Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Giống mới bám rễ nơi rẻo cao

Nguyễn Thanh - 08:29, 03/12/2023

Lên huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) độ này, chúng tôi được cảm nhận niềm hứng khởi của bà con dân bản về những giống cây trồng mới được mùa, được giá mà năng suất vượt trội. Hỏi ra mới hay, bà con vừa đưa giống lúa chất lượng cao VNR20 vào thâm canh. Rồi cả cây lạc nữa – một loại cây vốn quen với đất đai, khí hậu đồng bằng, quen với nếp canh tác của người dưới xuôi cũng đã ngược núi, ngược rừng mà vươn lên xanh tốt trên đỉnh Trường Sơn.

Mô hình trồng lúa thâm canh chất lượng cao ở Mường Ải
Mô hình trồng lúa thâm canh chất lượng cao ở Mường Ải

Năng suất lúa 70 tại/ha

Đó là con số từng ở trong mơ của người dân vùng rẻo cao Kỳ Sơn. Bởi đồng bào chỉ quen với canh tác lúa rẫy. Còn những thửa ruộng bậc thang cũng nhỏ lẻ, lại trồng giống cũ… nên năng suất không cao. Nhưng đạt 70 tạ lúa/ha thì giờ đã không còn là điều mơ tưởng mà đã hiện hữu trên những thửa ruộng ở Mường Ải mờ sương.

Ông Vi Văn Lưu ở bản Xốp Xăng, xã Mường Ải, rạng rỡ: Trước đây, người dân trồng giống lúa địa phương từ việc tự để lúa giống, năng suất khoảng 35 tạ/ha. Năm nay mùa đầu tiên trồng giống mới, song người dân rất phấn khởi vì năng suất ước đạt 70 tạ/ha.

Rồi ông kể: vụ hè thu – mùa năm nay, là năm đầu tiên bà con bản Xốp Xăng trồng giống lúa mới có tên VNR20, do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn gieo trồng. Lúa giống và phân bón vi lượng, thuốc bảo vệ thực vật được hỗ trợ 100%. Người dân tham gia đóng góp công chăm sóc và phân chuồng hữu cơ.

Mường Ải rộn rã vào vụ lúa
Mường Ải rộn rã vào vụ lúa

Không chỉ ông Lưu, cả bản Xốp Xăng đã trồng 8,4ha, bản Pụng trồng chừng 11,6ha giống lúa mới VNR20. Những ngày này, niềm vui được mùa không chỉ hiện rõ trên từng khuôn mặt của những nông dân miền sơn cước mà còn lan ra cả bản trên, làng dưới khiến ngày mùa thu hoạch như một ngày hội giữa rừng già.

Nhớ lại một năm trước, trăn trở vì các giống lúa bản địa đã có dấu hiệu năng suất kém, các cấp ngành chức năng của Kỳ Sơn đã nghiên cứu, đầu tư đưa giống lúa mới chất lượng cao VNR20 vào thâm canh ở xã Mường Ải.

Để nâng cao năng suất, sản lượng sản xuất lúa trên địa bàn huyện, trước hết cần phải tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn, đưa giống mới vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng. Vì lý do ấy, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kỳ Sơn đã xây dựng mô hình trồng thâm canh giống lúa VNR20 với quy mô 20ha tại xã Mường Ải.

Giống lúa VNR20 là giống lúa thuần chất lượng, tiềm năng năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, lá đòng hơi to, đẻ nhánh khỏe, tập trung, gọn khóm và chống đổ tốt. Gạo VNR20 có dạng hạt thon dài, trắng trong, mềm, vị đậm, ngon cơm.

Năng suất lúa VNR20 chạm ngưỡng 70 tạ/ha
Năng suất lúa VNR20 chạm ngưỡng 70 tạ/ha

Trực tiếp tham gia cùng người dân các bản ở xã Mường Ải thu hoạch lúa VNR20, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kỳ Sơn đã tổ chức đánh giá kết quả “Mô hình thâm canh giống lúa chất lượng cao VNR20” với diện tích 20ha, thử nghiệm tại 2 bản với 30 hộ dân tham gia, tổng kinh phí thực hiện gần 500 triệu đồng; trong đó, huyện hỗ trợ 370 triệu đồng, người dân đóng góp phân bón hữu cơ và công chăm sóc hơn 100 triệu đồng.

Vụ mùa năm 2023, tuy điều kiện thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, nhiều loại bệnh như rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, chuột, sâu đục thân…, nhưng với ưu điểm giống lúa mới có khả năng chống chịu sâu bệnh, chống gãy đổ khá cao nên các ruộng đã cho thu hoạch với năng suất cao. 

