Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Hậu Giang: Sử dụng song ngữ để tuyên truyền về bầu cử

Hồng Diễm - 11:03, 19/04/2021

Hướng về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các ngành, địa phương của tỉnh Hậu Giang đã và đang tập trung tuyên truyền sâu rộng tới người dân về cuộc bầu cử dưới nhiều hình thức. Trong đó, việc tăng cường tuyên truyền bằng tiếng Khmer trong các chùa và tới những xã có đông đồng bào Khmer sinh sống, đã giúp đồng bào hiểu hơn về quyền lợi cũng như trách nhiệm của cử tri.


Các địa phương tại tỉnh Hậu Giang đã và đang tăng cường tuyên truyền bầu cử bằng tiếng Khmer
Đồng bào Khmer đang tham dự một buổi tuyên tryền về bầu cử

Tại TP. Vị Thanh, công tác tuyên truyền cũng được Mặt trận các cấp gấp rút thực hiện. Ông Phan Hoàng Liệt, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Vị Thanh, cho biết: “Để góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử, chúng tôi chỉ đạo Mặt trận các xã, phường tích cực phối hợp với các tổ chức thành viên, tập trung tuyên truyền về ý nghĩa của cuộc bầu cử, cũng như quyền và nghĩa vụ của cử tri. Việc tuyên truyền được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, băng rôn, khẩu hiệu trực quan và trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Điển hình như, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường IV còn phối hợp tuyên truyền về bầu cử bằng tiếng Việt và tiếng Khmer, tại chùa Pô Thy Răng Sây, ở khu vực 1, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống. Tại đây, cán bộ phường đã tuyên truyền những nội dung cơ bản về cuộc bầu cử. Sau đó, Đại đức Danh Vũ Linh, Trụ trì chùa Pô Thy Răng Sây sẽ tiếp tục tuyên truyền lại các nội dung này bằng tiếng Khmer.

Nghe tuyên truyền bằng tiếng Khmer giúp tôi hiểu hơn về cuộc bầu cử. Tôi và người thân sẽ thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của cử tri, tranh thủ đi bỏ phiếu sớm.

Ông Danh XemNgười dân Khu vực 1, phường IV, TP. Vị Thanh

Việc tuyên truyền bằng tiếng Việt và tiếng Khmer nhằm giúp cho đồng bào  Khmer dễ dàng tiếp thu được các nội dung tuyên truyền. Bởi trong thực tế, vẫn còn nhiều người dân tộc Khmer biết ít tiếng Việt. Do đó, việc tuyên truyền bằng cả tiếng Việt và tiếng Khmer sẽ nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong vùng đồng bào.

Tương tự, tại huyện Vị Thủy, địa phương có trên 800 hộ dân Khmer sinh sống tập trung tại các xã: Vị Thủy, Vĩnh Trung, Vị Bình và Vị Trung. Ngoài tập trung tuyên truyền trên hệ thống phát thanh huyện, xã; tuyên truyền trực quan sinh động...; chính quyền địa phương còn cung cấp tài liệu và kết hợp với  Ban quản trị các điểm chùa Khmer họp dân, tuyên truyền bằng tiếng Khmer cho người dân về nội dung cuộc bầu cử. Bên cạnh đó, huyện cũng đã đề xuất, và được tỉnh chấp thuận cho làm băng rôn tuyên truyền song ngữ Việt - Khmer để tuyên truyền đến từng xóm, ấp có đông bà con Khmer sinh sống.

Tại huyện Châu Thành A, cũng đang diễn ra nhiều hoạt động tuyên truyền thiết thực. Điển hình, nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, Phòng Dân tộc huyện đã tổ chức họp mặt đồng bào và lồng ghép tuyên truyền về cuộc bầu cử để bà con hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong ngày bầu cử.

Ông Nguyễn Kim Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành A cho biết: “Chúng tôi phối hợp tuyên truyền hàng ngày trên Đài truyền thanh huyện và hệ thống truyền thanh các xã, thị trấn. Huyện còn treo nhiều cờ đuôi cá, cờ phướn trên các tuyến ở địa bàn, góp phần tuyên truyền sâu rộng cho cuộc bầu cử”.

Qua thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang, tính đến cuối tháng 3/2021, Mặt trận các cấp đã phối hợp tuyên truyền được 1.040 cuộc, có hơn 33.400 lượt người dự. Trong đó, Mặt trận cấp huyện tổ chức được 91 cuộc tuyên truyền, có hơn 4.500 lượt người dự; Mặt trận cấp xã và ban công tác Mặt trận ấp, khu vực tổ chức 949 cuộc, với gần 29.000 lượt người dự.