Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hà Nội: Sản phẩm OCOP- lan tỏa nét văn hóa vùng miền

Mai Hương- CĐ - 17:53, 12/11/2021

Nhắc đến gốm Bát tràng (Gia Lâm), bưởi Phúc Thọ, gà mía, kẹo lạc, kẹo dồi xã Đường Lâm (Sơn Tây), gạo Khu Cháy (Ứng Hòa), lụa Vạn Phúc (Hà Đông)... là nhắc đến những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu đang được khai thác trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP. Hà Nội. Những đặc sản này được "gắn sao" OCOP vừa tăng giá trị kinh tế, vừa giúp quảng bá nét văn hóa vùng miền của mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Gốm sứ- một sản phẩm của Hà Nội được công nhận OCOP trong năm 2020
Gốm sứ- một sản phẩm của Hà Nội được công nhận OCOP trong năm 2020

Đa dạng nhiều sản phẩm vùng miền

Hà Nội được đánh giá là vùng có nhiều sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Những sản phẩm đó không chỉ chứa đựng tinh hoa văn hóa, mà còn góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Khi chương trình OCOP của TP. Hà Nội khởi động, nhiều chủ thể, địa phương đã đầu tư sản xuất, làm mới những sản phẩm truyền thống để phát triển thành sản phẩm OCOP cấp Thành phố.

Trong 6 nhóm sản phẩm của Chương trình OCOP (thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí, vải và may mặc, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch), Hà Nội có nhiều nông sản, thực phẩm có giá trị cao về kinh tế, văn hóa… Thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công, đặc biệt là Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm của Hà Nội ngày càng nâng tầm giá trị. Đến nay, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và cấp sao cho 1.054 sản phẩm OCOP, trong đó, rất nhiều sản phẩm là đặc sản địa phương.

Tham gia Chương trình OCOP của TP. Hà Nội, Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh chọn các sản phẩm truyền thống, gắn với văn hóa đặc trưng của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng như: Bánh cốm, bánh phu thê, bánh pía, kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng, chè lam... dự thi. Đó là những sản phẩm mộc mạc, dân dã không chỉ ngon mà còn mang đậm nét văn hóa ẩm thực truyền thống, cạnh tranh được với các sản phẩm bánh kẹo hiện đại trên thị trường.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh cho biết, Công ty đang có 2 nhà máy sản xuất bánh kẹo tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, dây chuyền sản xuất hiện đại với 3 dòng sản phẩm chính: Bánh mứt kẹo truyền thống (bánh cốm, phu thê, bánh khảo...); bánh mứt kẹo cách tân (bánh bông nhài, bánh đậu xanh tươi...); bánh hiện đại (bánh Soggi, sandochi...) cung ứng cho chuỗi các siêu thị: BigC, Aeon, VinMart, Lotte, Co.opmart... 

Việc được công nhận sản phẩm 4 sao và 5 sao trong chương trình OCOP TP. Hà Nội năm 2020 là bước ngoặt lớn, giúp các sản phẩm Bảo Minh được cơ quan chức năng và người tiêu dùng cả nước biết tới. Trên cơ sở những sản phẩm OCOP được công nhận, Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh mong muốn sản phẩm của Công ty không chỉ phát triển tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu tới nhiều quốc gia để giới thiệu nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của Việt Nam.

Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới, cho biết: Sản phẩm OCOP mang tính cộng đồng, địa phương nên hầu hết các sản phẩm đều bắt nguồn, chứa đựng những nét truyền thống của cộng đồng dân cư. Trong câu chuyện sản phẩm khi tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể đã thể hiện được truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa của sản phẩm trong suốt chiều dài thời gian. Theo đó, những tác động của sản phẩm đến cộng đồng, không chỉ dừng lại ở tạo việc làm, nâng cao thu nhập... mà còn là sự chuyển tải, quảng bá văn hóa vùng miền tới cộng đồng người tiêu dùng trên thị trường.

Sản phẩm OCOP giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Sản phẩm OCOP giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Hết năm 2020, TP. Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.054 sản phẩm, trong đó có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 1,6%), 731 sản phẩm 4 sao (chiếm 69,4%), 306 sản phẩm 3 sao (chiếm 29%) của 72 doanh nghiệp, 82 hợp tác xã và 101 hộ sản xuất kinh doanh, trên 5.000 lao động khu vực nông thôn được giải quyết việc làm. Trong tổng số 1.054 sản phẩm OCOP được công nhận, có 691 sản phẩm thực phẩm, đồ uống 30 sản phẩm, thảo dược 7 sản phẩm, vải, may mặc 27 sản phẩm, sản phẩm lưu niệm, nội thất và trang trí 299 sản phẩm. 

Đến nay, Hà Nội đã có 541 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm. Ngày 02/11/2021, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội đã tổ chức thẩm định đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần 1, đợt 1 năm 2021. Theo đó có  53 sản phẩm của 19 chủ thể thuộc huyện Hoài Đức và huyện Quốc Oai. Hội đồng thẩm định đã nhất trí trình UBND TP. công nhận 53 sản phẩm ÔCP, trong đó có 13 sản phẩm đạt OCOP chất lượng 3 sao và 40 sản phẩm đạt OCOP chất lượng 4 OCOP.

Có thể thấy, mỗi sản phẩm OCOP, là sứ giả văn hóa của một vùng quê, bởi nó mang đầy đủ hồn cốt, nét truyền thống văn hóa và tập quán sinh hoạt của người dân vùng đó. Để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đã thực hiện hỗ trợ các chủ thể sản xuất có những sản phẩm đặc hữu, đặc trưng, thế mạnh đầu tư sản xuất để gia tăng số lượng, chất lượng, sức lan tỏa của sản phẩm đến với người tiêu dùng. Đồng thời, tuyên truyền về giá trị văn hóa của sản phẩm để các chủ thể chú trọng lưu giữ, phát huy và người tiêu dùng biết đến, lựa chọn. 

Bên cạnh đó, văn phòng sẽ hỗ trợ để các chủ thể, các địa phương tham gia hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng, từ đó nâng tầm sản phẩm OCOP cấp Thành phố.

Phát triển sản phẩm OCOP cần gắn với đặc trưng, thế mạnh vùng miền của từng địa phương.
Phát triển sản phẩm OCOP cần gắn với đặc trưng, thế mạnh vùng miền của từng địa phương.

Hà Nội phấn đấu hết năm 2021 sẽ có thêm ít nhất 400 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên theo kế hoạch; hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia.

Phấn đấu đến năm 2025 có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 30 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Tin cùng chuyên mục
Giữ được rừng không ai khác chính là Nhân dân

Giữ được rừng không ai khác chính là Nhân dân

Giữ được rừng, không ai khác, chính là Nhân dân. Những cánh rừng được bảo vệ tốt, chỉ khi nào lợi ích của kinh tế rừng gắn liền với đời sống của mỗi hộ gia đình. Đó là những gì mà chúng tôi đã ghi nhận được ở tỉnh miền núi cực Bắc Hà Giang đã ngút ngàn màu xanh của rừng...