Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sản phẩm - Thị trường

Đi hái lộc rừng

Đinh Dũng – Minh Ngọc - 13:43, 12/03/2021

Vào thời điểm mùa Xuân, khi dứt những cơn mưa, trời hửng nắng ấm, người dân của huyện Đăk Glei (Kon Tum) lại tất bật đi hái lộc rừng. Lộc của rừng mùa này là những cây chít đót hoa nở trắng tinh.

Anh Y Thời (thôn 2, xã Đăk Wak) với bó chít đót hái được từ rừng
Anh Y Thời (thôn 2, xã Đăk Wak) với bó chít đót hái được từ rừng

Tại xã Đăk Wak, huyện Đăk Glei (Kon Tum) từng đoàn người đi vào rừng hái bông đót  tranh thủ thu hoạch cả lá đót và con sâu đót. Bông đót để làm chổi, lá đót có thể lợp mái nhà, mái che và sâu đót là món ăn bổ dưỡng.

Ngoài những ngày đi học, nhiều trẻ em ở các buôn làng cũng theo người lớn lên rừng hái chít đót
Ngoài những ngày đi học, nhiều trẻ em ở các buôn làng cũng theo người lớn lên rừng hái chít đót

Anh Y Thời (thôn 2, xã Đăk Wak) cho biết, khi đi hái đót, cứ kiếm được 10 bông thì bó lại một bó, bán được 1.500 đồng. Mỗi ngày đi hái đót, bình quân mỗi người có thu nhập từ 80 -100.000 đồng, người khỏe có thể kiếm được gấp đôi. Công việc này phù hợp với cả phụ nữ, trẻ em và người già nên ai cũng làm được. Mặc dù công đoạn hái đót khá vất vả, nhiều trường hợp phải đối mặt với hiểm nguy bởi đót thường mọc từng bụi, lùm ở nơi có độ dốc cao. Muốn bứt đót, người hái phải dùng hai chân trụ vững ở độ nghiêng khá cao, một tay nắm giữ lá đót trên cùng, tay còn lại nắm bông đót kéo ngược về phía sau.

Niềm vui sau mỗi ngày đi lên rừng hái chít đót
Niềm vui sau mỗi ngày đi lên rừng hái chít đót

Vừa hái đót, chị Hen vừa chia sẻ, mùa này, cả làng của chị đều đi từng tốp men theo sườn núi, quả đồi để tìm đót. Bình quân mỗi ngày, một người hái được từ 30 - 40 kg đót. Có hôm vào được những khu rừng có nhiều đót thì hái được khoảng nửa tạ. Thời gian này, cây đót bông to, đẹp và vừa chớm nở nên giá cũng cao, khoảng 6.000 đồng/kg. Như vợ chồng chị Hen mỗi ngày đi hái đót bán được 500 nghìn đồng. Chính vì thu nhập cao nên vợ chồng chị Hen cố gắng đi sớm vào tận rừng sâu để tìm những đám đót mới. Chỉ đầu mùa thì bông đót mới đẹp, hết tháng 1, đót già khô bông thì không bán được nữa.

Thành quả sau mỗi ngày lên rừng hái chít đót
Thành quả sau mỗi ngày lên rừng hái chít đót

Thời điểm này, không chỉ ở xã Đăk Wak mà tại các xã Đăk Glei, Dục Lang, Đăk Kroong, Đăk Pet và nhiều xã giáp biên giới Lào cũng tấp nập người đi hái đót. Tại các cửa rừng, nhiều thương lái đánh cả xe ô tô tải vào tận các ngã ba, ngã tư để đón người dân chở đót ra thu mua ngay. Bởi vậy, bà con đi hái đót không lo ế hàng, mặc dù vất vả chút nhưng ai cũng vui vì có thêm đồng thu nhập để trang trải cho cuộc sống sinh hoạt.

Chít đót được phơi bên đường
Chít đót được phơi bên đường

Đối với nhiều bà con ở huyện miền núi Đăk Glei, cây đót cũng được xem là cây “giảm nghèo” theo mùa vụ. Tuy nhiên, cây đót ở vùng rừng núi vẫn là cây mọc tự nhiên, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giá cả; việc thu hoạch nguồn lợi này còn mang tính tự phát, chưa có định hướng để người dân khai thác hiệu quả nhằm tạo ra giá trị cao...