họ đều ký cam kết chấp hành theo nếp sống mới, đồng thời vận động Nhân dân trong thôn triển khai thực hiện.

Các hộ gia đình trong dòng họ Sùng, thôn Tìa Chí Dùa, thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc, Hà Giang) đều ký cam kết thực hiện theo Nghị quyết 27
Các hộ gia đình trong dòng họ Sùng, thôn Tìa Chí Dùa, thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc, Hà Giang) đều ký cam kết thực hiện theo Nghị quyết 27

Theo Bí thư Chi bộ thôn Sủng Lủ, Già Mí Nu, Chi bộ đưa vào nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ theo từng tháng, gắn vai trò trách nhiệm của từng đảng viên, việc triển khai gắn với kiểm tra kết quả thực hiện… Khó khăn của thôn hiện nay chính là vận động người dân thực hiện đưa thi hài người chết vào áo quan.

Trên thực tế, dẫu đã có Nghị quyết 27, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, quá trình thực hiện xuất hiện không ít yếu tố bất lợi. Các hủ tục vốn tồn tại lâu đời trong nhận thức, đời sống tín ngưỡng của người dân; nhiều trưởng dòng họ, các bậc cao niên còn tư tưởng bảo thủ, muốn duy trì tập tục xưa, chưa tiếp nhận việc xây dựng nếp sống văn minh…, là những rào cản không hề nhỏ. Do đó, để Nghị quyết thực sự đi vào đời sống, cùng với vai trò của các chính quyền, tổ chức, đoàn thể địa phương thì vai trò tiên phong của những đảng viên người Mông, là đặc biệt quan trọng.

Đảng viên người Mông tiên phong “phá rào”

Chỉ tay vào đàn bò trong chuồng, anh Sùng Dũng Chính, đảng viên, Trưởng thôn Tìa Chí Dùa, thị trấn Mèo Vạc khoe với chúng tôi: “Giờ nhà mình có 3 con bò, 5 con lợn, con nào cũng béo tốt… Nếu ngày trước mình không kiên quyết thực hiện đám tang theo nếp sống mới, thì gia đình không còn bò để cày nương nữa, chứ đừng nói đến có hẳn 3 con bò như thế này”.

Thôn Tìa Chí Dùa có 100% người dân tộc Mông sinh sống, các dòng họ người Mông nơi đây có tập tục, trong dòng họ khi có người chết, anh em bên nội, ngoại của hai bên gia đình phải dắt bò đến, toàn bộ số bò dắt đến đều phải giết mổ để cúng tế và sẽ được gia chủ tang gia trả lễ khi nhà mình có người chết. Tập tục này được truyền từ đời này sang đời khác, nếu đời bố chưa trả hết bò thì đến đời con, thậm chí đời cháu phải trả lễ thay. Để thi hài người chết nằm trên một chiếc cáng tre từ 5 -7 ngày rồi mới mang đi chôn…

Lãnh đạo huyện Mèo Vạc đến thăm, kiểm tra đàn bò của gia đình đảng viên Sùng Dũng Chính
Lãnh đạo huyện Mèo Vạc đến thăm, kiểm tra đàn bò của gia đình đảng viên Sùng Dũng Chính

Anh Chính kể, năm 2023, bác ruột là ông Sùng Dình Páo mất, khi chính quyền địa phương đến tuyên truyền đưa thi hài người chết vào áo quan, nhưng các bậc cao niên trong họ không đồng ý, bởi theo phong tục, tập quán của người Mông, khi trong dòng họ có người chết, gia chủ tang gia không có quyền quyết định mà do trưởng dòng họ và các bậc cao niên. Tôi và anh trai là Sùng Mí Pó cũng phối hợp với các đồng chí lãnh đạo huyện, thị trấn cố gắng thuyết phục các bác lớn tuổi. Phải mất gần nửa ngày các bậc cao niên mới nhất trí đưa thi hài vào áo quan.

