Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục dân tộc

Hành trình chinh phục học bổng của lão nông người Mông

Song An - 10:14, 30/10/2022

Nhận học bổng của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam khi đã gần 60 tuổi, lão nông Ly Giống Lềnh, dân tộc Mông là minh chứng cho lời dạy “Học không bao giờ cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Ly Giống Lềnh đón nhận học bổng “Học không bao giờ cùng”.
Ông Ly Giống Lềnh (ngoài cùng bên trái) đón nhận học bổng “Học không bao giờ cùng”.

Người tiên phong xuôi núi học chữ

Ông Ly Giống Lềnh (SN 1964) sinh ra và gắn bó với quê hương cách mạng, đồng thời là vùng đất hiếu học Pú Nhung, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên). Theo lời bố mẹ kể lại, thì ông cất tiếng khóc chào đời khi khói đạn chiến tranh vừa kết thúc chưa được bao lâu.

“Thời đó, cả quê hương còn chìm trong đói, khổ. Gia đình tôi có 6 anh, chị, em nên cũng không ngoại lệ. Ở vùng rừng núi này, quanh năm bà con chỉ biết trồng cây ngô, cây lúa trên nương, nhưng vì canh tác tự do, lạc hậu, thiếu nguồn nước, lại không có kỹ thuật nên chẳng đủ ăn”, ông Lềnh kể.

Sống cảnh nghèo khó, cơ cực, nhưng ông Lềnh lại may mắn vì có bố làm luôn khích lệ và tạo điều kiện cho con cái đi học. Các chị, em của ông đều học hành lỡ dở. Phần vì chưa chịu khó, phần theo phong trào chung ở bản là lập gia đình, sinh con sớm. Riêng ông Lềnh được bố tạo mọi điều kiện cho tập trung theo đuổi con đường tri thức.

Nhờ chăm chỉ, chịu khó rèn luyện, ông Lềnh trở thành thanh niên đầu tiên trong bản Tênh Lá xuôi núi xuống học tại Trung tâm GDTX huyện Tuần Giáo. “Ngày ấy nghe nói phải xuống thị trấn học tiếp thì đa phần nghỉ. Cả xã chỉ có 3, 4 người, trong đó có tôi vẫn quyết định học, nhưng ở bản thì chỉ mình tôi. Bởi vậy bố tôi rất tự hào”, ông Lềnh nói.

Vì từ nhà xuống trường tới vài chục km, hoàn toàn là đường mòn xuyên rừng nên thời gian đầu ông được bố đưa đi. Sau đó, việc nhà, việc xã bận rộn, bố ông không thể đồng hành cùng con. Xe không có, hàng tuần, hàng tháng, ông Lềnh lầm lũi một mình cuốc bộ, vượt hết đèo nọ, dốc kia. Mỗi lần như thế, manh áo xám bạc màu ông khoác trên mình phải vài ba lần ướt sũng, rồi lại tự khô thì mới tới trường.

Gian lan không kể hết, song ông Lềnh bảo: “Mỗi lần nản chí, tôi lại nghĩ đến những nỗ lực đã qua, rồi niềm tự hào của bố khi có con là người đầu tiên vượt qua mảnh nương, dãy núi để theo đuổi con chữ. Tôi cố gắng để không phụ công bố mẹ và cũng muốn học cao hơn để lấy kiến thức, mở mang hiểu biết về thay đổi cuộc sống của mình, thay đổi quê hương”.

Dăm lần đi học mới thành nghề

Ngay khi hoàn thành chương trình học trở về, ông Lềnh được ngành Giáo dục địa phương đề nghị giảng dạy lớp vỡ lòng trong bản, vì thời đó thiếu giáo viên. Để đứng lớp, ngành bố trí cho ông đi học nghiệp vụ trong 2 tuần. Cùng đứng trên bục giảng ở điểm bản này còn có 2 thầy, cô người Kinh. Bởi vậy, ngoài nhiệm vụ dạy chữ cái, số đếm cho bọn trẻ, ông Lềnh lại hỗ trợ giáo viên học tiếng dân tộc.

Sau 2 năm làm thầy giáo (1981- 1982), ngành Giáo dục tạo điều kiện và động viên ông đi học sư phạm để vào ngành chính thức. Nhưng ngày đó vì gia đình vướng bận, mẹ già yếu mà các chị lại lấy chồng xa, không có người chăm sóc nên ông đành bỏ dở ở nhà lo cho mẹ.

Ông Ly Giống Lênh bên các con cháu.
Ông Ly Giống Lềnh bên các cháu.

