Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Huyện Đức Linh (Bình Thuận): Phát triển kinh tế đi cùng bảo tồn văn hoá đồng bào DTTS

Hà Thanh Tú - 3 giờ trước

Giai đoạn 2021-2025, cùng với việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, huyện Đức Linh dồn lực triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Theo đó, đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao cả về lượng và chất.

Đồng bào DTTS huyện Đức Linh chăm sóc cây lúa nước
Đồng bào DTTS ở huyện Đức Linh chăm sóc cây lúa nước

Dồn lực phát triển sản xuất

Huyện Đức Linh (Bình Thuận) có 25 thành phần DTTS, với 1.071hộ/4.254 khẩu, chiếm 3,35% dân số toàn huyện. Đông nhất là đồng bào Chơ Ro (còn gọi là Châu Ro) với 611 hộ (2.750 khẩu), sinh sống tập trung ở 2 thôn xen ghép là thôn 4, xã Trà Tân và thôn 7 Đức Tín. Tiếp đến, đồng bào Cơ Ho với 106 hộ, 443 khẩu, sinh sống tập trung ở thôn 9, xã Mê Pu. Triển khai Chương trình MTQG 1719 giai đoạn I (2021 - 2025), ngoài việc đẩy mạnh hỗ trợ cấp 117 ha đất sản xuất cho đồng bào DTTS theo Nghị quyết 04 Tỉnh uỷ Bình Thuận để đồng bào có đất sản xuất, huyện Đức Linh còn kết hợp với các ngành hữu quan hỗ trợ cấp 48 con trâu chất lượng cao để tạo sinh kế cho đồng bào DTTS nghèo trên địa bàn huyện.

Thực hiện Tiểu dự án 1 “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân” thuộc Dự án 3 Chương trình MTQG 1719 tại 3 xã: Trà Tân, Mê Pu và Đức Tín, huyện Đức Linh đã tranh thủ vai trò của các đoàn thể, già làng, Người có uy tín đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Nhờ đó, nhiều hộ đồng bào DTTS đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để đầu tư thâm canh, tăng năng suất cây trồng cho 300 ha ruộng lúa 2 - 3 vụ/năm cùng hàng trăm ha đất rẫy; phát triển đồng cỏ để nuôi bò, dê theo hình thức trang trại, gia trại; trồng cây cao su, điều cao sản, sầu riêng… nâng cao thu nhập. Người lao động DTTS cũng được khuyến khích tìm việc làm ngay tại các công ty đóng trên địa bàn huyện, thay vì tập trung vào sản xuất nông nghiệp.

Từ những chính sách và sự hỗ trợ đắc lực cảu Chính phủ và của tỉnh, đời sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện Đức Linh được nâng lên. Ông Thổ Đệ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 4, xã Trà Tân, huyện Đức Linh cho biết: "Tại thôn 4, mỗi nhân khẩu dân tộc Chơ Ro có thu nhập bình quân 36 triệu đồng/năm, tăng cao hơn so với khi chưa thực hiện Chương trình MTQG 1719".

Văn hoá truyền thống được bảo tồn, phát huy

Bên cạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế, huyện Đức Linh còn chú trọng thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG 1719. Cụ thể, đối với các đồng bào dân tộc Chơ Ro, địa phương tập trung bảo tồn tín ngưỡng dân gian và các giá trị văn hoá các dân tộc như Lễ cúng thần Lúa (Yangri) và Lễ cúng thần Rừng (Yangva).

Đồng bào Cơ Ho, xã Mê Pu tái hiện nghi Lễ cúng lúa mới bằng hình thức sân khấu hóa
Đồng bào Cơ Ho, xã Mê Pu tái hiện nghi Lễ cúng lúa mới bằng hình thức sân khấu hóa

Còn với đồng bào Cơ Ho, huyện Đức Linh khuyến khích, động viên đồng bào gìn giữ, bảo tồn các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa truyền thống như: lễ cúng lúa mới, một số bài hát, điệu múa bày tỏ lòng thành kính với Giàng (Trời); biểu diễn cồng chiêng, trống sagơr, kèn bầu, lục lạc... 

Bên cạnh đó, địa phương còn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các già làng, nghệ nhân truyền lại di sản văn hóa cho thế hệ sau. Hằng năm, huyện Đức Linh tổ chức “Ngày hội văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao các thôn đồng bào DTTS” trong huyện nhằm tạo sân chơi cho đồng bào giao lưu văn hóa - thể thao, giới thiệu các nét đẹp văn hóa truyền thống, qua đó nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Nói về công tác bảo tồn nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng của người Chơ Ro ở thôn 7, xã Đức Tín, Trưởng thôn Phương Thái cho biết: Thôn 7 có 315 hộ dân, 1.553 khẩu. Khoảng 10 năm trở lại đây, nhờ mủ cao su được giá, thu nhập của người dân tăng lên, theo đó đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào cũng được nâng cao.

