Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Hàm Yên (Tuyên Quang) phát huy nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển tại địa phương

Hà Phúc - 16:03, 27/12/2024

Qua tìm hiểu thực tế việc triển khai các Chương trình MTQG ở các địa phương trên địa bàn huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cho thấy, từ nguồn lực đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2025, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Hàm Yên đã có sự thay đổi đáng kể về kinh tế-xã hội, đặc biệt là đời sống Nhân dân đã được nâng lên rõ rệt. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Ma Văn Liên, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hàm Yên về tình hình thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn.

Hội chợ Thụt truyền thống xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên
Hội chợ Thụt truyền thống xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên

Phóng viên: Xin ông chia sẻ về tình hình triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 tại Hàm Yên?

Ông Ma Văn Liên, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hàm Yên: Xác định công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp ủy, chính quyền các cấp Hàm Yên đã quan tâm và triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG, trọng tâm là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình) để nâng cao đời sống cho đồng bào. Có thể nói, đây cũng là lần đầu tiên có một Chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào DTTS&MN. Do vậy, Chương trình trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy các địa phương vùng dân tộc miền núi phát triển.

Thực hiện các nội dung của Chương trình, các xã đều tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, được Nhân dân đồng thuận cao. Đến nay, nhiều dự án hỗ trợ cho đồng bào DTTS phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất đã giúp cho người dân trên địa bàn có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo.

Ông Ma Văn Liên, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hàm Yên
Ông Ma Văn Liên, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hàm Yên chia sẻ thông tin với Báo Dân tộc và Phát triển

Tổng kế hoạch vốn Chương trình được giao năm 2024 là hơn 123 tỉ đồng, kết quả đến ngày 30/11/2024 đã giải ngân 72 tỉ 512,9 triệu đồng, đạt 58,8% kế hoạch được giao. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, các địa phương đã thành lập Tổ giám sát cộng đồng, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng tình ủng hộ việc triển khai thực hiện các dự án tại địa phương và triển khai các bước theo quy định.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của Chương trình?

Ông Ma Văn Liên, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hàm Yên: Từ nguồn vốn Chương trình, huyện Hàm Yên đã lựa chọn ưu tiên thực hiện các dự án, tập trung vào nhóm công việc như quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; đầu tư cơ sở hạ tầng và cải tạo nâng cấp tuyến đường trọng yếu, đường giao thông nông thôn. 

Huyện cũng đã đầu tư các dự án phát triển văn hóa, giáo dục đào tạo, như xây dựng trường học dân tộc bán trú cho con em đồng bào DTTS; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch…

Kết quả đầu tư từ Chương trình đã có tác động to lớn làm thay đổi diện mạo nông thôn ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đến nay, tại Hàm Yên, 100% số xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; 100% số thôn, bản, tổ dân phố có đường ô tô đến trung tâm thôn. Các công trình xây dựng đường, điện và trạm biến áp cung cấp điện cho các xã miền núi, xã có đông đồng bào DTTS được ưu tiên đầu tư xây dựng. 100% số xã, hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia.

Đời sống Nhân dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng từng bước được cải thiện nâng cao, góp phần giảm nghèo bền vững. Đáng mừng là thu nhập bình quân đầu người tại Hàm Yên ước đạt 52 triệu đồng/người/năm (đạt 100% kế hoạch); mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 2,64% (vượt 0,4% kế hoạch); tỷ lệ đô thị hóa đạt 12,6%, đạt 100% kế hoạch….

Với nguồn vốn Chương trình và các Chương trình MTQG khác, Hàm Yên tập trung triển khai có hiệu quả chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo; chú trọng thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề ở các xã vùng tái định cư, vùng ít đất sản xuất. Năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68,5% (kế hoạch 68,5%), trong đó, đào tạo nghề đạt 47,1% (kế hoạch 47,1%), có bằng chứng chỉ 23,9% (kế hoạch 23,9%).

Các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn Hàm Yên được triển khai rộng rãi. Phong trào xây dựng Câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân gian, Đội văn nghệ truyền thống gắn với phát triển du lịch tại địa phương thuộc Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030 được triển khai hiệu quả.

Tính riêng từ năm 2023 đến nay, đã có thêm 8 CLB văn hóa dân gian được thành lập, nâng tổng số đội, CLB văn hóa dân gian tại các thôn, bản lên 24, trung bình mỗi CLB có 25 - 30 hội viên.

Việc triển khai tập huấn khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng trong sản xuất nông nghiệp (Niềm vui được mùa của người Dao Áo dài ở thôn Cao Đường)
Việc triển khai tập huấn khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng trong sản xuất nông nghiệp (Trong ảnh: Niềm vui được mùa của người Dao Áo dài ở thôn Cao Đường)

Nguồn lực từ Chương trình thực sự là "đòn bẩy" quan trọng giúp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn Hàm Yên.

Phóng viên: Dự kiến trong năm 2025, để phát huy hiệu quả, nhất là khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, Phòng Dân tộc sẽ tham mưu cho UBND huyện Hàm Yên những giải pháp cụ thể như thế nào?

Ông Ma Văn Liên, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hàm Yên: 

Thực tế cho thấy, quá trình triển khai dự án còn gặp một số khó khăn ở một số tiểu dự án. Nhận thức về các chính sách đối với DTTS của đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế. Công tác chỉ đạo, lãnh đạo ở một số xã chưa được thường xuyên, chưa sâu sát. Việc huy động hệ thống chính trị tham gia chưa mạnh, chưa tạo được sự phù hợp giữa các lực lượng trên địa bàn.

Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng hiệu quả các dự án, nội dung thành phần từ việc thực hiện Chương trình, Phòng Dân tộc huyện sẽ tiếp tục tham mưu với UBND huyện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trong đó, tập trung vào việc thực hiện các giải pháp huy động, đa dạng hóa các nguồn lực từ các dự án, chương trình và huy động thêm nguồn vốn từ xã hội hóa, đóng góp hợp pháp của cộng đồng để bổ sung kinh phí để nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư của Chương trình. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện ở cơ sở; đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đúng phạm vi, đối tượng thụ hưởng.

Đời sống của đồng bào các DTTS ở huyện Hàm Yên đang từng bước được nâng lên (Xã Cao Đường đang vào mùa gặt)
Đời sống của đồng bào các DTTS ở huyện Hàm Yên đang từng bước được nâng lên (Trong ảnh: Xã Cao Đường đang vào mùa gặt)

Hàm Yên sẽ tổ chức quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn về Chương trình; củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước; phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc, tạo các phong trào thi đua sôi nổi trong lao động, sản xuất để giảm nghèo nhanh, bền vững, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần đưa Hàm Yên phát triển bền vững, hoàn thành mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang vào năm 2025.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.