Một thời gian sau đó, sức khỏe mẹ ông dần ổn định, chính quyền xã lại động viên ông đi học tiếp. “Cơ hội trở thành giáo viên bị bỏ lỡ, tôi rất tiếc. Song cuộc đời cũng mở ra cho tôi nhiều cơ hội khác. Vì là người được học hành bài bản nhất trong bản”, ông Lềnh bộc bạch.

Sau lần “lỡ dở” đầu tiên, xã cử ông đi học bồi dưỡng kế toán hợp nhất để về làm hợp tác xã. Song khi vừa hoàn thành khóa học thì hợp tác xã lại giải thể. Nghỉ ở nhà một thời gian, ông tiếp tục được cử đi học về nghiệp vụ y tế. Hành trình vượt đèo núi, đèn sách này khởi sắc hơn khi ông chính thức được bố trí làm y tá thôn bản. Rồi trở thành cán bộ chuyên trách dân số xã.

Suốt gần 20 năm gắn bó với nhiệm vụ, ông Lềnh đã ghi dấu chân đến mọi ngóc ngách trong xã, bản. Ông là “cha đỡ” của hàng trăm đứa trẻ, là “bác sĩ biết tuốt” của hàng nghìn lượt bà con. Ai có bệnh gọi ông, bị thương nhờ ông, thậm chí phụ nữ “đến tháng” mà đau yếu cũng tìm đến ông “nhờ cậy”. Tiêm, truyền, bắt mạch… những việc trong khả năng ông đều cố gắng giúp bà con.

“Nếu chỉ đi học sơ cấp thì về không làm được đâu, vì ở cơ sở nhiều việc phát sinh. Mà ngày đó chưa có đường, không thể động tí lại đi cơ sở y tế được, nên tôi phải tự mày mò học thêm bằng nhiều cách mới có thể hỗ trợ bà con được. Nhất là việc đỡ đẻ, ốm đau thông thường và sơ cứu vết thương ban đầu. Trường hợp khó, phức tạp thì mới hỗ trợ đưa họ lên trạm y tế xã”, ông Lềnh tâm sự.

Với sự năng nổ, tâm huyết của mình, năm 2008, ông Lềnh vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đến năm 2012, ông về nghỉ chế độ. Có nhiều thời gian hơn, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế gia đình để lo cho con cái, ông Lềnh vẫn tiếp tục đảm nhận vai trò là y tế thôn bản.

Ông kể, nuôi 3 con ăn học, nhất là đại học vô cùng vất vả. Nào là tiền thuê trọ, tiền sách vở, chi tiêu... Mỗi người con, riêng học phí đã “ngốn” 9 triệu đồng/năm, chưa tính chi phí ăn, ở, đi lại... Ở vùng cao, số tiền ấy không hề nhỏ. Vợ chồng ông phải chắt bóp, có khi vay mượn để gửi tiền cho con, chỉ với mong mỏi bọn trẻ không bị gián đoạn việc học.

Ở nhà, ông vừa phấn đấu làm tròn việc Nhà nước, nhân dân giao phó, vừa tranh thủ đọc sách, xem ti vi, nghe đài để học hỏi cách chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình. Dần dần gia đình ông trở nên khá giả, ông là tấm gương cho bà con trong bản noi theo, với mô hình chăn nuôi tổng hợp: Trâu, bò, dê, lợn… và trồng ngô.

Phát triển bản thân, có tiếng nói hơn, ông bắt đầu hỗ trợ nhiều quần chúng ưu tú khác trau dồi kiến thức, lý tưởng để động viên, gây dựng và giới thiệu cho tổ chức Đảng. Khi số lượng phát triển đảm bảo, năm 2018, Đảng ủy xã quyết định thành lập chi bộ đầu tiên ở Tênh Lá, với 6 đảng viên. Ông được bà con tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ.

“Thổi bùng” khát vọng học tập

Ông Lềnh tâm sự, trên cương vị mới, ông thấy mình càng cần phải học tập, rèn luyện bản thân và gương mẫu nhiều hơn. Bởi vậy, có bất cứ cơ hội tập huấn, bồi dưỡng nào, ông đều xin được tham gia. Ông bán trâu mua ti vi, lắp chảo để xem và nắm bắt thêm thông tin thời sự; chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những mô hình, cách làm hay khắp mọi miền.

