Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Gian truân vận hành lưới điện ở xã vùng biên Trường Sơn

Khánh Ngân - 04:47, 22/05/2023

Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) là xã vùng biên có gần 100% dân số là người Bru Vân Kiều. Để đồng bào có điện lưới quốc gia, Nhà nước đã đầu tư một khoản kinh phí rất lớn để mở tuyến, xuyên rừng, vượt đỉnh Trường Sơn đưa điện về với bà con. Để ổn định đường truyền, công việc vận hành lưới điện cũng vô cùng gian truân.

Gian truân vận hành lưới điện trên đỉnh Trường Sơn
Công nhân vận hành lưới điện Đội quản lý điện thị trấn Nông trường Việt Trung phát quang hành lang lưới điện

Cán bộ vận hành ngày đêm bám tuyến

Hơn 90 km đường dây trung thế từ thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch  lên xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh là tuyến đường dây khó khăn nhất trong vận hành lưới điện ở tỉnh Quảng Bình. Hiện tuyến đường dây này do Đội quản lý điện thị trấn Nông trường Việt Trung - Trường Sơn đang quản lý, vận hành.

Do địa hình khó khăn, cách trở, nhiều vị trí không có hành lang an toàn lưới điện, lại chịu ảnh hưởng của thiên tai nên tuyến điện này thường xuyên xảy ra các sự cố. Để quản lý vận hành lưới điện hiệu quả, trước mùa mưa bão, cán bộ vận hành đã ngày đêm bám tuyến, tổng kiểm tra toàn bộ hệ thống đường dây, trạm biến áp để đánh giá phân loại, đưa ra các dự báo, sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra.

Anh Đặng Văn Tự, công nhân quản lý vận hành của Đội quản lý điện thị trấn Nông trường Việt Trung - Trường Sơn chia sẻ: “Hàng tuần, chúng tôi phải kiểm tra, nắm tình hình dọc tuyến. Còn hàng quý, anh em trong đội phải ăn ở trong rừng, ngủ lán cả tuần phát dọn thực bì, chặt tỉa cây cối để tránh những sự cố. Ngoài ra, chúng tôi phải kiểm tra kỹ thuật, lắp đặt thiết bị đóng cắt tự động, thiết bị cảnh báo trên đường dây, xử lý tiếp địa, bọc cách điện để chống rắn, chuột, chim… gây ra sự cố”.

Gian truân vận hành lưới điện trên đỉnh Trường Sơn 1
Đường dây đi qua khu vực rừng nguyên sinh có độ dốc lớn nên việc duy tu, bảo dưỡng gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đường dây trung thế, đội còn quản lý hơn 70 km đường dây hạ thế, trên 4.000 khách hàng. Trong đó, xã Trường Sơn có 800 khách hàng. Đây là tuyến điện băng qua rừng dài nhất trên địa bàn tỉnh với 503 vị trí cột. Trên tuyến có tới 70% cột, dây đều ở trong rừng nguyên sinh và đồi núi cao. Có những vị trí cột cách đường giao thông hàng trăm mét, có cột nằm chênh vênh bên vực sâu, cách nhau trên 500 m nên công tác vận hành vô cùng khó khăn, vất vả.

Đặc biệt, vào mùa mưa lũ, khu vực xã Trường Sơn có nhiều điểm bị cô lập, sạt lở đất gây khó khăn cho việc đi lại cũng như khắc phục sửa chữa lưới điện. Những vị trí trọng yếu như gần cầu Zìn Zìn, thác Voi bị sạt lở và nguy cơ sạt lở kéo theo nhiều cột điện. Để khắc phục lưới điện, cán bộ vận hành phải ở lại xã cả chục ngày trời để thay lại công tơ, kéo dây, dựng lại cột. Nhiều khi sự cố điện xảy ra vào đêm, đội phải tức tốc cử người lên đường để khắc phục, có khi quá nửa đêm hoặc trời gần sáng mới trở về đơn vị.

Tăng cường đầu tư để duy tu bảo dưỡng

Phó Giám đốc Điện lực Đồng Hới Lý Đình Đức cho biết: Quản lý, vận hành an toàn lưới điện lên xã biên giới Trường Sơn (Quảng Ninh) là một nhiệm vụ khó khăn, vất vả, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của những cán bộ, công nhân Đội quản lý điện thị trấn Nông trường Việt Trung - Trường Sơn (thuộc Điện lực Đồng Hới).

Ngoài sự nỗ lực của đội ngũ vận hành để lưới điện được thông suốt. Mỗi năm ngành điện đầu tư khoảng 3 tỷ đồng cho việc duy tu, bảo dưỡng, vận hành lưới điện lên xã Trường Sơn.

Gian truân vận hành lưới điện trên đỉnh Trường Sơn 2
Cột số 135, xuất tuyển 972, Nông trường Việt Trung được gia cố chống sạt lở

Tuyến đường dây được xây dựng và đưa vào vận hành từ những năm 2005, chiều dài tuyến cả trục chính lẫn các nhánh rẽ từ trạm cắt 22kV NTVT đến điểm cuối hơn 90 km, với trục chính đến bản Chân Trộông hơn 527 vị trí. Cung cấp điện cho các Đội bảo vệ rừng, bảo trì đường bộ và Nhân dân xã Trường Sơn. Trải qua nhiều năm, nay nhiều hạng mục xuống cấp. Ngành điện cũng đã đầu tư nâng cấp để đảm bảo điện cho đồng bào phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2022, đơn vị cũng đã hạ được 19 cột thuộc lưới trung thế dọc Quốc lộ 9E từ ta-luy dương về ta-luy âm. Dự kiến sẽ hạ thêm khoảng 50 vị trí cột, đồng thời tận dụng các nguồn lực để thay thế hệ thống dây trần bằng dây vỏ bọc, bọc cách điện ở đầu các cột, xà, lèo để tránh động vật gây ra sự cố. Điện lực Đồng Hới cũng sẽ chỉ đạo Đội quản lý điện thị trấn Nông trường Việt Trung - Trường Sơn tăng cường công tác tuyên truyền để người dân cùng chung tay bảo vệ hành lang lưới điện, hỗ trợ bà con trong việc kiểm tra, tu sửa các thiết bị điện sau công tơ.

Gian truân vận hành lưới điện trên đỉnh Trường Sơn 3
Nhiều đoạn trọng yếu trên lưới đã được ngành điện nỗ lực thay dây bọc để đảm bảo an toàn

Bí thư Đảng ủy xã Trường Sơn Nguyễn Văn Nhì cho biết: “Nhà nước và ngành Điện đã giúp cho nhiều bà con trên địa bàn xã có điện lưới sinh hoạt, sản xuất. Nhiều lưới điện cũ đã được nâng cấp, cải tạo nên các sự cố, thời gian mất điện của bà con đã giảm nhiều so với trước. Thời gian tới, xã rất mong ngành Điện và các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, giúp đỡ để nâng cấp một số tuyến điện tạm, kéo điện về 6 bản còn lại để bà con đỡ khó khăn, vất vả"...

Tin cùng chuyên mục
CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

Ngày 25/4/2024, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (“Vinamilk”) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”) năm 2024. Theo đó, dựa trên kỳ vọng tình hình vĩ mô cải thiện trong năm 2024, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 4,4% về doanh thu và 5% về lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, chiến lược đổi mới về thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững của Vinamilk cũng được cổ đông quan tâm.