Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Hệ lụy đau lòng từ rượu, bia

T.An - T.Nhân - 09:54, 07/07/2020

Lâu nay tình trạng nhà nhà uống rượu, người người uống rượu trong đồng bào Ba Na ở huyện Tây Sơn (Bình Định) đã và đang gây ra những hệ lụy đau lòng như, tai nạn giao thông, mất an ninh trật tự... Đáng báo động hơn, rượu đang là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tự tử.

Huyện đoàn Tây Sơn tổ chức tuyên truyền về tác hại của rượu, bia cho bà con xã Vĩnh An
Huyện đoàn Tây Sơn tổ chức tuyên truyền về tác hại của rượu, bia cho bà con xã Vĩnh An

“Cả làng” nghiện rượu

Tây Sơn là huyện trung du, 3 xã có đồng bào dân tộc Ba Na sinh sống (làng Cam, xã Tây Xuân; làng M6, xã Bình Tân và 5 làng của xã Vĩnh An), với tổng số trên 471 hộ, 1.708 nhân khẩu. Trong đó, tập trung chủ yếu vẫn là xã Vĩnh An với 354 hộ, 1.320 nhân khẩu. Hiện nay, tại các làng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Tây Sơn, nhan nhản các điểm bán rượu.

Theo UBND xã Vĩnh An, xã chỉ có 5 làng nhưng có đến 21 điểm bán hàng tạp hóa nhỏ lẻ kiêm bán rượu. Mỗi làng có ít nhất 2 quán bán bia, rượu. Làng Giọt 1 và Kon Giang đông hơn cả với 13 quán. Quán rượu cách nhà chỉ vài bước chân, xa nhất cũng chỉ 200m. Những can rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ được chiết từ can nhựa ra từng bọc nylon cứ thế bán cho người mua. Mỗi lít rượu ở đây có giá 10.000 - 12.000 đồng.

Có rất nhiều lý do để người dân uống rượu như làm nhà mới, đám cưới, đám ma, đổi vòng công, thậm chí không có chuyện gì làm thì uống rượu giải khuây. Khoảng 80% nhân khẩu trong xã đều sử dụng rượu. Một chủ đầu mối rượu cho biết, chừng 2 - 3 ngày lại cung cấp cho quán bán rượu nơi đây khoảng 300 lít rượu.

Chị Đ.T.H ở làng Kon Mon nói: “Ở làng ai cũng uống hết, trai cũng uống, gái cũng uống. Nếu có tiền thì uống nhiều lắm đó, không có thì mua nợ. Không nợ được nữa thì đi làm thuê kiếm tiền trả; còn không thì lên rẫy chặt buồng chuối, đu đủ, bắp ở rẫy đem vô quán đổi lấy rượu”.

Và những hệ lụy

Theo thống kê của Ban Dân vận Huyện ủy Tây Sơn, từ năm 2014 đến nay, xã Vĩnh An xảy ra 21 vụ tự tử, làm chết 10 người và 11 người được cứu sống kịp thời. Rượu được xác định là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Nhiều người uống say về nhà xúc phạm danh dự, nhục mạ, thách thức, đánh đập người thân trong gia đình. Từ đó dẫn đến sự bức xúc, tự ái rồi tìm đến cái chết. Mới đây, bà Đ.T.P vì quá bức xúc đứa con trai nghiện rượu, thường xuyên về nhà đánh đập, chửi bới cha mẹ, bà đã uống thuốc cỏ tự vẫn, may mà cứu được.

Ngoài ra, một bộ phận thanh niên uống rượu chạy xe ẩu, gây tai nạn giao thông và đánh nhau làm mất an ninh trật tự tại địa phương. Ông Đinh Hoang Bình, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, thừa nhận: Tình trạng uống rượu ở xã rất phổ biến. Để ngăn chặn, hạn chế tình trạng uống rượu, bia quá đà, chính quyền xã Vĩnh An cũng đã cử cán bộ, các hội, đoàn thể đến từng làng tuyên truyền, phân tích cho bà con nhận thấy tác hại của rượu, bia. 

Bên cạnh đó, tăng cường vai trò của già làng, Người có uy tín trong việc vận động, giúp đỡ bà con tích cực sản xuất, cải thiện đời sống; hạn chế uống rượu, xóa bỏ các tập tục lạc hậu; làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở; xã sẽ tăng cường kiểm tra về an toàn thực phẩm và sẽ xử lý các quán buôn bán rượu không rõ nguồn gốc.

Được biết mới đây, Ban Dân vận Huyện ủy Tây Sơn cũng đã tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp ngăn chặn tình trạng tự tử trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện”. Trong đó, đặc biệt chú trọng chăm lo đời sống, nâng cao dân trí, xây dựng thôn, làng đoàn kết, gia đình hòa thuận; tạo điều kiện để bà con phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối với những hộ, người có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ tự tử cao.

Tin cùng chuyên mục
Chuyện bỏ rượu ở bản Mò O Ồ Ồ

Chuyện bỏ rượu ở bản Mò O Ồ Ồ

Vào đầu năm 2024, các đảng viên trong Chi bộ bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã đồng nhất biểu quyết thực hiện quy định đảng viên không uống rượu bia vào buổi sáng, hạn chế rượu, bia vào chiều tối. Sau gần một năm thực hiện, các đảng viên của Chi bộ Mò O Ồ Ồ đã thay đổi được thói quen uống rượu, bia và tiếp tục vận động đồng bào Rục làm theo để tập trung làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng bản làng văn hóa.