Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

"Hái lộc" trên đỉnh Hoành Sơn Quan

Phạm Tiến - 14:41, 22/08/2024

Tháng 8 là thời điểm sim rừng trên đỉnh Hoành Sơn Quan vào độ chín rộ. Hành trình mưu sinh nơi đỉnh Hoành Sơn Quan của dòng người ở thôn 2, xã Quảng Kim (Quảng Trạch, Quảng Bình) bắt đầu từ 3h sáng.

Hoành Sơn Quan là dãy núi cao nằm giữa địa phận 2 tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình. Do được bảo vệ tốt nên rừng ở đây còn nhiều sản vật
Hoành Sơn Quan là dãy núi cao nằm giữa địa phận 2 tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình. Do được bảo vệ tốt nên rừng ở đây còn nhiều sản vật

Thêm sách vở, áo mới cho con...

Cơm đùm cơm nắm mang theo, dòng người vượt khe, ngược núi hướng đỉnh Hoành Sơn Quan. Chỉ cần dẻo dai leo núi, tinh mắt, nhanh tay hái sim là có tiền. Với giá bán 25.000 đồng/1kg, mỗi ngày mưu sinh bằng nghề hái sim ở Hoành Sơn Quan mang lại thu nhập 250.000 - 300.000 đồng/ngày. 

Đang cân sim vừa đi hái về bán cho thương lái, chị Từ Thị Hoa ở thôn 2, xã Quảng Kim  chia sẻ: “Mùa sim chín đúng vào độ nông dân đang nông nhàn và các cháu đang nghỉ hè. Mấy mẹ con tranh thủ lên núi hái sim về bán kiếm thêm chút tiền chuẩn bị quần áo, sách vở cho các cháu bước vào năm học mới. Đi sớm, về muộn nhưng nghề này cũng cho thu nhập khá, mỗi ngày 2 mẹ con cũng được 500 nghìn đồng”.

“Chân người đi trước được ăn”, các cụ xưa đã nói thế. Cái nghề đi hái sim cũng phải bắt đầu từ rất sớm. 3 giờ sáng, mẹ con chị Hoa cùng dòng người ở thôn 2, xã Quảng Kim đã phải ra khỏi nhà để ngược núi mưu sinh. Bì đựng sim, cơm nắm mang theo, dòng người vượt khe ngược đỉnh Hoành Sơn Quan để bắt đầu hái sim.

Tháng 8, sim trên đỉnh Hoành Sơn Quan đang vào độ chín rộ. Những cành sim khẳng khiu như dồn hết tinh túy cho mùa quả chín. Quả sim to bằng đầu ngón tay, no nắng chín đen mọng lúc lỉu trên cành. Trung bình, mỗi người hái được từ 10-15kg/ngày, với giá thương lái thu mua 25.000/1kg. Dù không phải là nghề có thu nhập cao, nhưng đi hái sim không cần tay nghề, vốn liếng nên thu hút được nhiều người tham gia. 

Mùa sim chín rộ thu hút nhiều người mưu sinh trên dãy Hoành Sơn Quan
Mùa sim chín rộ thu hút nhiều người mưu sinh trên dãy Hoành Sơn Quan

Từ xa xưa, sim chín đã trở thành món quà quê “ăn chơi” mà bình dị ở các chợ huyện, phố núi. Mùa sim chín cũng theo đó đi vào ký ức của bao thế hệ người trẻ sinh ra và lớn lên ở vùng cao. Ngày nay, quả sim chín còn có nhiều công dụng khác nên nhanh chóng trở thành thứ hàng hóa đắt khách, theo chân thương lái đi muôn nơi. Nhờ đó, nhiều phận đời, phận người mưu sinh theo mùa sim có thêm thu nhập để sắm tấm áo đẹp, bộ sách mới cho con trước thềm năm học.

