Sinh ra, lớn lên ở vùng núi cao, tuổi thơ của ông Dương Văn Chảng gắn liền với tiếng khèn của đồng bào dân tộc mình. Mỗi khi lên nương, xuống chợ, chàng trai Dương Văn Chảng đều mang theo cây khèn trên vai. Mọi tâm tư, tình cảm đều được ông gửi gắm qua tiếng nhạc. Được trời phú cho năng khiếu nghệ thuật, ông Chảng vừa học cách sử dụng, vừa tự mày mò chế tác nhạc cụ dân tộc. Dần dần, những ngón đàn trở nên điêu luyện. Tiếng khèn hay cùng sự uyển chuyển trong từng động tác múa của ông khiến bao người say mê, nể phục.
Sau này, khi trở thành cán bộ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Đức Xuân, ông Chảng có dịp được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều hơn với tiếng khèn, tình yêu với nhạc cụ dân tộc trong ông ngày càng trở nên mãnh liệt. Ông chia sẻ: “Mình học để biết cách chơi khèn nên luôn mong muốn bảo tồn, phát huy âm nhạc trong cộng đồng”.
Không chỉ giỏi chơi khèn, ông Chảng còn chơi được đàn môi, đàn nhị và nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác của người Mông. Để sở hữu các loại nhạc cụ cho riêng mình, bản thân ông phải mày mò, đi kiếm nguyên liệu về tự chế tác. Với nhạc cụ khèn, ông phải lặn lội vào rừng tìm những cây gỗ pơ mu to, thẳng, về bổ đôi và khoét rỗng theo chiều dài thân cây và buộc chặt để nhựa tự kết dính. Còn với đàn nhị, ông Chảng tận dụng từng hộp chè hình trụ người khác bỏ đi, về tự đục đẽo để làm bầu đàn. Chính vì vậy, khác với nhạc cụ của người miền xuôi, tiếng nhạc của người Mông luôn khiến người nghe cảm nhận được sự hoang sơ của núi rừng Tây Bắc.
Hơn nửa đời người dành cho nhạc cụ của người Mông, thì cũng ngần ấy thời gian ông Chảng đau đáu về nỗi lo mai một những nhạc cụ dân tộc. Ở tuổi 84, ông Chảng vẫn miệt mài đi bộ trên những con đường đất để tuyên truyền cho bà con về những giá trị truyền thống của dân tộc. Ông Chảng trăn trở, xã Đức Xuân vẫn còn nghèo nên người dân nơi đây ít quan tâm đến nhạc cụ dân tộc. Bản thân con cháu trong gia đình ông cũng không học được nhạc cụ vì còn mải lo kiếm sống. Ông cũng mong muốn những người miền xuôi, nhất là người Kinh có thể học cách chơi nhạc cụ của người Mông, nhưng do rào cản ngôn ngữ, những dự định của ông cũng đành gác lại.
Trao đổi với ông Đào Văn Pá, Bí thư Đảng ủy xã Đức Xuân, ông cho biết, mặc dù xã đã nhiều lần đề xuất giải pháp và xin hỗ trợ kinh phí để bảo tồn, phát triển đời sống văn hóa cho bà con, nhưng đến nay, các chính sách phát triển văn hóa vẫn chưa thực sự được quan tâm, đầu tư bài bản. Vì vậy, nguy cơ mai một bản sắc văn hóa vẫn còn hiện hữu. Trong thời gian tới, phiên chợ của người Mông sẽ được tổ chức tại tỉnh Cao Bằng, chính quyền xã sẽ tạo điều kiện cho ông Chảng mang tiếng khèn cùng nhiều nhạc cụ dân tộc khác xuống chợ để quảng bá, tuyên truyền về nét đẹp văn hóa của dân tộc.