Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Linh thiêng tiếng khèn Mông

PV - 09:44, 23/07/2020

Dân tộc Mông ở Tuyên Quang tuy số dân không đông như các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan nhưng là một dân tộc có tính cộng đồng cao và có bản sắc văn hóa đậm nét. Đồng bào Mông rất yêu thích văn nghệ. Người con trai Mông ngoài việc giỏi làm nương còn phải biết thổi sáo, múa khèn. Người thổi khèn giỏi sẽ có uy tín trong bản.

Ảnh sưu tầm
Ảnh sưu tầm

Trong tiếng Mông, khèn được gọi là “chúa kềnh”. “Chúa kềnh” rất quan trọng và được xem là vật mang giá trị tâm linh, gắn liền với cuộc sống tinh thần của người Mông. Cây khèn rất quan trọng với người Mông, có những thứ không thể nói bằng lời được thì dùng tiếng khèn để thay cho lời nói. Cây khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ để múa, có cấu tạo phù hợp với dáng khum người và các thế quay, nhảy với những bước nhún, bước đảo, bước quay hoặc vừa ôm khèn, vừa lăn mình trên đất tạo nên vũ đạo rất đẹp.

Tiếng khèn người Mông ẩn chứa những thông điệp sâu xa, thầm kín của con người.
Tiếng khèn người Mông ẩn chứa những thông điệp sâu xa, thầm kín của con người.

Chiếc khèn do chính những người đàn ông Mông kỳ công chế tác. Để làm ra một chiếc khèn tốn không ít thời gian, từ khâu đục bầu, lựa ống khèn, rèn lưỡi gà bằng đồng với nhiều công đoạn hết sức phức tạp, đòi hỏi sự kỳ công của người thợ. Khèn gồm 6 ống trúc nằm ngang nối với 1 ống trúc dọc qua bầu gỗ nhỏ, mỗi ống trúc ngang đều có khoét lỗ và gắn 1 lá đồng để tạo âm thanh, riêng ống to và ngắn nhất gắn 2 lá đồng. Khi thổi, âm thanh trầm, bổng, bay cao vút phụ thuộc vào độ dài, ngắn của các ống trúc này.

Khèn dùng để thổi trong đời sống hàng ngày (trừ đám cưới) như: ngày hội xuân, chợ phiên, văn nghệ, gọi người yêu (người phụ nữ Mông phân biệt rất giỏi, biết được tiếng khèn nào của người mình yêu). Đặc biệt, cây khèn là vật không thể thiếu trong tang lễ, bởi người Mông quan niệm, tiếng khèn là công cụ để người sống và người chết có thể giao tiếp với nhau. Có tiếng khèn thì linh hồn người chết mới được đưa về tổ tiên. Khèn trong đám tang của người Mông có hơn 60 bài, tùy theo hoàn cảnh gia đình và sự ra đi của người chết, người thổi khèn sẽ tấu những bài phù hợp.

Nghệ thuật trình diễn khèn thể hiện đặc sắc, kết hợp giữa âm thanh và động tác của người múa với cây khèn. Người múa say sưa thể hiện các bài khèn, kèm theo là các động tác nhuần nhuyễn. Khèn thổi đi đôi với múa, đã thổi khèn là không để đôi chân đứng yên. Không chỉ múa khèn một người mà đến bốn người hoặc hơn, khi múa khèn với nhau chân đá rất đều và khỏe phù hợp với điệu khèn.

Múa khèn thể hiện bản sắc văn hóa riêng, độc đáo của cộng đồng người Mông, ghi dấu ấn sâu sắc trong các lễ nghi. Đồng thời, nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, mang ý nghĩa thiết thực về tính nhân văn, tính cộng đồng cao, là nét đẹp văn hoá góp phần thúc đẩy và làm giàu cho nền văn hóa của các dân tộc ở mỗi địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.