Sửa nhà, mua bò…từ “lộc rừng”

Mùa sim chín kéo dài 2 tháng (tháng 8 - tháng 10 dương lịch), không chỉ mẹ con chị Hoa cùng người dân ở thôn 2 xã Quảng Kim tham gia mà mùa sim ở phía Nam dãy Hoành Sơn Quan này còn thu hút nhiều người ở các xã khác trong huyện Quảng Trạch, như Quảng Hợp, Quảng Lưu, Quảng Trung, Quảng Phú cùng mưu sinh. Phần lớn dòng người ngược núi, vượt khe lên Hoành Sơn Quan hái sim là phụ nữ và học sinh tranh thủ kỳ nghỉ hè. Có lẽ do đặc tính bền sức lại nhanh tay nên nghề hái sim phù hợp với phụ nữ và trẻ em hơn.

Tham gia hái sim chủ yếu là phụ nữ và trẻ em
Tham gia hái sim chủ yếu là phụ nữ và trẻ em

Em Nguyễn Thị Hiền (học sinh lớp 11, Trường THPT Quang Trung) xã Quảng Phú cho biết: “Hái sim không phải là công việc vất vả, chỉ cần mình chịu khó, siêng năng thì làm có tiền. Mỗi vụ sim kéo dài 2 tháng, em thu được 5 triệu đồng. Đó là một số tiền rất lớn đối với chúng em, nhờ quả sim rừng mà mấy năm nay em không phải xin tiền bố mẹ để mua sách vở, quần áo cho năm học mới. Bố mẹ em cũng bớt đi gánh nặng. Vì vậy mà năm nào chúng em cũng háo hức mong nhanh đến mùa sim chín để đi hái”.

Hết mùa sim lại đến mùa quả dâu, quả móc, quả muồng, mùa hạt dẻ. Mùa nào thức ấy, nhiều người đã “bám rừng” Hoành Sơn Quan để mưu sinh. Cũng giống như chị Hoa, nghề chính của chị Phạm Thị Liên (Quảng Kim) là phụ hồ. Nhưng đến mùa quả chín là chị Liên lại "bám rừng" hái quả. Nhiều năm bám theo mùa quả ở rừng Hoành Sơn Quan đã giúp gia đình chị Liên mua được bò giống, sửa được nhà kín trên bền dưới.

Phấn khởi trải lòng, chị Liên cho biết: “Mùa hái quả dâu và sim năm ngoái, tôi thu được hơn 30 triệu đồng. Nhờ tiền đó mà tôi mua được một con bò giống để chăn nuôi và góp thêm tiền sửa căn nhà”.

Thương lái vào tận chân núi Hoành Sơn Quan để thu mua sin với giá 25.000 đồng/1kg
Thương lái vào tận chân núi Hoành Sơn Quan để thu mua sim với giá 25.000 đồng/1kg

Sinh thời, Hồ Chủ tịch đã khẳng định: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”. Làm theo lời dạy của Bác, Nhân dân vùng Nam Hoành Sơn Quan (Quảng Trạch, Quảng Bình) đã bảo vệ rừng an toàn trong suốt bao năm tháng qua. Để rồi hôm nay, chính sản vật phụ từ rừng đã mang lại nguồn thu nhập bền vững cho nhiều hộ gia đình sống gần rừng. 

Phấn khởi nữa, đã có nhiều hộ dân ở các xã Quảng Lưu, Quảng Kim, Quảng Hợp mang sim rừng về vườn nhà, rừng nhà để trồng và khoanh nuôi bảo vệ. Ngoài thu nhập từ quả chính, về mùa hoa nở ở những đồi sim trồng, khoanh nuôi và bảo vệ còn mở ra hướng phát triển du lịch trải nghiệm giúp nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu chính đáng.    

Tin cùng chuyên mục
Kiến tạo những cộng đồng an toàn trước thiên tai

Kiến tạo những cộng đồng an toàn trước thiên tai

Dường như, chỉ đến khi mưa kéo dài gây sạt lở và lũ quét nghiêm trọng ở khu vực miền núi trong thời gian vừa qua, thì những khiếm khuyết trong quản lý rủi ro thiên tai mới rõ hơn bao giờ hết. Điều ấy bắt buộc chúng ta phải thay đổi, hành động và dành nguồn lực để kiến tạo những cộng đồng an toàn trước thiên tai. Nhưng từ lý thuyết đến thực tế là điều không hề dễ dàng.