Là người trực tiếp xuống hộ gia đình tuyên truyền, vận động các gia đình thực hiện cải tiến đám tang từ những ngày đầu khi Nghị quyết 27 mới ra đời, ông Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, nguyên là Bí thư Đảng ủy thị trấn Mèo Vạc, cho biết, chúng tôi coi đây như “cuộc chiến”, bởi khi trực tiếp trao đổi, trò chuyện, vận động gia đình mới thấy được tính chất khó khăn, phức tạp. 

Có những hộ gia đình, khi chúng tôi đến vừa đề cập đến nội dung, họ đóng cửa đuổi cán bộ về; nhưng chúng tôi cứ kiên trì, chúng tôi tập trung vào những người có tiếng nói trong dòng họ như đảng viên, trưởng họ, Bí thư Chi bộ thôn, trưởng thôn, Người có uy tín… Đến khi gia đình, dòng họ nhất trí thực hiện, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc hỗ trợ hộ gia đình từ việc tìm áo quan, thầy cúng, quá trình tổ chức tang lễ…

Theo Bí thư Chi bộ thôn Tìa Chí Dùa, Sùng Mí Pó, sau khi làm tang ma xong thì anh em trong dòng họ Sùng vẫn còn nhiều ý kiến phản đối. Sau một thời gian, anh em trong dòng họ nhận thấy, việc tổ chức theo hình thức mới vừa đảm bảo sự tôn nghiêm với người mất, không còn cảnh phải “trả nợ” sau khi tổ chức đám tang nên các hộ đã làm theo. Vừa rồi, trong dòng họ cũng có cháu Sùng Mí Lình, sinh năm 1984, đi xuống Nam Định làm việc, không may bị tai nạn dẫn đến tử vong, cả dòng họ nhất trí tổ chức đám tang theo Nghị quyết 27.

Ông Phạm Văn Hợp, Bí thư Đảng ủy thị trấn Mèo Vạc cho biết, không chỉ là cá nhân gương mẫu đi đầu trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong dòng họ và nơi ở, Trưởng thôn Sùng Dũng Chính và Bí thư Chi bộ thôn Sùng Mí Pó còn tích cực tuyên truyền, vận động các dòng họ khác trong thôn thực hiện Chỉ thị số 09 và Nghị quyết số 27; hỗ trợ bà con trong thôn tập trung phát triển kinh tế. Đặc biệt, dòng họ Sùng được Huyện ủy Mèo Vạc lựa chọn, là dòng họ tiêu biểu để các dòng họ khác trên địa bàn đến học tập và noi theo.

Xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đời sống người dân thôn Tìa Chí Dùa ngày càng được nâng cao.
Xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đời sống người dân thôn Tìa Chí Dùa ngày càng được nâng cao

Rời Tìa Chí Dùa, tôi vẫn nhớ hình ảnh cái nắm tay của đảng viên Sùng Dũng Chính với Phó Chủ tịch UBND huyện, Ngô Mạnh Cường, cùng lời hứa: “Đồng chí Phó Chủ tịch yên tâm nhé, giờ cả dòng họ mình đều nhất trí thực hiện đưa thi hài người chết vào áo quan”. Đó chính là nội dung khó thực hiện nhất trong hành trình xóa bỏ hủ tục trong đám tang của đồng bào người Mông nơi miền đá xám này.

Trước đó, khi chưa có sự vào cuộc quyết liệt từ chính các đảng viên người Mông, tính từ năm 2023 đến nay, toàn huyện Mèo Vạc có 721 đám tang, thì có tới 514 đám tang người dân tộc Mông không thực hiện việc đưa thi hài người chết vào áo quan. Trong đó, 350 đám còn tục phơi nắng, 208 tổ chức dài ngày, 138 giết mổ từ 2 con gia súc trở lên. Bên cạnh đó, toàn huyện còn 153 hộ với 458 nhân khẩu theo tà đạo “San sư khẻ tọ” tại xã Sủng Máng… 

Tuy nhiên, đến nay, dưới ánh sáng soi đường của Đảng, cùng những “hạt giống đỏ” người Mông tiên phong “phá rào” như ánh bình minh bừng sáng, xua tan hủ tục vây bủa cuộc sống của đồng bào DTTS nơi đây.

Tin cùng chuyên mục