Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hàm Yên (Tuyên Quang): Phát huy hiệu quả Chương trình cho vay giải quyết việc làm

Tiến Mạnh - 11:54, 16/04/2024

Thời gian qua, Chương trình cho vay giải quyết việc làm (GQVL) được triển khai cho vay tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đã phát huy hiệu quả tích cực, nhiều lao động, đặc biệt là đồng bào DTTS tại địa phương đã có thêm điều kiện khởi nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ông Nông Văn Tuân, dân tộc Tày ở thôn Pá Han, xã Phù Lưu được vay vốn chương trình GQVL đầu tư phát triển kinh tế trang trại hiệu quả.
Ông Nông Văn Tuân, dân tộc Tày ở thôn Pá Han, xã Phù Lưu được vay vốn chương trình GQVL đầu tư phát triển kinh tế trang trại hiệu quả.

Đơn cửa như gia đình ông Nông Văn Tuân, dân tộc Tày ở thôn Pá Han, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên là một trong những điển hình về sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình GQVL. Ông Tuân chia sẻ, trước đây gia đình ông trồng cam, nhưng do thiếu vốn, nên không có điều kiện để đầu tư, nên cây thường bị chết. Năm 2023, sau khi được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn GQVL của NHCSXH huyện, ông đã tập trung thay đổi cơ cấu cây trồng từ trồng cam sang trồng keo lấy gỗ. Hiện đồi keo 5 ha năm thứ 2 của ông Tuân đã phát triển tốt, kỳ vọng thay đổi kinh tế gia đình.

Hay như gia đình chị Phạm Thị Nương ở thôn Bưa, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên  cũng bị thất thu về vườn cam 500 gốc tự nhiên do cây bị chết hàng loạt. Không có nguồn thu nhập, nợ ngân hàng không trả được. Đang trong lúc loay hoay chưa tìm được cách giải quyết thì năm 2023, chị đã khi mạnh dạn vay vốn từ Chương trình GQVL với số tiền 100 triệu để về đầu tư chăm sóc vườn chanh với 300 gốc. Hiện nay, vườn chanh đang cho thu nhập đều, ổn định, mỗi lứa cắt từ 2 đến 3 tạ chanh với giá hiện tại 30.000/kg, bình quân mỗi tháng thu hoạch 1 lứa. Nhờ hướng đi đúng, chịu khó chăm sóc nên gia đình chị từng ngày có cuộc sống bớt khó khăn hơn, thu nhập ổn định hơn.

Với mức cho vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh và 100 triệu đồng đối với hộ gia đình. Đối tượng cho vay chủ yếu là các cơ sở kinh doanh, hộ gia đình có mục đích sản xuất kinh doanh rõ ràng, có tiềm năng phát triển, hiệu quả kinh tế cao và có khả năng tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Nguồn vốn này đã góp phần giải quyết việc làm, khôi phục các ngành nghề truyền thống, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.

Hoạt động tại Điểm giao dịch xã giúp người dân thuận lợi trong giao dịch.
Hoạt động tại Điểm giao dịch xã giúp người dân thuận lợi trong giao dịch.

Ông Trịnh Văn Tân, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hàm Yên cho biết: Xác định chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay GQVL là một trong những chương trình mang tính thiết thực, thúc đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã luôn chủ động phối hợp với UBND cấp xã, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về những quy định mới để người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay.

Đồng thời, hằng năm, căn cứ vào nhu cầu vốn vay từ các địa phương, Phòng giao dịch NHCSXH huyện thực hiện linh hoạt các giải pháp cân đối vốn tín dụng từ cấp trên giao, đẩy nhanh việc thu hồi các khoản vay đến hạn để tổ chức giải ngân vốn đến các đối tượng lao động có đủ nhu cầu vay, nhất là thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, Phòng giao dịch NHCSXH Huyện Hàm Yên đã thực hiện cho vay 1.033 lao động, với số tiền 40 tỷ đồng; nâng tổng dư nợ đến ngày hết tháng 3/2024 lên 62 tỷ đồng, với 1.397 lao động còn dư nợ. Nguồn vốn chương trình cho vay GQVL đã góp phần hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch về tạo việc làm trên địa bàn huyện. Đặc biệt, trong điều kiện phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, đồng vốn được giải ngân kịp thời, trở thành điểm tựa giúp người lao động khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Nhờ nguồn vốn vay, chị Phạm Thị Nương ở thôn Bưa, xã Phù Lưu có cuộc sống khá hơn.
Nhờ nguồn vốn vay, chị Phạm Thị Nương ở thôn Bưa, xã Phù Lưu có cuộc sống khá hơn.

Để nguồn vốn chương trình cho vay GQVL phát huy hiệu quả, hướng tới mục tiêu mở ra nhiều cơ hội việc làm cũng như đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn cho người lao động trong thời gian tới, Phòng giao dịch tiếp tục tham mưu đề xuất tăng nguồn vốn cho vay GQVL từ Trung ương, đồng thời kiến nghị với UBND huyện quan tâm chuyển nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay. Đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn nâng cao chất lượng bình xét, thẩm định dự án cho vay, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng; tuyên truyền đến người vay sử dụng vốn đúng mục đích, thực hiện trả gốc, lãi đầy đủ, đúng kỳ hạn.

Bên cạnh đó, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hàm Yên phối hợp với cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thu hồi nợ đến hạn, đẩy nhanh quay vòng vốn để tạo thêm nhiều cơ hội cho người lao động có nhu cầu vay vốn GQVL. Qua kiểm tra cho thấy các đối tượng được vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như mục tiêu phát triển kinh tế tại địa phương. Hầu hết các đối tượng vay đều trả nợ gốc và lãi đúng hạn, phát huy cao hiệu quả đồng vốn sau khi vay góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động trên địa bàn huyện Hàm Yên.

Từ nguồn vốn cho vay đã hỗ trợ tạo việc làm, tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thiếu vốn sản xuất có thêm kinh phí đầu tư cây, con giống, chuồng trại chăn nuôi. Cán bộ ngân hàng cũng thường xuyên đi kiểm tra nguồn vốn sử dụng của các hộ để tránh tình trạng sử dụng vốn vay sai mục đích. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp của người lao động trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục
Mùa vàng từ những cánh đồng mẫu lớn ở Ninh Thuận

Mùa vàng từ những cánh đồng mẫu lớn ở Ninh Thuận

Qua 3 năm tổ chức sản xuất, mô hình cánh đồng lớn ở Bác Ái (Ninh Thuận) đã đem lại nhiều hiệu quả, giúp cho đời sống của người dân ở huyện nghèo từng bước thay đổi. Một trong những ưu điểm của mô hình này, là rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất, và đồng bộ được cơ sở hạ tầng của địa phương.