Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hiện thực hóa khát vọng vươn tầm nông sản Việt: Liên kết phát triển phù hợp với xu thế phân phối hiện đại (Bài 2)

Thúy Hồng - 08:07, 27/05/2024

Nền nông nghiệp Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới đa giá trị, kinh tế tuần hoàn. Việc liên kết phát triển của Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác sẽ thích ứng cao và chống chịu cao, giúp chuỗi giá trị phát triển bền vững trước các biến đổi tiêu cực từ bên ngoài, thích ứng với xu thế phát triển hiện đại.

Nhờ liên kết phát triển, người dân yên tâm đầu ra cho sản phẩm
Nhờ liên kết phát triển, người dân yên tâm đầu ra cho sản phẩm

Liên kết để phát triển bền vững

Lâu nay nền nông nghiệp Việt Nam vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, tự phát. Nếu mỗi người nông dân tự sản xuất trên quy mô nhỏ lẻ, sẽ chỉ có thể bán nông sản do mình làm ra tại chợ truyền thống. Tuy nhiên, khi tham gia chuỗi giá trị hàng hóa thông qua HTX, cũng chính người nông dân đó có thể được ký hợp đồng hợp tác lâu dài với doanh nghiệp liên kết.

Tiêu biểu như HTX Yến Dương (Bắc Kạn) được thành lập từ năm 2018, với 20 thành viên cùng liên kết phát triển các sản phẩm nông sản của địa phương như: Bí thơm, gạo nếp tài, miến tráng tay… Sau 5 năm phát triển, HTX đã có 388 hộ liên kết sản xuất. Năm 2023, HTX Yến Dương đã thu mua 550 tấn bí thơm cho bà con để làm nguyên liệu sản xuất trà, với giá thành ổn định ở mức 7 - 8 nghìn đồng/kg, các hộ trồng bí có thể thu lãi 10 - 15 triệu đồng/sào.

Bà Nông Thị Chiêm ở thôn Nà Đúc, xã Địa Linh, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) chia sẻ: Nhờ liên kết phát triển sản xuất với HTX, gia đình tôi không còn lo lắng đầu ra cho sản phẩm bí xanh. Hiện gia đình mở rộng diện tích trồng thường xuyên khoảng 0,5 ha. Mỗi vụ, gia đình tôi thu được khoảng 20 tấn quả với giá trung bình từ 7.000 - 8.000 đồng/kg mang lại thu nhập cho gia đình khoảng 100 triệu đồng.

Hay như HTX Toàn Thương, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã áp dụng công nghệ vào sản xuất sản phẩm hồng vành khuyên treo gió mang lại giá trị cao cho sản phẩm. HTX của chị bao tiêu sản phẩm cho 10 hộ dân trồng hồng vành khuyên trên địa bàn xã, tạo việc làm cho hàng chục người lao động. Năm 2023, riêng HTX của chị Thương đã chế biến ra 10 tấn hồng thành phẩm, doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 1,2 tỷ đồng.

HTX Yến Dương hay Toàn Thương chỉ là trong hàng ngàn HTX trong cả nước đã thành công trong việc liên kết phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, trên cả nước đã có 2.500 HTX ứng dụng công nghệ cao, 4.000 HTX đảm nhận bao tiêu hàng hóa cho thành viên; 1.739 chuỗi liên kết do HTX làm chủ trì chuỗi.

Liên kết phát triển sản xuất sẽ nâng cao giá trị sản phẩm
Liên kết phát triển sản xuất sẽ nâng cao giá trị sản phẩm

Để liên kết phát triển sản xuất hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn 14 tỉnh trải dài từ Bắc vào Nam với 5 vùng nguyên liệu hàng hóa lớn trên tổng diện tích gần 167.000 ha, trong đó có 250 HTX (năm 2022) và khoảng 186.000 hộ nông dân hưởng lợi trực tiếp.

Nhìn nhận từ thực tế HTX giữ vai trò của các đơn vị đầu kéo trong chuỗi cung ứng nhằm thúc đẩy nông dân, bảo đảm quy trình sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Theo các chuyên gia, trong quá trình liên kết với doanh nghiệp xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, EU, Úc, Trung Quốc…

Thích ứng với xu thế phát triển hiện đại

Thực tế cho thấy việc liên kết phát triển của HTX, Tổ hợp tác sẽ thích ứng cao và chống chịu cao, giúp chuỗi giá trị phát triển bền vững trước các biến đổi tiêu cực từ bên ngoài. Việc thực hiện liên kết đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm gắn kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông sản chủ lực theo từng địa phương.

Hiện nay, việc phát triển chuỗi cung ứng nông sản trên nền tảng kinh tế tập thể gắn với hệ thống phân phối hiện đại, nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Đảng và Chính phủ. Theo đó, nhiều chính sách phát triển kinh tế tập thể được ban hành và gần đây nhất là Luật HTX năm 2023 đã tạo môi trường phát triển kinh tế tập thể được mở rộng và tạo nền tảng pháp lý ngày càng chặt chẽ hơn.

Bà Lê Thị Thu Hiền - Giám đốc Agriterra Việt Nam, cho biết: Trong bối cảnh nông nghiệp hiện nay liên tục thay đổi, thị trường yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Liên kết mạnh mẽ hơn giữa doanh nghiệp và vùng nguyên liệu, giữa người sản xuất quy mô nhỏ với nhau. Bên cạnh đó, thay đổi về nhu cầu của khách hàng về loại sản phẩm, hình thức sản phẩm, chất lượng, độ an toàn, khẩu vị và sự tập trung vào sản phẩm bổ dưỡng/hữu cơ.

Việc thực hiện liên kết đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm gắn kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông sản chủ lực theo từng địa phương
Việc thực hiện liên kết đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm gắn kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông sản chủ lực theo từng địa phương

Còn ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng trong giai đoạn hiện nay, bà con nông dân và HTX cần liên kết với nhau thật tốt tổ chức nguồn nguyên liệu, sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời nhìn nhận, cần bắt đầu từ tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết ngành hàng theo tiêu chí mà người nông dân cùng ngành nghề sản xuất, phạm vi hoạt động.

Tại Diễn đàn HTX Quốc gia do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sáng 11/4, nhiều ý kiến cho rằng, sản xuất theo mô hình HTX là yếu tố tiên quyết trong việc tạo dựng chuỗi giá trị. Tuy nhiên, có một điều đáng quan tâm hiện nay là, HTX muốn liên kết theo chuỗi giá trị hiệu quả với doanh nghiệp cần có diện tích sản xuất lớn, có vùng nguyên liệu lớn để đáp ứng các đơn hàng. 

Muốn vậy, điều quan trọng nhất, là HTX phải có lượng thành viên đủ lớn để tập hợp được diện tích đất lớn, phát triển được vùng nguyên liệu theo những cánh đồng lớn, từ đó thuận lợi trong ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trên thực tế hiện nay, nhiều HTX vẫn có quy mô thành viên còn khiêm tốn nên khó tích tụ ruộng đất, khó đầu tư các dịch vụ khi liên kết với doanh nghiệp; việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng gặp nhiều khó khăn do nhiều HTX không đáp ứng được điều kiện của ngân hàng. 

Do đó, tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách, vốn đầu tư để thúc để thúc đẩy phát triển mô hình HTX, Tổ hợp tác để phát triển bền vững chuỗi giá trị, là những vấn đề cần được các chuyên gia chuyên ngành, các cơ quan hoạch định chính sách liên quan quan tâm đặc biệt.