Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thông tin đối ngoại đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Giữ yên bình “vành đai" biên giới An Giang

Như Tâm - Như Anh - 14:26, 02/12/2023

Đi dọc theo tuyến đường biên giới An Giang lên các cửa khẩu giáp với nước bạn Campuchia, thấp thoáng trong bóng chiều là hình ảnh những khóm ấp nằm bình yên bên những cánh đồng trù phú và những hàng cây thốt nốt đặc trưng của vùng miền Tây Nam Bộ.

(BCĐ-Thông tin đối ngoại) Giữ yên bình “vành đai" biên giới An Giang
Thành phố Châu Đốc nằm cách biên giới Campuchia khoảng 25km. Đây được coi là vị trí quan trọng về kinh tế, thương mại và du lịch của tỉnh An Giang

Thành phố Châu Đốc nằm cách biên giới Campuchia khoảng 25km. Đây được coi là thủ phủ nơi vùng biên giới của tỉnh An Giang. Châu Đốc có vị trí quan trọng về kinh tế, thương mại và du lịch, nên mỗi năm có tới hơn 4 đến 5 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng và mua sắm.

Từ Châu Đốc, theo Quốc lộ 91C chúng tôi đi tiếp lên huyện vùng biên An Phú. Nơi đây có cửa khẩu Khánh Bình nối cả đường sông và đường bộ sang Campuchia. Đứng bên này sông Bình Di nhìn sang bên kia là cửa khẩu Chrey Thum thuộc huyện Koh Thum, tỉnh Kan Dal của Campuchia. Từ lâu, thị trấn Long Bình của huyện An Phú được xem là điểm tập kết và trung chuyển quan trọng đủ mọi loại hàng hóa từ nông sản cho đến quần áo, mĩ phẩm, thực phẩm… giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.

Từ cột mốc 246 ở ngã ba sông Bình Di của thị trấn Long Bình nhìn ra, ngày 24/4/2017 cầu Long Bình - Chrey Thom chính thức khánh thành thông cầu, từ đây du khách tấp nập qua lại hai bên biên giới, tạo thành đòn bẩy phát triển kinh tế vùng biên của tỉnh An Giang

Thị xã Tịnh Biên cũng được xem là trung tâm thương mại, mậu dịch ở vùng biên giới của An Giang. Đặc biệt, Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên giáp cửa khẩu Phnom Den (tỉnh Ta Keo, Campuchia), là điểm nối liền giữa Quốc lộ 91 của Việt Nam và Quốc lộ 2 của Campuchia. Từ đây, nông sản, hàng hóa đi thẳng vào Phnom Penh, hoặc có thể đi qua tỉnh Kampot và đi tiếp Quốc lộ 3 về Poset, Odong, Kampong Speu… rất thuận tiện. Mỗi năm, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này đạt trên 100 triệu USD. Đây là lợi thế rất lớn của tỉnh An Giang, tháng 4/2023 Tịnh Biên trở thành Khu kinh tế cửa khẩu, góp phần thúc đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của vùng biên giới Tây Nam.

Xã Khánh An, huyện An Phú cũng là một điểm sáng vùng biên nhờ đã hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới với hệ thống đường giao thông nông thôn, điện lưới, trường học, trạm xá... khang trang, đồng bộ. Đây cũng là xã nông thôn mới đầu tiên ở huyện biên giới An Phú.

Chủ tịch UBND xã Khánh An Cao Xuân Điệu cho biết: địa phương vốn có điểm xuất phát thấp nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng của chính quyền và người dân, nên sau 5 năm xã đã hoàn thành chỉ tiêu nông thôn mới, từ đó đời sống kinh tế, văn hóa của người nhân được nâng lên rõ rệt.

Để hiểu thêm về đời sống của đồng bào vùng biên An Giang, chúng tôi lại đã đến xã Vĩnh Xương, huyện Tân Châu. Đến thăm gia đình chị Lê Thị Lan ở ấp 3, một trong những hộ có điều kiện kinh tế khá giả nhờ mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình nuôi dê thịt kết hợp với trồng ổi. Chỉ vào đàn dê to khỏe, chị Lan phấn khởi khoe: “Tôi vừa bán 5 con dê được khoảng 20 triệu nên Tết này sẽ sắm sửa thiệt đầy đủ cho tụi nhỏ”.

Hay như ở ấp 5 có gia đình anh Nguyễn Văn Minh, nhờ có nghề trồng nấm rơm mà mỗi tháng cũng thu về được hơn 30 triệu đồng lãi ròng. Thấy anh làm ăn tốt nên Hội Nông dân xã đang giúp hoàn thành thủ tục vay thêm vốn ngân hàng để mở rộng trang trại sản xuất.

Còn ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, trước vốn là xã nghèo nhất của tỉnh, nhưng nay cũng đã đổi thay nhiều. Bằng chứng là ở các phum, sóc ngày càng có nhiều nhà mới. Hệ thống điện, đường, trường, trạm cũng đã hoàn chỉnh. Đặc biệt, người dân Văn Giáo giờ đã có thể phát triển kinh tế bằng chính nghề dệt thổ cẩm truyền thống nổi tiếng của mình.