 Bà con Chơ Ro ở thôn 7 coi trọng việc bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể, trong đó có nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng. Cán bộ thôn phối hợp với bà con kiểm kê lại số cồng chiêng trong từng hộ và quán triệt đồng bào gìn giữ cồng chiêng như báu vật của gia đình. Thôn tập hợp một số cô, bác lớn tuổi biết biểu diễn cồng chiêng để thống nhất các bài bản, cách thức mở đầu buổi biểu diễn, bảo đảm nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng Chơ Ro không hòa lẫn với các tấu chiêng của các dân tộc: Ê Đê, Raglay, Cơ Ho...

Biểu diễn cồng chiêng Chơ Ro trước hiên nhà vợ chồng Mang Pho và Mang Thị Son.
Biểu diễn cồng chiêng Chơ Ro trước hiên nhà vợ chồng Mang Pho và Mang Thị Son.

Chị Phương Thái cho biết thêm 20 năm qua, đội cồng chiêng thôn 7 luôn được xã Đức Tín chọn làm “đại diện” để tham gia các lễ hội, hội thi cồng chiêng trên địa bàn huyện. Với người Chơ Ro, cồng chiêng là hồn cốt văn hoá dân tộc. Cồng chiêng giữ vai trò chủ đạo trong các loại nhạc cụ của đồng bào Chơ Ro. Đặc điểm của cồng chiêng Chơ Ro gồm 7 chiếc với 5 người hoà tấu (biểu diễn). Khi biểu diễn, người đánh chiêng con sẽ hướng theo sự dẫn dắt của chiêng mẹ. Đến nay, văn hoá cồng chiêng thôn 7 vẫn được bảo tồn, không lai tạp trước các loại hình văn hoá hiện đại khác. 

Sau mỗi mùa sản xuất vất vả, khi thu hoạch mùa màng xong cũng là lúc tiếng cồng chiêng vang lên để thay lời mời của dân làng mời Giàng về dự lễ hội. Người Cơ Ro trong thôn cứ nghe hai tiếng “binh bong” khoan thai hoặc dồn dập là đôi chân muốn bước nhanh ra khỏi nhà để đến nơi đang diễn ra lễ hội.

Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Phương Thái không quên giới thiệu về già làng Lưu Văn Lo, nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng rất “có hồn”. Chia sẻ với chúng tôi, ông Lo cho hay, trong thôn 7 hiện có 3 gia đình có đủ bộ chiêng. Bộ tốt nhất là bộ chiêng vợ chồng của gia đình Mang Pho và Mang Thị Son. 

Bộ chiêng này có “tuổi đời” hơn 70 năm, được truyền qua hai đời. Xưa kia, mẹ bà Son đánh chiêng rất giỏi, đã truyền kỹ thuật lại cho con gái. Còn ông Mang Pho rất giỏi điều chỉnh tay nắm để tiếng chiêng mẹ vang xa như sóng cồn. Vợ chồng họ đều là nghệ nhân biểu diễn rất điệu nghệ.

Phương Thái( ao do) làm việc với Bảo tàng tỉnh về bảo tồn văn hoá cồng chiêng
Chị Phương Thái (người trong cùng bên trái), Trưởng thôn 7 trao đổi với cán bộ Bảo tàng tỉnh Bình Thuận về công tác bảo tồn văn hoá cồng chiêng

Trong lúc chúng tôi gõ thử vào chiêng con, chiêng mẹ để lắng nghe âm thanh, chị Phương Thái gọi chị Quách Thị Dâm, vợ của già làng, nhà gần đó sang biểu diễn. Không gian trình tấu là hiên nhà chị Son. Ông Mang Pho đánh chiêng mẹ, bà Son đánh chiêng con, chị Phương Thái đánh chiêng con… Âm thanh cồng chiêng vang lên rộn ràng cả một góc thôn...

Tin cùng chuyên mục
Sơn La: Chủ động điều chỉnh vốn để bảo đảm hiệu quả đầu tư

Sơn La: Chủ động điều chỉnh vốn để bảo đảm hiệu quả đầu tư

Tỉnh Sơn La đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719). Để bảo đảm tiến độ giải ngân và hoàn thành mục tiêu của các nội dung chính sách, tỉnh đã chủ động điều chỉnh nguồn vốn theo đúng thẩm quyền được phân cấp.