Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Giữ nguồn nước mát cho buôn làng Tây Nguyên

Ngọc Thu - 23:28, 01/07/2024

Từ bao đời nay, đồng bào DTTS ở Gia Lai vẫn gìn giữ được không gian giọt nước mát ngọt cho buôn làng. Đây không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt mà còn là nơi dân làng cùng gặp gỡ, trò chuyện và thực hiện các nghi lễ trong đời sống tín ngưỡng.

Đồng bào Ba Na chắt chiu, gìn giữ giọt nước sạch để phục vụ sinh hoạt, lễ hội cộng đồng.
Đồng bào Ba Na chắt chiu, gìn giữ giọt nước sạch để phục vụ sinh hoạt, lễ hội cộng đồng

Chọn nguồn nước để lập làng

Chọn nguồn nước để lập làng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại của cộng đồng dân tộc Gia Rai. Theo ông R'Cơm Hmyơk, làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, người xưa đã chọn nơi nguồn nước dồi dào để lập làng.

Già Hmyơk tự hào kể: “Không biết rõ cha ông mình đã tìm được mạch nước bằng cách nào nhưng suốt hàng trăm năm nay, nguồn nước giọt của làng vẫn luôn mát lành, chưa hề vơi cạn. Dưới tán những cây cổ thụ cuối làng, dòng nước trong vắt từ mạch ngầm, khe núi chảy về từ bao đời nay được người làng Ia Nueng gìn giữ như báu vật. Sau mỗi ngày đi rẫy, người làng Ia Nueng thường ghé lại giọt nước để chia sẻ biết bao câu chuyện buồn vui. Vì vậy, dù chịu sự tác động mạnh mẽ của đô thị hóa, đồng bào Gia Rai ở TP. Pleiku vẫn gìn giữ được không gian giọt nước”.

Còn ở làng Hnap, xã K’Dang, huyện Đak Đoa, đồng bào Ba Na truyền miệng rằng, trước khi chọn đất lập làng, bà con phải tìm được nguồn nước đảm bảo cho cộng đồng, vị trí thường nằm ở cuối làng. Sau nhiều lần thăm dò, tìm được nguồn phù hợp, bà con tiến hành khơi thông mạch nước và lắp đặt ống lồ ô, tre để thuận lợi cho việc lấy nước sử dụng. Tiếp đó, dân làng tổ chức lễ cúng để tạ ơn Yàng đã ban cho nguồn nước sạch.

Già làng A Ngop kể lại: “Làng mình là vùng đất có nguồn nước ngầm rất dồi dào. Giọt nước tuôn chảy quanh năm nên người dân không bao giờ bị thiếu nước sinh hoạt. Để bảo tồn và phát huy được giọt nước này, dân làng luôn bảo ban nhau bảo vệ nguồn nước, giữ cây cối xung quanh luôn xanh mát và đảm bảo vệ sinh môi trường”.
Nghi lễ cúng giọt nước của đồng bào Gia Rai không chỉ mang nét văn hóa đặc sắc mà còn nhắc nhở con cháu có ý thức gìn giữ, trân quý nét văn hóa của dân tộc.
Nghi lễ cúng giọt nước của đồng bào Gia Rai không chỉ mang nét văn hóa đặc sắc mà còn nhắc nhở con cháu có ý thức gìn giữ, trân quý nét văn hóa của dân tộc

Theo các già làng, cộng đồng các DTTS trên địa bàn khi lập làng thường chọn nơi đất đai màu mỡ, vị trí đẹp, nhưng quan trọng nhất là có nguồn nước tốt để làm giọt nước, xem đây là lựa chọn có vai trò hàng đầu. Giọt nước của đồng bào các DTTS được lấy từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng phải đảm bảo sạch, tinh khiết, có thể sử dụng trong việc ăn uống hằng ngày. Vì vậy, thường là nguồn nước lấy từ mạch núi, khe suối được dẫn về làng bằng các ống lồ ô nối nhau.

Duy trì mạch nguồn sự sống
Hình ảnh giọt nước đối với cộng đồng các DTTS trên địa bàn đã trở nên gần gũi, thiêng liêng và là nguồn sống của dân làng. Chị A Ngai, người dân làng Hnap, xã Kdang, huyện Đăk Đoa chia sẻ: “Mỗi khi làng có lễ hội là chị em phụ nữ trong làng cùng nhau dọn dẹp khu vực quanh giọt nước. Sau đó, lấy nước về để thực hiện các nghi lễ quan trọng như Lễ Cầu mưa, Lễ Cúng giọt nước, Lễ Mừng nhà mới… Giọt nước được đưa về phải thật sạch, bỏ trong trái bầu khô cho mát thì buổi lễ mới diễn ra tốt đẹp”.

Còn đối với đồng bào Gia Rai, cùng với những nghi lễ truyền thống quan trọng như Lễ Cúng nhà Rông, Lễ Cúng nhà mồ, thì Lễ Cúng giọt nước là lễ quan trọng nhất đối với dân làng. Bởi từ khi chọn đất lập làng, người Gia Rai thường chọn khu vực có nguồn nước mạch chảy ra từ khe núi để làm giọt nước, giọt nước chính là mạch nguồn sự sống của đồng bào Gia Rai.

Già làng Siu Núi cho biết: Để dòng nước mãi tràn đầy, làng chúng tôi thường tổ chức cúng giọt nước hằng năm cầu mong thần nước phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật đều tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Dân làng đều xem giọt nước là nơi sinh hoạt thân thuộc, nơi nuôi sống và gắn kết cộng đồng.

Phần hội sau Lễ cúng giọt nước
Phần hội sau Lễ cúng giọt nước

Cũng giống như nhiều đồng bào DTTS ở Tây Nguyên, giọt nước đối với đồng bào DTTS ở Gia Lai là biểu tượng văn hóa hết sức độc đáo, gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của bà con. Tập quán sử dụng giọt nước được bà con duy trì, gìn giữ đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn.

Ông Nguyễn Xuân Hà, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP. Pleiku thông tin: Hầu hết các làng đồng bào DTTS trên địa bàn Thành phố đều lưu giữ giọt nước. Thời gian qua, Thành phố đã đầu tư kinh phí tu sửa, bảo tồn giọt nước tại 4 làng và vận động các tổ chức, đoàn thể xã, phường trồng cây xanh, hoa tươi quanh khu vực giọt nước. Giọt nước cũng là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Gia Rai ở Pleiku, Thành phố đã và đang bảo tồn để chuyển hóa thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút du khách. 

Năm 2023, UBND TP. Pleiku đã phê duyệt Đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại làng Ia Nueng và làng Ốp. Trong đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch xanh thân thiện với môi trường… Đồng thời quan tâm hình thành, xây dựng các sản phẩm du lịch, trong đó có giọt nước. Đây sẽ là động lực giúp dân làng gìn giữ giọt nước cũng như phát huy bản sắc văn hóa trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

Tin cùng chuyên mục
Đình Lập (Lạng Sơn): Ra mắt câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian

Đình Lập (Lạng Sơn): Ra mắt câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian

Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn phối hợp với huyện Đình Lập vừa tổ chức Lễ ra mắt mắt Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Tày, Nùng, Dao trên địa bàn xã Kiên Mộc. Câu lạc bộ được thành lập và ra mắt theo kế hoạch thực hiện Dự án số 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình MQTG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.