Bà Nèang Samon ở ấp Srây Skốth tự tin cho biết: “Nhờ có sự giúp đỡ của các cấp các ngành nên gia đình đã phát triển được nghề dệt, nhờ đó mà xây được nhà, con cái đi học đầy đủ, không phải lo cái ăn từng bữa như trước nữa. Ngoài ra, các chú bộ bộ đội giúp đỡ bà con ở đây nhiều lắm, nên người dân cũng thương yêu các chú bộ đội như con vì các chú bộ đội rất gần dân, giúp dân từ việc lớn tới việc nhỏ, từ việc hướng dẫn trồng nông nghiệp, gánh nước, trồng rau, làm đường, kênh mương, khám bệnh, phát thuốc cho tới dạy học cho các cháu nhỏ…

(BCĐ-Thông tin đối ngoại) Giữ yên bình “vành đai
Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang tăng cường công tác tuần tra biên giới trên địa bàn có chiều dài hơn 100km


An Giang có 12 Đồn Biên phòng, trong đó có 2 Đồn cửa khẩu quốc tế và 2 Đồn cửa khẩu quốc gia. Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết: Hàng năm, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực, chủ động, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, mô hình giúp dân ở khu vực biên giới, nhiều chương trình, mô hình, phong trào, sáng kiến đã đem lại hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giớ.. Nhờ đó, BĐBP luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đánh giá cao, Nhân dân đồng tình ủng hội tích cực tham gia các chương trình, mô hình do Biên phòng phát động tổ chức, như: “Nâng bước em đến trường - Con nuôi Đồn Biên phòng”; “Mẹ đỡ đầu”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Tổ Phụ nữ tự quản đường biên, mốc quốc giới”; “Đảng viên Đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ khóm, ấp biên giới”; “Đảng viên phụ trách hộ gia đình”; “Hũ gạo tình thương” ...

Không chỉ giúp dân phát triển kinh tế, BĐBP An Giang còn quan tâm nâng cao đời sống tinh thần của người dân, tạo mọi điều kiện để đồng bào phát huy văn hóa truyền thống, cũng như được tự do theo tín ngưỡng của mình. Nhờ đó mà đồng bào Kinh, Chăm, Khmer, Hoa luôn sống yêu thương, hòa thuận, phát huy được bản sắc văn hóa độc đáo của mình. Nhiều nhà thờ Hồi giáo, chùa, thánh đường được trùng tu và xây mới. Nhiều tập tục như đua bò vùng Bảy Núi, đua ghe ngo của đồng bào Khmer… giờ đã trở thành những lễ hội lớn nổi tiếng khắp cả nước.

(BCĐ-Thông tin đối ngoại) Giữ yên bình “vành đai
Bộ đội Biên phòng An Giang lập thêm 3 trạm y tế tại các huyện Tri Tôn, An Phú và Tân Châu để nâng cao khả năng khám chữa bệnh cho người dân vùng biên giới

Để xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị nhằm giúp nhân dân hai nước ổn định làm ăn, sinh sống, nhân dân hai bên biên giới đã lập những cụm dân cư kết nghĩa; còn lực lượng bảo vệ biên giới của hai nước Việt Nam và Campuchia thì không ngừng tăng cường giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị. Lực lượng biên phòng tỉnh An Giang và 2 tỉnh Kan Đal, Ta Keo của nước bạn Campuchia cũng thường phối hợp tổ chức những buổi tuần tra chung. Khi có vụ việc xảy ra, hai bên thường xuyên chủ động thông báo tình hình cho nhau, cùng nhau giải quyết đúng chủ trương, đối sách, hợp tình, hợp lí, không để xảy ra căng thẳng.

Ngoài ra, bên cạnh hệ thống trạm y tế ở các xã vùng biên, Bộ đội Biên phòng An Giang còn lập thêm 3 trạm xá quân dân y tại khu vực biên giới ở các huyện Tri Tôn, An Phú và Tân Châu để nâng cao khả năng khám chữa bệnh cho người dân. Đặc biệt, lực lượng quân y biên phòng còn tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt người dân Campuchia tại hai tỉnh Ta Keo và Kan Dal. Nhiều đoàn y bác sĩ giỏi từ Tp. Hồ Chí Minh, Châu Đốc, Long Xuyên… cũng thường xuyên về đây tham gia khám và điều trị bệnh cho người dân hai bên biên giới với tinh thần “nghĩa tình khu vực biên giới Việt Nam và Campuchia”.

Chúng tôi tời khu vực biên giới Việt Nam và Campuchia trong ánh chiều vàng óng ả, hình ảnh các phum sóc và những hàng cây thốt nốt lướt nhẹ qua ô cửa kính thật bình yên và êm ả. Một mùa xuân mới lại đang về trên mảnh đất biên cương nơi miền Tây Nam của Tổ quốc.

An Giang là tỉnh có nhiều cửa khẩu biên giới kết nối với nước bạn Campuchia. Trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế là Tịnh Biên (thuộc thị trấn Tịnh Biên) bằng đường bộ và Sông Tiền bằng đường sông (thuộc xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu). Ngoài ra, còn có nhiều đường mòn và kênh rạch liên thông qua lại giúp cư dân hai nước trao đổi buôn bán dễ dàng.

Tin cùng chuyên mục
Bình Định: Phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phi chính phủ nước ngoài

Bình Định: Phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phi chính phủ nước ngoài

Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác vận động, tiếp nhận viện trợ và triển khai thực hiện các dự án, phi dự án phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh năm 2023. Qua đó, ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giúp các địa phương từng bước ổn định an sinh xã hội.