Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng - Nhìn từ vùng DTTS và miền núi: Ý nghĩa lớn - Vướng mắc cũng không nhỏ (Bài 1)

Hoàng Quý - 11:31, 23/09/2020

Nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng thông qua gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, với khoảng 20 triệu người thụ hưởng. Chính sách hỗ trợ lần này của Chính phủ là chưa từng có tiền lệ, thể hiện tính nhân văn, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân trong giai đoạn khó khăn. Gói hỗ trợ nhận được sự quan tâm, kỳ vọng và ủng hộ của người dân cả nước, nhất là đồng bào vùng DTTS và miền núi.

Vẫn còn nhiều lao động tự do trên cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Vẫn còn nhiều lao động tự do trên cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã triển khai hỗ trợ cho nhóm đối tượng người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Vui mừng, phấn khởi là tâm trạng chung của mỗi người dân khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ.

Nguồn động viên lớn lao...

Là một trong những người nhận được tiền hỗ trợ sớm, anh Lý Văn Thắng ở xã Hồng Quang, Lâm Bình (Tuyên Quang) không giấu được xúc động chia sẻ: “Tôi rất vui mừng khi nhận được tiền hỗ trợ. Trong thời gian dịch bệnh, giãn cách xã hội, tôi đã nghỉ chạy xe hơn 2 tháng và không có nguồn thu nhập. Đối với tôi, khoản tiền này cũng phần nào giảm bớt khó khăn cho gia đình, là nguồn động viên để tôi tiếp tục làm việc nuôi sống bản thân và gia đình”.

Chung niềm vui với anh Thắng, anh Bàn Văn Ngọc là lao động tự do ở xã Lăng Can (Lâm Bình - Tuyên Quang) vừa qua cũng đã nhận được tiền hỗ trợ. Theo anh Ngọc, nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, anh rất cảm động. Số tiền hỗ trợ rất quý với gia đình anh trong thời điểm này, giúp cả nhà có thêm động lực cố gắng lao động, sản xuất để sớm ổn định cuộc sống trong thời gian tới.

Được biết, để người dân sớm nhận được tiền hỗ trợ, công tác triển khai được huyện Lâm Bình vào cuộc quyết liệt. Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, việc triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được huyện rà soát bảo đảm đúng người, đúng đối tượng, tránh trùng, tránh sót. Đến nay, huyện Lâm Bình đã chi trả cho 166 đối tượng người có công, 911 đối tượng bảo trợ với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo được chi trả hơn 18 nghìn nhân khẩu số tiền là gần 14 tỷ đồng; 8 đối tượng lao động tự do với số tiền 24 triệu đồng…

Phát sinh nhiều vướng mắc

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Tuyên Quang, tỉnh có 16 doanh nghiệp (DN) báo cáo do ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải cho lao động ngừng việc, giãn việc, tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động. Đã có trên 5.700 người lao động bị ảnh hưởng, trong đó 101 người chấm dứt hợp đồng lao động, hơn 5.100 người ngừng việc và 490 người giảm ngày làm việc.

Hay như Bắc Giang, hiện đã hoàn tất việc chi tiền hỗ trợ với tổng kinh phí gần 249,8 tỷ đồng, bảo đảm đúng đối tượng. Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh có tổng số hơn 257.000 người, hộ, cơ sở kinh doanh, DN thuộc 6 nhóm đối tượng được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phê duyệt hỗ trợ. Trong đó, toàn tỉnh có hơn 5.000 lao động tự do được hỗ trợ từ gói 62 nghìn tỷ đồng, tổng kinh phí chi trả hơn 5 tỷ đồng…

Thực tế cho thấy, Bắc Giang, Tuyên Quang hay những địa phương miền núi khác mặc dù gặp nhiều khó khăn khi giải ngân gói 62 nghìn tỷ đồng. Nhưng do đối tượng thụ hưởng không lớn, việc xác minh và chi trả vẫn được hoàn thành thuận lợi. Theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, tính đến ngày 10/8, cả nước đã có gần 16 triệu người được thụ hưởng chính sách trên, với tổng kinh phí trên 17,5 ngàn tỷ đồng. Kho bạc Nhà nước Trung ương đã thực hiện giải ngân 11.982 tỷ đồng, để hỗ trợ cho trên 12 triệu người và 13.725 hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, nhiều địa phương khác, đặc biệt là những nơi đông lao động tự do, việc hỗ trợ vẫn là một bài toán khó cho các cấp chính quyền. Như chia sẻ của ông Đinh Văn Nhật, Chánh Văn phòng Sở LĐTB&XH tỉnh Tuyên Quang, một trong những khó khăn nhất hiện nay trong công tác triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ là đối tượng thuộc diện hỗ trợ có số lượng nhiều; có đối tượng thuộc diện được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ. Việc các bộ, ngành không có hướng dẫn chi tiết một số nội dung chưa rõ cũng ảnh hưởng đến việc triển khai tại các địa phương… Những nội dung này sẽ được Báo Dân tộc và Phát triển phản ánh trong số báo tiếp theo.


Tin cùng chuyên mục
Đăk Tô (Kon Tum): Thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo

Đăk Tô (Kon Tum): Thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo

Bằng quyết tâm và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Đăk Tô (Kon Tum) đã phát huy hiệu quả, giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên, nâng cao đời sống, thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.