Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Gio Linh (Quảng Trị): Kết quả bước đầu từ tái cơ cấu nông nghiệp

Minh Thu - 15:16, 03/01/2020

Sau 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, toàn huyện Gio Linh đã có nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập ổn định. Việc tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho người lao động, đem lại những giá trị kinh tế mới.

Tái cơ cấu nông nghiệp ở Gio Linh đã mang lại những kết quả bước đầu cho người nông dân
Tái cơ cấu nông nghiệp ở Gio Linh đã mang lại những kết quả bước đầu cho người nông dân

Từ 7 năm nay, gia đình chị Lâm Thị Giang, thôn An Hướng, xã Gio An đã trồng cây bơ sáp theo định hướng quy hoạch nông nghiệp của huyện Gio Linh. Hiện, vườn bơ sáp với 50 cây của gia đình chị Giang thu được trên 3 triệu đồng/vụ (1 năm thu hoạch được 3 vụ). Chị Giang cho biết: “Trong điều kiện ruộng cấy lúa diện tích hạn hẹp, đất rẫy không nhiều thì việc tận dụng vườn nhà để trồng bơ tăng thu nhập là một cách phát triển kinh tế khá phù hợp”.

Cùng với cây bơ, một số hộ dân ở xã Gio Bình đã tận dụng quỹ đất đưa vào trồng thử nghiệm một số loại cây trồng mới như cam Vinh, ổi lê Đài Loan, chôm chôm… Điển hình là mô hình trồng ổi của ông Lê Hữu Hiện ở thôn Bình Hải. Từ năm 2017, ông Hiện đầu tư 120 triệu đồng để trồng trên 1.000 gốc ổi chất lượng cao, ứng dụng công nghệ chăm sóc tiên tiến. Bình quân mỗi năm, ông Hiện thu hoạch được 4 tấn ổi/ha, với giá bán 20.000 đồng/kg, vườn ổi mang lại cho ông hàng trăm triệu đồng/năm.

Với diện tích 428ha, hồ tiêu được xác định là cây chủ lực của huyện Gio Linh. Huyện chỉ đạo các địa phương phục hồi vườn tiêu bằng các chế phẩm sinh học và xây dựng mô hình sản xuất tiêu hữu cơ. Nổi bật là mô hình sản xuất tiêu hữu cơ tại xã Gio An liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm có 134 hộ tham gia, với diện tích 62ha. Cùng với đó, là mô hình tưới tiết kiệm trên cây hồ tiêu tại xã Gio Bình với diện tích 9,6ha, năng suất bình quân đạt gấp 1,5 lần so với sản xuất truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Thức, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gio Linh cho biết: Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, huyện đã mở rộng diện tích nông nghiệp bằng cách đẩy mạnh trồng bơ, ổi, chôm chôm, hồ tiêu ở các xã lên gần 500ha; xây dựng một số mô hình sản xuất áp dụng công nghệ hiện đại. Trong số đó có mô hình trồng mướp đắng trong nhà lưới, mô hình trồng lúa hữu cơ chất lượng cao xã Gio Mỹ; mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính tại thôn Cang Gián, xã Trung Giang; mô hình trồng ổi Đài Loan tại xã Gio Bình…

Có thể nói, việc tái cơ cấu nông nghiệp được huyện Gio Linh triển khai thực hiện toàn diện từ huyện đến cơ sở, được các tầng lớp Nhân dân đồng tình ủng hộ và đã đạt được những kết quả bước đầu. Kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX tiếp tục được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động. Hiện, toàn huyện có 34 HTX nông nghiệp; 196 tổ hợp tác với 7.167 thành viên, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Dịch vụ chế biến nông, lâm, thủy sản phân bố rộng khắp, đáp ứng cơ bản nhu cầu của nông dân. Các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, dịch vụ cung ứng vật tư giống cây trồng, phân bón, khuyến nông, khuyến lâm, thú y, bảo vệ thực vật... khá phát triển.

Nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, diện tích gieo trồng toàn huyện năm 2019 đạt 10.561ha. Diện tích lúa sản xuất theo cánh đồng lớn và lúa hữu cơ tăng từ 2.500ha (năm 2017) lên 5.500ha (năm 2019). Năng suất lúa năm 2019 ước 55 tạ/ha, tăng 8,22% so với năm 2017. Sản lượng lương thực có hạt năm 2019 đạt 47.065 tấn, tăng 290 tấn so với năm 2017.

Tin cùng chuyên mục
Nuôi hươu sao - Mô hình kinh tế mới ở huyện biên giới Ia H’Drai

Nuôi hươu sao - Mô hình kinh tế mới ở huyện biên giới Ia H’Drai

Huyện biên giới Ia H’Drai (Kon Tum) có hơn 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống; đa phần người dân đều làm công nhân cho các Công ty cao su trên địa bàn huyện. Tận dụng thời gian nhàn rỗi, nhiều hộ dân đã quyết định đầu tư vào mô hình nuôi hươu sao và chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu để kiếm thêm thu nhập, hướng đến làm giàu trên vùng đất khó.