Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Giữ vững và phát huy thành quả phổ cập giáo dục mầm non ở vùng đồng bào DTTS

Tùng Nguyên - 17:28, 03/04/2025

Nghị định số 66/2025/NĐ-CP đã bổ sung chính sách hỗ trợ trẻ em nhà trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Sự bổ sung này không chỉ góp phần giữ vững và phát huy thành quả xoá mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non ở vùng đồng bào DTTS và miền núi mà còn bảo đảm công bằng trong thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

 Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang thăm điểm trường mầm non làng Kon Tuông, xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei tháng 1/2025. Ảnh: Ngọc Chí
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang thăm điểm trường mầm non làng Kon Tuông, xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei tháng 1/2025. Ảnh: Ngọc Chí

Bao phủ các cấp học

Ngày 12/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2025/NĐ-CP quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách. Một điểm mới là Nghị định số 66/2025/NĐ-CP đã bổ sung trẻ em nhà trẻ bán trú (từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi) vào diện được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học tập từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Thực tế, từ nhiều năm nay, các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục dân tộc đã tiếp cận đến hầu hết học sinh các cấp học và các sinh viên, nghiên cứu sinh người DTTS. Tuy nhiên, trẻ em nhà trẻ bán trú vẫn còn nằm ngoài diện thụ hưởng; gần đây nhất là Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non có chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo, nhưng chỉ hỗ trợ nhóm trẻ từ 3 tuổi đến 6 tuổi.

Trong Tờ trình số 1573/TTr-BGDĐT ngày 25/10/2024 trình Chính phủ hồ sơ dự thảo nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách (nay là Nghị định số 66/2025/NĐ-CP), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng đã nhìn nhận, nhóm trẻ em nhà trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa được hưởng bất kỳ chính sách hỗ trợ giáo dục nào; chưa đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Theo Nghị định số 66/2025/NĐ-CP, cơ sở giáo dục mầm non có trẻ em nhà trẻ bán trú được hưởng 700 nghìn đồng/tháng/nhóm trẻ em nhà trẻ (không quá 9 tháng/năm học) để quản lý buổi trưa đối với nhóm trẻ em nhà trẻ.

Tại những kỳ họp của Quốc hội khóa XV gần đây, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (nay là Ủy ban Dân nguyện và Giám sát) đã tổng hợp ý kiến của cử tri ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước (Hà Tĩnh, Nghệ An, Bắc Kạn,...) về chính sách hỗ trợ trẻ em nhà trẻ để gửi Bộ GD&ĐT. Tâm tư của cử tri cả nước đã được giải tỏa khi Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2025/NĐ-CP, đưa nhóm trẻ em nhà trẻ vào diện thụ hưởng chính sách hỗ trợ học tập. Cùng với việc Bộ Chính trị quyết định thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết THPT công lập trên phạm vi cả nước, bắt đầu từ năm học 2025 - 2026 thì đây là tin vui cho hàng triệu gia đình ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có con em độ tuổi nhà trẻ.

Chăm sóc trẻ từ đầu đời

Theo Nghị định 66/2025/NĐ-CP, trẻ em nhà trẻ bán trú sẽ được hỗ trợ 360 nghìn đồng/tháng/trẻ tiền ăn trưa (không quá 9 tháng/năm học). Như vậy, định mức hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em nhà trẻ tại Nghị định 66/2025/NĐ-CP tăng hơn gấp đôi so với Nghị định số 105/2020/NĐ-CP (nhóm trẻ mầm non từ 3 - 6 tuổi được hỗ trợ 160 nghìn đồng/tháng/trẻ). Việc tăng định mức hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em nhà trẻ cho thấy tầm nhìn của việc hoạch định chính sách nhằm phát triển con người ngay từ những năm đầu đời.

 Học sinh điểm trường mầm non Cáo Phìn - Trường Mầm non Thèn Chu Phìn, xã Thèn Chu Phìn, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Vũ Mừng
Học sinh điểm trường mầm non Cáo Phìn - Trường Mầm non Thèn Chu Phìn, xã Thèn Chu Phìn, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Vũ Mừng

Theo TS.BS. Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), 1.000 ngày đầu đời là giai đoạn vàng để chăm sóc trẻ về mặt dinh dưỡng, tinh thần, trẻ sẽ có nền tảng sức khỏe tốt nhất, đảm bảo tương lai trưởng thành khỏe mạnh, dễ phát triển. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, việc chăm sóc trẻ em trong “giai đoạn vàng” của nhiều gia đình DTTS vẫn còn rất hạn chế.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em DTTS cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Một báo cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2023 cho thấy, tỷ lệ thể thấp còi ở trẻ em người DTTS là 31,4%, cao gấp 2 lần so với nhóm trẻ em người Kinh (15,0%); tỷ lệ trẻ em là người DTTS nhẹ cân cũng lớn hơn gấp 2,5 lần (21% so với 8,5%) so với trẻ em là người Kinh.

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em nhà trẻ bán trú tại Nghị định số 66/2025/NĐ-CP phù hợp với các quy định của Luật Giáo dục và Luật Trẻ em hiện hành. Trong đó, Luật Trẻ em có quy định rõ Nhà nước có chính sách bảo đảm chăm sóc trẻ em (Điều 43) và bảo đảm về giáo dục cho trẻ em (Điều 44) cũng như quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện (Điều 15). Luật Giáo dục 2019 cũng quy định rõ, Nhà nước có chính sách đầu tư phát triển giáo dục mầm non; ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào DTTS, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp (Điều 27). 

Tin cùng chuyên mục
Rà soát một số nội dung điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Rà soát một số nội dung điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Sáng 3/4, tại Hà Nội, Bộ Dân tộc và Tôn giáo tổ chức họp rà soát một số nội dung liên quan đến điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719). Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Y Vinh Tơr chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước, đại diện các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các dự án của Chương trình.