Với tư duy: “Có cái chữ, kiến thức mới mở mang được đầu óc, hiểu biết để thay đổi cuộc sống”, ông Lềnh lấy chính mình làm tấm gương để truyền cảm hứng học tập cho con, cháu trong nhà, trong bản. 3 người con của ông đều được học hành chu đáo và trở thành cán bộ. Người con trai đang công tác trong lực lượng Công an tỉnh Lai Châu, một con gái làm việc tại Hội Phụ nữ huyện Mường Nhé, cô con gái còn lại là giáo viên mầm non tại xã Pú Nhung.

Thế nhưng, điều khiến ông Lềnh luôn tự hào hơn cả sự lan tỏa của phong trào học tập dưới mỗi mái nhà trong bản. Mặc dù chỉ có 37 hộ, 210 nhân khẩu, nhưng ông Lềnh nhẩm đếm sơ bộ thì bản có gần 10 cử nhân đại học, cao đẳng. Vài ba năm trở lại đây, bình quân mỗi năm, bản cho “ra lò” từ 2 - 3 cử nhân. Hiện tại trong bản có 2 sinh viên đang theo học tại Trường Đại học Nội vụ.

Ông Vừ A Kỷ, Chủ tịch UBND xã Pú Nhung cho biết, Tênh Lá là bản có tỷ lệ cán bộ làm công tác xã hội so với dân số cao nhất toàn xã. Trong ảnh: Ly Thị Mai là người con của vùng đất Tênh Lá hiện đang công tác tại Trường Mầm non Pú Nhung.
Một lớp học tại Trường Mầm non Pú Nhung.

Còn theo Chủ tịch UBND xã Pú Nhung - Vừ A Kỷ đánh giá, thì mặc dù còn nghèo, song Tênh Lá giờ đây gần như là bản có tỷ lệ cán bộ làm công tác xã hội so với dân số cao nhất toàn xã. Nếu như trước kia, cả bản này chỉ có một vài người nói được tiếng phổ thông, thì giờ đây 100% trẻ em đều được đi học đầy đủ, đúng độ tuổi. Tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần, học hết THCS, THPT ở bản cũng rất cao.

“Ông Lềnh ở bản rất có tiếng nói và uy tín. Ông đã dùng uy tín đó để thúc đẩy phong trào học tập cũng như chất lượng dân số Tênh Lá đi lên. Không những vậy, với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, ông Lềnh còn được nhiều cán bộ xã, bà con các bản khác quý mến”, ông Kỷ nhận định.

Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, vừa qua, bản Tênh Lá được đầu tư xây dựng nhà văn hóa khang trang. Không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, hội họp, ông Lềnh đã khai thác rất tốt địa điểm này để gây dựng thành trung tâm học tập cộng đồng cho bà con trong bản.

Ông Lềnh chia sẻ, điều ông trăn trở nhất hiện nay là vì số dân ít, nên tại điểm bản không có lớp học. Bọn trẻ phải sang bản khác hoặc xuống trung tâm xã. Trong đó, học sinh mầm non đi gần nhất (khoảng 4km), còn học sinh từ Tiểu học đến THCS phải về xã cách 7km.

“Các cháu chưa đủ điều kiện để được ở bán trú tại trường nên đa phần đi về trong ngày. Mặc dù đường mới được trải bê tông, song độ dốc cao nên bọn trẻ không thể tự đi. Vì không muốn bất cứ trường hợp nào phải nghỉ học do khó khăn này nên tôi đã họp bản, tuyên truyền, vận động bà con cùng cộng đồng trách nhiệm”, ông Lềnh tâm sự.

Một góc xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo (Điện Biên)
Một góc xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo (Điện Biên)

Theo đó, ông phân chia bản thành nhiều nhóm hộ. Các gia đình ở lân cận hỗ trợ nhau. Khi phụ huynh này bận, thì sẽ chủ động liên hệ để các gia đình khác hỗ trợ đưa con đến lớp. Đề nghị ông đưa ra đều được bà con đồng thuận, ai cũng xem con của người khác như con mình và ngược lại. Vì thế nên mặc dù ở xa trường, song học sinh ở Tênh Lá vẫn được đánh giá nằm trong “tốp đầu” về tỷ lệ đi học chuyên cần.

Với những nỗ lực của mình, vừa qua, ông Lềnh vinh dự trở thành người Mông lớn tuổi đầu tiên của tỉnh Điện Biên được nhận học bổng “Học không bao giờ cùng” của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam. Cầm trên tay “niềm tự hào” giữa vùng quê cách mạng, ông Lềnh bảo: “Học bổng không phải là cái đích, đó là kết quả của cả một hành trình. Mắt tôi ngày một kém, không tự học được nữa, nên hành trình của tôi bây giờ là truyền cảm hứng cho con, cháu thế hệ sau”.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.