Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ qua mạng xã hội

Thiên Đức - 10:32, 20/07/2020

Tham gia vào hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ không chỉ có những Cựu chiến binh, mà còn có cả những người trẻ tuổi sinh ra trong thời bình. Với kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng Internet thành thạo, họ đã và đang giúp hàng ngàn thân nhân gia đình liệt sĩ tìm được hài cốt.

Chị Ngô Thị Thúy Hằng (bên phải) trong một lần về Lạc Sơn, Hòa Bình hướng dẫn các thân nhân gia đình liệt sĩ kết nối thông tin.
Chị Ngô Thị Thúy Hằng (bên phải) trong một lần về Lạc Sơn, Hòa Bình hướng dẫn các thân nhân gia đình liệt sĩ kết nối thông tin.

Từ một chữ duyên

Sinh năm 1976, chị Ngô Thị Thúy Hằng may mắn khi không trực tiếp đối diện với các cuộc chiến tranh. Sau hơn 10 năm làm nghề báo ở TP. Hồ Chí Minh với mức thu nhập tốt, chị Hằng cùng gia đình vẫn đau đáu với việc tìm người bác ruột là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Năm 2004, trong một lần tình cờ đọc được thông tin về diễn đàn có địa chỉ www.nhantimdongdoi.org của nhóm sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, chị Hằng đã gửi thông tin lên trang webSite đó để tìm bác và kèm theo lời nhắn sẵn sàng hỗ trợ cho hoạt động của nhóm. Ngay lập tức, chị nhận được phản hồi mời tham gia.

Nhận lời mời đó, chị chủ động cộng tác với nhóm bạn trẻ, tranh thủ từng ngày nghỉ, đi khắp các vùng miền làm công việc “mò kim đáy bể”, sưu tầm thông tin, ghi chép cụ thể địa hình và công tác quy tập mộ liệt sĩ ở các địa phương. Cập nhật thông tin “nuôi” diễn đàn và đến cuối năm 2004, chị gần như là quản trị của diễn đàn.

Chị Hằng cho biết: “Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ tham gia diễn đàn để hỗ trợ chứ không nghĩ mình sẽ gắn bó lâu dài. Nhưng sau những lần tìm kiếm thông tin, tiếp xúc với các gia đình liệt sĩ, tôi thấy phần lớn thân nhân là người nông dân, đời sống rất khó khăn, họ quá vất vả trong tìm kiếm người thân và không có nguồn thông tin. Từ đó, tôi có suy nghĩ bản thân phải làm cách nào đó để giúp đỡ họ”.

Kiên trì theo đuổi, Trung tâm của chị Hằng đã nắm được thông tin về họ tên, nơi hy sinh thực tế của hơn 900.000 liệt sĩ. Giống như ngân hàng lưu trữ đầy đủ thông tin, mỗi một liệt sĩ khi xác định được sẽ có 10 trường thông tin về họ, như: Họ tên, năm sinh, năm mất, di ảnh, mất trong hoàn cảnh nào, đơn vị nào, nơi hy sinh thực tế…

Những chuyến đi dài

Không chỉ tích cực hỗ trợ trên mạng xã hội, bản thân chị Ngô Thị Thúy Hằng còn lăn xả ngoài thực địa với những việc làm ý nghĩa. Chị và nhóm tình nguyện đã vượt lên mọi khó khăn, tổ chức được 6 cuộc gặp mặt tại các địa phương, trong đó, có những cuộc thu hút 1.000 thân nhân liệt sĩ tham gia.

Từ chối nhiều vị trí có thu nhập cao, hơn 10 năm qua, chị Hằng vẫn tự bỏ tiền túi để làm những công việc thầm lặng để mang lại niềm vui cho hàng nghìn thân nhân liệt sĩ. Chị và tất cả những tình nguyện viên ở các trung tâm và các văn phòng đại diện trên địa bàn cả nước đang làm việc với một chữ “tâm” duy nhất.

Để có một tư cách pháp nhân độc lập, tháng 11/2012, Trung tâm Quản lý ngân hàng dữ liệu về liệt sĩ và người có công do nhóm chị Hằng sáng lập được đổi tên thành Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (viết tắt là MARIN) thuộc Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam.

Trung tâm do Đại tá Nguyễn Quốc Hưng làm Giám đốc, chị Ngô Thị Thúy Hằng giữ chức Phó Giám đốc điều hành. Mục đích của MARIN là chung tay cùng Đảng, Nhà nước xoa dịu nỗi đau chiến tranh, đền ơn đáp nghĩa các Anh hùng liệt sĩ thông qua tư vấn và trợ giúp pháp lý cho các gia đình liệt sĩ trong việc tìm kiếm thông tin liên quan đến liệt sĩ và phần mộ liệt sĩ.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.