Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Sơn Dương (Tuyên Quang): Một năm khởi sắc

Hà Phúc - 08:47, 15/12/2024

Quyết liệt triển khai thực hiện 3 khâu đột phá, 4 nhiệm vụ trọng tâm của của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI, năm qua, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên tất cả lĩnh vực.

Dưa lưới - sản phẩm OCOP của huyện Sơn Dương được quảng bá mạnh mẽ
Dưa lưới - sản phẩm OCOP của huyện Sơn Dương được quảng bá mạnh mẽ

Xây dựng những vùng quê đáng sống

Với nỗ lực xây dựng những vùng quê đáng sống, Sơn Dương tập trung xây dựng nông thôn mới “chậm mà chắc”, các tiêu chí đảm bảo chất lượng và trên hết, được người dân hết sức, hết lòng ủng hộ.

Tân Trào là xã thứ 3 của huyện Sơn Dương, sau Sơn Nam, Ninh Lai hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao vào cuối năm 2024. Huyện Sơn Dương hiện có 30 xã, trong đó có 24 xã đạt 19/19 tiêu chí; 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 xã NTM kiểu mẫu. Số tiêu chí bình quân trên xã đạt 18,5 tiêu chí/xã.

Sơn Dương đã tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ; phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao; tiếp tục thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Theo đó, sản lượng chè năm 2024 tại Sơn Dương đạt 17.046,4 tấn, bằng 100% kế hoạch được giao. 

Trên địa bàn huyện hiện có 09 sản phẩm chè đã được xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; 07 sản phẩm chè đã tham gia đánh giá phân hạng OCOP và duy trì 08 làng nghề sản xuất chè; một số sản phẩm chè có nhãn mác, bao bì sản phẩm đã được các Hợp tác xã đưa ra thị trường trong và ngoài tỉnh, được đánh giá cao.

Diện tích cây mía đạt 1.529,9/1.277 ha, bằng 119,8% kế hoạch được giao; sản lượng mía thu hoạch đạt 92.960/90.703 tấn, bằng 102,5% kế hoạch được giao. Thị trường mía đường hiện có dấu hiệu phục hồi tích cực, giá thu mua mía nguyên liệu vụ ép 2023-2024 là 1.300.000/tấn.

Với sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, cùng sự trợ lực từ các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, huyện Sơn Dương đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Đời sống kinh tế - xã hội của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS và miền núi, không ngừng được cải thiện, đưa huyện gần hơn tới mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.

Hàng loạt giải pháp sáng tạo, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các vùng khó khăn và khu vực phát triển và đạt kết quả đáng khích lệ. Người dân từ cảnh nghèo khó, cuộc sống bấp bênh nhưng nay đã được tạo điều kiện, hỗ trợ nguồn vốn, tích cực sản xuất, làm ăn, thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương mình. Theo đó, tính hết năm nay, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 7,01%, (kế hoạch tỉnh, huyện giao 8,35%. Thu nhập bình quân đầu người tại Sơn Dương đạt 56,46 triệu đồng/người/năm.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân huyện Sơn Dương ngày càng được nâng cao
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân huyện Sơn Dương ngày càng được nâng cao

Những con số ấn tượng

Theo báo cáo của huyện Sơn Dương, đến hết năm 2024, có 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đảm bảo kết quả, lộ trình Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện đề ra. Huyện đã thu hút được 12 dự án công nghiệp mới, với tổng số vốn đăng ký thực hiện là 2.663 tỷ đồng; thành lập Cụm công nghiệp Ninh Lai - Thiện Kế; giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 2010, năm 2024 ước đạt 8.700 tỷ đồng; tăng gần 2.400 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật của huyện được đầu tư với nhiều công trình trọng điểm, nhất là các tuyến đường giao thông kết nối: Tuyến đường giao thông từ Dộc Vầu, Vân Sơn đi xã Hồng Lạc, xã Trường Sinh; tuyến ĐT 185, ĐT 186, ĐH 15 (Tân Trào - Thái Nguyên), ĐH 04 (Vĩnh Lợi - Trường Sinh), ĐH 06 (Văn Phú - Chi Thiết - Phú Lương)…

Phong trào hiến đất làm đường và xây dựng công trình công cộng được lan tỏa rộng khắp: Trên địa bàn huyện có 1.549 hộ/22 xã hiến 152.518m2 đất xây dựng đường giao thông và các công trình công cộng trên địa bàn huyện, tương ứng với số tiền Nhân dân đóng góp, là khoảng 40 tỷ đồng; du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng được quan tâm đầu tư, triển khai nhiều dự án quan trọng.

Huyện Sơn Dương đặt mục tiêu đến hết năm 2025 có 30/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Huyện Sơn Dương đặt mục tiêu hết năm 2025, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có nhiều xã nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu

Du lịch Sơn Dương cũng có nhiều khởi sắc. Năm qua, huyện thu hút 958.200 lượt khách du lịch, bằng 100,9% kế hoạch được giao; doanh thu xã hội về du lịch đạt 1.164 tỷ đồng, bằng 105,8% kế hoạch được giao.

Với các tiềm năng, lợi thế và đà phát triển cùng những kết quả đạt được trong năm 2024, Sơn Dương đề ra một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực. Cụ thể: Thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/người/năm; Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) phấn đấu đạt 12.460 tỷ đồng; Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản (giá so sánh năm 2010) đạt trên 2.780 tỷ đồng. Sản lượng lương thực đạt 87.000 tấn; Trồng mới 1.985 ha rừng; Diện tích vùng nguyên liệu mía đạt 1.841 ha; Số lao động được tạo việc làm 5.360 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo 73,2%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt 29,5%. Huyện Sơn Dương đặt mục tiêu đến hết năm 2025 có 30/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới.