Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Hàng loạt dấu hiệu sai phạm của Công ty Cổ phần Toàn Phát (Lạng Sơn): Lập lờ giữa than xít và đất đen ? (Bài 1)

Nghĩa Hiệp - Thiên An - 14:52, 10/11/2021

Theo thông tin phản ánh của bạn đọc gửi đến báo Dân tộc và Phát triển, tại khu Sơn Hà, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), hoạt động của Nhà máy gạch TUYEL Na Dương, thuộc Công ty Cổ phần Toàn Phát, do ông Hoàng Tuấn làm Giám đốc, đã sử dụng chất đốt gây ô nhiễm môi trường; ngang nhiên sử dụng lò vòng (loại lò thủ công đã bị cấm sử dụng) trong sản xuất gạch. Đồng thời, ông Giám đốc Công ty còn giả mạo chữ ký của người lao động để vay tiền hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội...

Ngôi nhà ông T., phải che kín các lỗ không khí để tránh khói, bụi từ lò gạch
Ngôi nhà ông T., phải che kín các lỗ không khí để tránh khói, bụi từ lò gạch

Ngay trong bãi chứa của Nhà máy gạch TUYEL Na Dương (Nhà máy), hơn 2.000m3 chất đốt dạng rắn, màu đen đang bị lực lượng chức năng niêm phong chờ kết quả giám định. Loại chất đốt này, từng được Nhà máy sử dụng trong quá trình sản xuất trong suốt thời gian dài. Và người gánh chịu hậu quả, là những hộ đồng bào sống ở gần Nhà máy. Các hộ đã phản ánh, họ đang phải chịu đựng quá sức từ việc phải sống trong môi trường không khí bị ô nhiễm và thường xuyên hít phải làn khói độc sinh ra từ việc sử dụng loại chất đốt này...

Dân khốn khổ vì khói độc!

Ngôi nhà 3 gian là nơi sinh sống của 3 thế hệ gia đình ông L.V.T. dân tộc Tày, nằm ngay sát khu vực sản xuất gạch của Nhà máy gạch TUYEL Na Dương, thuộc Công ty cổ phần Toàn Phát, do ông Hoàng Tuấn làm Giám đốc. Mỗi khi lò gạch lên lửa, gió đưa khói từ lò gạch bay ra gây khó thở, và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt của gia đình ông và những hộ dân vùng lân cận.

Ông T cho biết: “Tôi là cựu chiến binh, năm nay đã hơn 80 tuổi. Gia đình tôi có 8 người, trong đó có 2 cháu nhỏ là cháu nội tôi cùng sinh sống tại đây. Trước đây, lò gạch của Nhà máy không đốt than Na Dương thì không sao. Kể từ khi đốt than Na Dương thì khổ lắm. Đêm đến khi khói bay vào, kèm theo bụi thì không ai thở được, nhiều khi cảm tưởng là sắp chết chứ không sống nổi. Giờ vẫn còn cả đống than to như quả núi đen ở sau Nhà máy đấy”.

Để minh chứng những lời nói của mình, ông T. chỉ vào những điểm giao nhau giữa mái và tường nhà, lỗ thông khí xung quanh nhà. Ở đâu gió và không khí có thể lọt vào, ông đều phải bịt hết, để ngăn khói tràn vào. Đến đứa cháu nhỏ năm nay hơn 1 tuổi ông cũng hạn chế cho ra sân chơi, vì mưa xuống, bụi từ ống khói Nhà máy bay ra đọng thành lớp đất vàng như rỉ sét rất nguy hiểm.

Không chỉ ông T., các hộ dân xung quanh đều khẳng định, nguyên nhân gây ảnh hưởng chính tới đời sống người dân đều là do Nhà máy sử dụng loại than xít (hay là xít thải trong quá trình khai thác than - PV) từ mỏ than của Công ty Than Na Dương.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc Công ty Than Na Dương thuộc Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV - CTCP tại buổi làm việc
Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc Công ty Than Na Dương thuộc Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV - CTCP tại buổi làm việc

Tìm nguồn chất đốt

Để rộng đường dư luận, sáng ngày 19/10/2021, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Than Na Dương, thuộc Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV - CTCP. 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Than Na Dương cho biết: “Công ty khẳng định không bán xít than ra ngoài, kể cả đất thải lẫn than cũng không bán, vì Tập đoàn TKV (Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam) quản lý rất chặt chẽ. Có thể trong quá trình bàn giao kho bãi chứa xít than cũ để làm Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2, đơn vị thi công đã chở đất đấy đi bán. Nếu đúng thế, thì trách nhiệm thuộc về đơn vị thi công”.

Theo như giải thích của ông Sinh, khi bàn giao mặt bằng làm Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2, Công ty Than Na Dương đã bóc nền về cốt 0 theo đúng với mặt bằng đăng ký của Công ty với Tập đoàn TKV và có biên bản ký nhận giữa các bên. Còn việc có sự xuất hiện của chất đốt giống than xít tại kho chứa của Nhà máy gạch TUYEL Na Dương có thể là “đất đen” doanh nghiệp mua để đóng gạch.

