Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hà Giang: Phát huy vai trò Hợp tác xã trong xoá đói giảm nghèo

Minh Thu - 09:25, 12/10/2022

Những năm qua, chủ trương phát triển kinh tế tập thể của tỉnh Hà Giang đã có nhiều chuyển biến, các hợp tác xã (HTX) phát triển khá đồng đều cả về chất và về lượng. Nhiều HTX làm ăn có hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn thành viên, nông dân, đồng bào DTTS.

Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Hà Giang hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.
Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Hà Giang hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.

Điểm tựa cho thành viên

Trước đây, bà con nông dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS tại tỉnh Hà Giang, hầu như chỉ quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu mạnh ai nấy làm, ít quan tâm đến khái niệm liên doanh liên kết trong sản xuất để sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa.

Với mục tiêu khai thác các nguồn lực và phát huy thế mạnh sẵn có của mỗi địa phương, huyện Bắc Mê đã đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, từ đó nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của huyện.

Như HTX Nông lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn, xã Minh Ngọc (HTX Ngọc Sơn) - một trong những đơn vị đi đầu trong việc sản xuất, chế biến tinh bột và củ nghệ sấy khô - một trong những sản phẩm OCOP của huyện Bắc Mê.

 6 tháng đầu năm nay, HTX Ngọc Sơn đã sản xuất được 10,85 tấn tinh bột và củ nghệ sấy khô. Đồng thời, liên kết xuất bán được 658,5 tấn nghệ tươi cho nông hộ tại các xã Minh Ngọc, Yên Định, Minh Sơn, Yên Phong… Mặc dù nền kinh tế ảnh hưởng do dịch bệnh, nhưng HTX vẫn luôn duy trì hoạt động và tạo việc làm thường xuyên cho 5 đến 10 lao động địa phương, với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Tại huyện Mèo Vạc, năm 2016, tận dụng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, anh Hoàng A Páo, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tả Lủng, xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc (HTX Tả Lủng), đã đầu tư vốn và giống phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa với 3 nhóm ngành nghề chính: Chế biến, chưng cất rượu gắn với chăn nuôi; nuôi ong, chế biến mật ong; thu mua nông sản, cung cấp dịch vụ vật tư nông nghiệp, con giống. Sau 6 năm, HTX đã đưa ra thị trường những sản phẩm sạch, có uy tín và chất lượng, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng và nâng cao đời sống, thu nhập của thành viên, người lao động trong HTX.

Anh Páo chia sẻ: Hiện nay, doanh thu của HTX đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm và đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho 12 lao động thường xuyên, 24 thành viên; đồng thời giải quyết cho trên 100 lao động mùa vụ, với thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng. "Tôi mong muốn, thời gian tới sẽ bao tiêu các sản phẩm cho bà con và tạo ra các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với người tiêu dùng, góp phần quảng bá thương hiệu đặc sản quê hương".

Thời gian qua, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xây dựng được thương hiệu riêng, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho thành viên. Hiệu quả hoạt động của HTX từng bước được cải thiện, loại hình ngày càng đa dạng, xuất hiện nhiều mô hình mới, hỗ trợ tốt cho kinh tế hộ thành viên phát triển. Điều quan trọng hơn cả, đó là các HTX đóng góp tích cực trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, dân sinh, giải quyết việc làm, hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả, gắn với điều kiện của địa phương, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả trong thu hút thành viên, tạo việc làm cho lao động nông thôn là HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Sà Phìn A xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn (còn được goi là HTX Lanh Trắng), khi mới thành lập chỉ có 20 hội viên, chuyên sản xuất các sản phẩm thêu, dệt, nhuộm vải lanh truyền thống. Sau 5 năm, HTX có bước phát triển nhanh chóng, hình thành chuỗi khép kín, tự cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho 95 hội viên ở xã Sà Phìn và nhiều xã trong huyện Đồng Văn.

Khu vực trưng bày sản phẩm của HTX Dệt Lanh Cán Tỷ, huyện Quản Bạ
Khu vực trưng bày sản phẩm của HTX Dệt Lanh Cán Tỷ, huyện Quản Bạ

Theo chị Vàng Thị Cầu, Tổ trưởng tổ sản xuất HTX Lanh Trắng: Chúng tôi luôn có đơn đặt hàng ổn định từ các nước như Hà Lan, Đức, Mỹ, Nhật. Bên cạnh đó, các cửa hàng thời trang trong nước cũng đến đây nhập sản phẩm của HTX. Với công việc đều đặn, mỗi thành viên HTX có thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Riêng năm 2021, nhờ tham gia HTX, đã có 4 hộ thoát nghèo, có thu nhập ổn định.

Mở rộng hoạt động HTX là bước đi đúng đắn

Những năm gần đây, các mô hình HTX hoạt động hiệu quả đã giúp sản xuất nông nghiệp có điều kiện phát triển, mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, đồng bào DTTS ở Hà Giang. Nhờ đó, cuộc sống của các xã viên ngày càng ổn định, góp phần vào sự phát kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực tế cho thấy, hiện nay, các HTX ở Hà Giang ngày càng được mở rộng và đi vào hoạt động hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho người nông dân, thể hiện là bước đi đúng đắn trong kinh tế tập thể, kinh tế HTX. Bằng các hoạt động tăng cường liên kết với các thành viên, các HTX đã phát triển nhiều sản phẩm có thế mạnh của tỉnh Hà Giang, như: mật ong bạc hà, cam sành, rượu ngô men lá, thực phẩm qua chế biến. Bên cạnh đó, nhiều HTX thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn sản xuất an toàn, ký kết tiêu thụ sản phẩm dài hạn với tổ chức, doanh nghiệp để phát triển bền vững.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động; tập trung đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho người đứng đầu HTX; chú trọng bám sát thực tiễn, phù hợp với yêu cầu phát triển thị trường. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ, khuyến khích các HTX tham gia xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị để làm cơ sở nhân rộng; tích cực phát động và hưởng ứng các phong trào thi đua phát triển HTX.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những năm qua, doanh thu, lợi nhuận, thu nhập bình quân của người lao động trong các HTX nông nghiệp thấp hơn so với bình quân chung của các lĩnh vực khác; có ít HTX sản xuất được sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc; đa phần HTX tập trung sản xuất sản phẩm thô, giá trị kinh tế thấp, thị trường thiếu ổn định; nhiều HTX chưa có liên kết sản xuất, tiêu thụ và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nên chưa phát huy hết vai trò của HTX trong tái cơ cấu nông nghiệp; sự liên kết giữa các HTX với nhau và giữa HTX với tổ hợp tác, nhóm sở thích và với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác còn thiếu bền vững.

Theo bà Lò Thị Mỷ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Giang: Để giải quyết tính trạng đó, tỉnh Hà Giang đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bản chất, mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012. Qua đó, thúc đẩy phát triển các HTX mới tại những nơi đủ điều kiện và người dân có nhu cầu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tập trung gắn với các sản phẩm chủ lực của các địa phương. 

Bên cạnh đó, Hỗ trợ chuyển đổi, thay đổi phương án sản xuất, kinh doanh đối với các HTX, tổ hợp tác hoạt động không hiệu quả; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành cho đội ngũ cán bộ quản lý các HTX nông nghiệp; hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề, kỹ thuật cho thành viên, người lao động trong các HTX; thu hút cán bộ trẻ có trình độ đại học về làm việc tại HTX; góp phần tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, tạo việc làm cho thành viên và người lao động, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.