Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Gìn giữ nét đặc sắc trong ẩm thực của người Tày ở Bắc Hà (Lào Cai): Biến di sản thành tài sản

Trọng Bảo - 10:55, 14/09/2020

Thôn Na Lo, xã Tà Chải - nơi có đông đồng bào dân tộc Tày sinh sống, là thôn điểm trong chiến lược phát triển du lịch của huyện Bắc Hà (Lào Cai). Với mục tiêu biến di sản thành tài sản, ngành Văn hóa địa phương đã có nhiều chương trình hỗ trợ để đồng bào Tày nơi đây giữ gìn bản sắc văn hóa, giới thiệu đến du khách thập phương. Trong đó, những món ăn truyền thống của đồng bào Tày là một trong những mục tiêu trong chương trình bảo tồn.

Chị em phụ nữ Tày ở Na Lo trong một buổi học làm món xôi bảy màu
Chị em phụ nữ Tày ở Na Lo trong một buổi học làm món xôi bảy màu

Chị Sải Thị Luyến ở thôn Na Lo được lựa chọn để hướng dẫn bà con trong thôn chế biến các món ăn bởi vợ chồng chị có nhiều kinh nghiệm trong nấu các món ăn truyền thống của đồng bào Tày. Nhờ sự chỉ bảo, truyền dạy của chị Luyến mà nhiều thanh, thiếu niên ở đây đã biết nấu những món ăn của đồng bào mình. Trong làng, trong xã, hễ nhà ai có đám cưới hoặc có việc lớn của gia đình, làng bản, vợ chồng chị đều được mời hoặc thuê đến làm cỗ. 

Chị Luyến chia sẻ, đối với các món ăn của người Tày lâu nay vẫn được truyền dạy từ đời trước cho đời sau. Các món ăn thường được chế biến rất công phu, đòi hỏi nhiều thời gian. Ví dụ như món bánh chưng đen thường dùng than của cây lúc nác-một loài cây thuốc để tạo màu cho bánh. 

“Theo kinh nghiệm của người Tày thì than của loại cây này sẽ giữ cho bánh chưng để được lâu hơn so với bánh thường. Các khâu chế biến từ nhân, gạo nếp, lá dong khi chuẩn bị đều giống với nhiều dân tộc khác”, chị Luyến nói. 

Hay như món xôi theo truyền thống của đồng bào Tày ở Na Lo là xôi bảy màu được làm từ gạo nếp địa phương và tạo màu bằng các loại lá cây rừng hoặc trồng tại các gia đình… và còn nhiều món ăn khác như bánh dày, khâu nhục, sú, nộm măng, nộm hoa chuối, gà nộm rau răm.. Điều đặc biệt là các món ăn đều dùng các gia vị từ thiên nhiên, núi rừng. Hiện nay, hầu như gia đình nào cũng trồng được các cây gia vị.

Bà Vũ Thị Trang, chuyên viên Phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Lào Cai cho biết: Đồng bào Tày ở Na Lo có điệu xòe đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để khai thác hết tiềm năng về du lịch, ngành Văn hóa xác định phải làm sao kết hợp giữa xòe và ẩm thực vừa gìn giữ được nét ẩm thực đặc sắc vừa tạo công ăn việc làm tăng thu nhập cho người dân.

“Chúng tôi lựa chọn các nghệ nhân am hiểu ẩm thực của người Tày để truyền dạy, trao truyền cho những người chưa biết, hướng dẫn cho họ những món ăn cổ truyền của đồng bào, kết hợp truyền thống với hiện đại để phục vụ khách du lịch được tốt nhất”.

Hy vọng với tiềm năng sẵn có và giải pháp bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tày ở Na Lo nói riêng, xã Tà Chải và huyện Bắc Hà nói chung sẽ tạo ra những điểm đến thú vị thu hút du khách; qua đó góp phần nâng cao thu nhập cũng như bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống cho muôn đời sau.

Tin cùng chuyên mục
Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Với người Nùng tại thôn Phia Thắp, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, nghề làm hương là niềm tự hào văn hóa đã in sâu trong tiềm thức của đồng bào, do vậy trải qua nhiều thế hệ đồng bào dân tộc nơi đây vẫn miệt mài nối tiếp nhau giữ gìn nghề truyền thống. Do vậy, Phia Thắp được lựa chọn là một trong 7 điểm du lịch cộng đồng của tỉnh được đầu tư, theo đó đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân làng nghề này.