Điểm mặt hàng loạt sai phạm của Công ty CP Toàn Phát (Lạng Sơn): Là than xít hay đất đen (Bài 1) 2

Để hiểu rõ hơn nguồn gốc chất đốt mà Nhà máy gạch TUYEL Na Dương sử dụng, chiều ngày 20/10, phóng viên báo Dân tộc và Phát triển đã làm việc trực tiếp với ông Hoàng Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Toàn Phát. Ông Tuấn cho biết: “Tôi nhập than từ Quảng Ninh, Bắc Giang, đều có hợp đồng và hóa đơn mua bán. Còn xỉ thải của Nhiệt điện Na Dương và than xít cũng có lấy, nhưng không có hợp đồng mua bán…”.

Còn hình thức nhập, ông Tuấn “thật thà” kể chi tiết: “Lấy thoải mái, có khi chỉ cần “tí tí” cho bên môi trường là xong. Mà đấy gọi là đất đen, chứ có phải than đâu. Xe nào chở đến, Công ty cũng ghi chép cả, chỉ là “đất đen” thôi. Không tin tí tôi chở các anh ra xem, Cơ quan Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Lạng Sơn đã niêm phong và lấy mẫu đi giám định rồi đấy”.

Cùng với những lời ông Tuấn nói, phóng viên đã điều tra, xác minh thêm và được biết, tổng khối lượng “đất đen” kể trên được Công ty Cổ phần Toàn Phát nhập là hơn 4.000 m3, số lượng còn lại hiện bị niêm phong là hơn 2.000 m3. Đồng thời, mọi chi tiết về số xe chở, ngày chở, khối lượng chở đều được Công ty ghi trong “Biên bản đối chiếu công nợ than” và nội dung mua hàng lại là “đất đen Na Dương”, có  nhiều mức giá khác nhau, từ thấp nhất là 180.000 đồng đến tối đa 500.000 đồng/m3.

Kết luận từ đơn vị kiểm định

Ngày 15/10, phóng viên báo Dân tộc và Phát triển đã trao đổi với lãnh đạo Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Lạng Sơn, được biết, việc niêm phong số lượng chất đốt của Nhà máy gạch TUYEL Na Dương thuộc Công ty cổ phần Toàn Phát là đúng sự thực. Nhưng hiện Phòng đang gửi mẫu đi giám định và chờ kết quả.

“Khi nào có kết quả sẽ thông tin lại cho phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển”, vị Lãnh đạo phòng cho biết.

Ông Hoàng Tuấn, Giám đốc Công ty CP Toàn Phát
Ông Hoàng Tuấn, Giám đốc Công ty CP Toàn Phát

Dù chưa nhận được kết quả kiểm định từ Phòng Cảnh sát môi trường, nhưng phóng viên báo Dân tộc và Phát triển đã được người dân tại khu Sơn Hà, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình cung cấp một mẫu kiểm định “đáng tin cậy”. Theo Chứng thư giám định về chất lượng được Công ty Vinacontrol Quảng Ninh (đơn vị giám định chất lượng khoáng sản) cung cấp, thì các chỉ số quy mô của mẫu kiểm định được lấy từ Nhà máy gạch TUYEL Na Dương cho kết quả như sau: Lượng chất bốc 25,89%; tỏa nhiệt toàn phần 3.063 Kcal/kg; lượng lưu huỳnh 4,04 %.

Trao đổi những thông số nêu trên với cán bộ KCS (cán bộ kiểm tra chất lượng) thuộc Tập đoàn TKV, ngay lập tức phóng viên nhận được câu trả lời: “Đấy là than Na Dương rồi, mà còn là xít loại C. Vì chỉ có là than thì mới có nhiệt độ trên 3.000 và lưu huỳnh như thế thì khẳng định là than Na Dương”. (!?)

Việc khẳng định là “đất đen Na Dương” hay “than xít Na Dương”… cho đến nay báo Dân tộc và Phát triển vẫn chưa nhận được thông báo của Cơ quan Cảnh sát môi trường. Nhưng việc chất đốt đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và đời sống người dân nơi đây là có thật!.

Điều đáng suy nghĩ nhất là, theo như ông Hoàng Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Toàn Phát nói: “Nếu Cơ quan Công an xử phạt tôi, tôi chấp nhận chịu phạt. Nhưng phạt xong, tôi lại được sử dụng tiếp số chất đốt đó, hết mới thôi. Còn nếu không cho tôi dùng nữa, bắt tôi chuyển đi, thì bên phạt tôi phải chuyển đi”.

Theo lời ông Giám đốc này nói, có nghĩa là nếu chỉ xử phạt đơn thuần, Nhà máy gạch TUYEL Na Dương sẽ tiếp tục sử dụng nốt hơn 2.000 m3 chất đốt nêu trên, Và như vậy, người dân sinh sống xung quanh khu vực này, sẽ tiếp tục phải hít thở không khí ô nhiễm và đối diện với những tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật...,ít nhất đến khi hết “quả núi đen” mà người dân đã chỉ cho phóng viên?!

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về các sai phạm khác của Công ty cổ phần Toàn Phát.

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.