Ông Vi Oanh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Sơn cho biết: Qua thực tế khảo nghiệm thâm canh giống lúa mới này, địa phương cũng như người dân đã đúc rút được các kinh nghiệm quý. Từ hiệu quả của mô hình, đề nghị các cấp, ngành, địa phương tuyên truyền để người dân nhận thấy và nhân rộng trong những năm tiếp theo. 

Cũng theo ông Oanh, toàn huyện có 815ha lúa mùa, năng suất bình quân hàng năm đạt khoảng 35 - 38 tạ/ha. Nguyên nhân một phần do trình độ canh tác của người dân sản xuất lúa còn lạc hậu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất chưa nhiều. Nếu áp dụng giống mới và kỹ thuật vào canh tác thì còn gì bằng.

Mùa lạc trên dãy Trường Sơn

Không hiểu sao, khi đặt bút cho những dòng đầu tiên này, chúng tôi chợt nhớ đến tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Khải khi viết về những thanh niên ngược núi trồng lạc vùng Điện Biên trong những năm miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Lạc được gieo trồng trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển
Lạc được gieo trồng trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển

Hôm nay, cây lạc, niềm vui được mùa lạc cũng đang hiện hữu trên dãy Trường Sơn lộng gió xứ Nghệ. Ông Lầu Bá Chày,  Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) kể: Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nông, canh tác lúa, ngô trên nương, rẫy. Do điều kiện thổ nhưỡng, trình độ canh tác và kỹ thuật chăm sóc còn nhiều hạn chế nên năng suất cây trồng không cao. Vì cây lúa nương mất mùa, chính quyền xã đã vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi đất lúa sang trồng lạc.

Từ định hướng của chính quyền, một số hộ dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng lạc trên đất đồi. Điều bất ngờ là cây lạc trồng trên núi cao lại phát triển tốt, năng suất cao. Đang cùng chồng thu hoạch lạc trên rẫy, chị Moong Thị Soi ở bản Pà Ca, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) hồ hởi: Từ khi chuyển đổi sang trồng lạc, cùng diện tích đất cho năng suất cao hơn, giá cả cũng cao gấp đôi so với lúa. Nếu thu hoạch đạt năng suất, thì năm nay gia đình tôi thu được khoảng hơn 50 triệu đồng.

Góp thêm niềm vui được mùa, anh Nhang Phò Trang cùng trú ở bản Pà Ca cho biết: gia đình tôi gieo 80kg lạc giống trên gần 1ha rẫy đến nay thu hoạch được hơn 1,3 tấn lạc. Với mức giá 15.000 đồng/kg củ lạc tươi, 22.000-25.000 đồng/kg củ lạc khô, tôi thu về khoảng 26 triệu đồng. Mức thu nhập này cao gấp đôi so với trồng lúa rẫy.

Thu hoạch lạc ở độ dốc cao khá vất vả nhưng bù lại lạc cho năng suất lại được mùa được giá nên người dân rất phấn khởi
Thu hoạch lạc ở độ dốc cao khá vất vả nhưng bù lại lạc cho năng suất lại được mùa được giá nên người dân rất phấn khởi

Người dân xã Nậm Cắn cho biết, sườn núi nơi đây khá dốc, đất sét pha cát rất thích hợp với cây lạc. Lạc được trồng từ tháng 8, khoảng 3 tháng sau thì cho thu hoạch. Trồng lạc chỉ cần gieo giống rồi làm cỏ, sau đó chờ đến ngày thu hoạch. Sản phẩm được thương lái tìm đến tận bản thể thu mua nên rất phấn khởi.

Người dân vui một thì lãnh đạo xã Nậm Cắn vui mười. Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) Lầu Bá Chày hào hứng: Năm 2020, một số hộ dân bản Pà Ca mua giống lạc về trồng thử nghiệm trên dãy núi Trường Sơn có độ cao hơn 800m so với mực nước biển. Sau 3 năm cho thấy, cây lạc rất phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nên phát triển nhanh, xanh tốt. Nhờ đó, diện tích trồng lạc cũng ngày càng mở rộng, ước tính khoảng 70ha.

Trong niềm vui mùa lạc, mùa lúa, lãnh đạo huyện Kỳ Sơn đã kể về những dự định và kế hoạch mới mà chúng tôi càng thêm háo hức: Địa phương đang vận động các nguồn lực, chương trình dự án chính sách dân tộc để đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó tìm thêm một số giống mới phù hợp với đất đai, khí hậu nơi đây. Đặc biệt là tìm đầu ra ổn định để giúp người dân mở rộng diện tích, xóa đói giảm nghèo. Không gì bằng tạo việc làm ổn định, thu nhập ổn định cho bà con ngay tại quê nhà đâu. Đó là cách để chúng tôi giữ vững ba yên đấy – yên biên giới, yên địa bàn và yên dân.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.