Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Gìn giữ vũ điệu múa chuông bên sườn Tây Yên Tử

Nguyễn Hưởng - 3 giờ trước

Trong đời sống của đồng bào dân tộc Dao tại thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang có các nhạc cụ quan trọng là chuông, tù và, kèn pí lè, trống... Trong đó, điệu múa chuông được xem là một trong những nghi lễ linh thiêng không thể thiếu vào những ngày đại lễ hệ trọng.

Vũ điệu múa chuông của người Dao
Vũ điệu múa chuông của người Dao

Ông Triệu Sinh Liên (SN 1960) ở tổ dân phố Mậu, thị trấn Tây Yên Tử kể, người Dao thường tổ chức múa chuông vào những dịp Lễ cầu mùa, Lễ cúng Bàn Vương và cấp sắc với ý nghĩa cầu mong mọi điều tốt đẹp, thể hiện sự biết ơn, hướng về cội nguồn và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Đã là người Dao thì đa phần đều biết múa chuông vì động tác khá đơn giản, đạo cụ không quá cầu kỳ, phù hợp với nhiều đối tượng nam, nữ, trẻ già.

“Tuy nhiên, để hiểu được ý nghĩa từng công đoạn và biết kết hợp với lời khấn bằng tiếng Nôm Dao thì không phải ai cũng làm được. Ví như, trong Lễ cấp sắc, múa chuông trải qua 4 công đoạn như múa dâng hương, múa khai đàn, múa tâu Ngọc Hoàng và múa giã đàn. Còn trong Lễ cầu mùa, điệu múa chuông có công đoạn dâng hương và múa tái hiện lại các động tác lao động sản xuất nông nghiệp như: Cấy lúa, trồng ngô, thu hoạch mùa màng, làm rẫy…”, ông Liên chia sẻ.

Được biết, ông Liên được học múa chuông, thực hành các nghi lễ của người Dao từ hồi còn trẻ và hiện giờ ông vẫn thường được mời tham gia Lễ cấp sắc, cầu mùa của đồng bào Dao tại địa phương. Hiện câu lạc bộ múa chuông tại các tổ dân phố Mậu và Thanh Chung đã thu hút hàng chục người tham gia, biểu diễn trong các ngày lễ như Ngày hội Đại đoàn kết, Lễ hội Tây Yên Tử. Qua đó, thể hiện khát vọng cuộc sống ấm no, giáo dục thế hệ trẻ giữ gìn nếp sống, phong tục và đạo lý làm người, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng.

Múa chuông trong Lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao tại Tây Yên Tử
Múa chuông trong Lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao tại Tây Yên Tử

Bao đời nay, người Dao ở Tây Yên Tử đã bảo tồn nhiều phong tục truyền thống qua múa, lễ hội, hát dân ca páo dung và đặc biệt là Lễ cấp sắc. Múa chuông trong Lễ cấp sắc không chỉ là nghi lễ mà còn là nhu cầu tinh thần, giúp người Dao gửi gắm niềm tin và ước vọng. Lễ cấp sắc là nghi thức quan trọng, được thực hiện một lần duy nhất trong đời, với nhiều nghi lễ như: Đặt tên âm, lễ cấp sắc đèn, lễ đội đèn, lễ giao binh, lễ trình Ngọc Hoàng, lễ tạ ơn tổ tiên. Lễ kéo dài từ một đến ba ngày.

Đối với ông Triệu Sinh Liên, chiếc chuông là báu vật gia truyền, được treo ở vị trí trang trọng. Khi chuông vang lên là dấu hiệu Ngọc Hoàng về chứng giám và cũng là dịp để giáo dục con cháu giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của người Dao không chỉ bảo vệ bản sắc dân tộc mà còn thúc đẩy du lịch sinh thái và cộng đồng ở Tây Yên Tử. Với sự chung tay của cộng đồng, tiếng chuông ngân vang sẽ mãi trường tồn.

Tin cùng chuyên mục
Linh thiêng lễ cúng bếp lửa của người Mnông

Linh thiêng lễ cúng bếp lửa của người Mnông

Đối với đồng bào dân tộc Mnông, bếp lửa không chỉ là nơi nấu thức ăn, sưởi ấm, xua đuổi thú rừng, gắn kết các thành viên trong gia đình, cộng đồng, mà bếp lửa còn là vị thần đặc biệt quan trọng mang lại may mắn cho gia đình. Do vậy, đến nay, người Mnông vẫn thực hiện lễ cúng bếp lửa trước khi đốt nương làm rẫy cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.