Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hiện thực hóa khát vọng vươn tầm nông sản Việt: Tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách (Bài cuối)

Thúy Hồng - 12:04, 05/06/2024

Chuỗi giá trị hàng hóa là mô hình hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp đang thu hút các doanh nghiệp và HTX tích cực tham gia liên kết. Tuy nhiên, để phát huy được vai trò của HTX trong liên kết chuỗi giá trị nông sản cần tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Cần có cơ chế chính sách thông thoáng để HTX tiếp cận các nguồn vốn vay. Ảnh Minh họa
Cần có cơ chế chính sách thông thoáng để HTX tiếp cận các nguồn vốn vay. (Ảnh Minh họa)

Gỡ khó về tiếp cận vốn vay cho HTX

Mặc dù trong những năm qua, mô hình kinh tế tập thể, HTX tuy có bước phát triển cả số lượng và chất lượng, song kinh tế tập thể (KTTT), HTX ở nước ta hiện nay đang gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Các HTX chủ yếu chưa đáp ứng các yêu cầu tối thiểu, các điều kiện vay vốn, vì thế vốn cho sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

Theo nguyên tắc tín dụng vốn, ngân hàng cho vay phải có thế chấp. Tuy nhiên, các HTX là mô hình KTTT, không có tài sản thế chấp, nên khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Bên cạnh đó, hiện nay đa số HTX có quy mô nhỏ, không có tài sản chung, tài sản không chia để đảm bảo nên không vay được vốn.

Ông Tạ Viết Hùng - Chủ tịch HĐQT, HTX Đầu tư nông trại xanh và Phát triển bò Ba Vì cho biết: Việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng gặp nhiều khó khăn do nhiều HTX không đáp ứng được điều kiện của ngân hàng. Hiện nay, các HTX chủ yếu tiếp cận vốn từ quỹ của Liên minh HTX địa phương và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và vốn góp từ các cá nhân nên chưa đáp ứng được yêu cầu về hoạt động sản xuất. 

Kiến nghị về vốn vay cho HTX, ông Tạ Viết Hùng cho rằng: Việc vay vốn khu vực HTX chỉ chiếm 2%, vì vậy cần tăng định mức cho vay thông qua việc cho các HTX được vay vốn lãi suất thấp, cho vay theo cơ chế đặc thù vùng miền, ngành nghề vì mỗi khu vực có cơ chế, sản xuất đặc thù riêng. Đồng thời, cắt giảm thủ tục không cần thiết, và cho HTX thế chấp tài sản bằng tài sản hình thành từ vốn vay. Thời gian cho vay tối thiểu 10 năm trở lên để đáp ứng được chu kỳ sản xuất.

Hiện nay các HTX chủ yếu vẫn còn hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng
Hiện nay các HTX chủ yếu vẫn còn hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ngọc - Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Yên Duyên (Hà Nội) cho rằng: Nhiều HTX, nhất là HTX nông nghiệp không có tài sản thế chấp, trong khi điều kiện vay vốn của các ngân hàng thương mại đều yêu cầu HTX phải có tài sản thế chấp, nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX rất hạn hẹp, nhu cầu vay vốn của các HTX lớn, nên rất ít HTX có thể tiếp cận được các chính sách tín dụng.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận, giai đoạn vừa qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã có những chương trình hành động rất thiết thực. Mặc dù có nhiều chính sách, cơ chế cho vay ưu đãi đối với khu vực KTTT, tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng tại khu vực này vẫn còn rất khiêm tốn.

Theo con số thống kê của NHNN, đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với HTX, Liên hiệp HTX đạt 6.024 tỷ đồng (1.200 HTX, Liên hiệp HTX có dư nợ), giảm 1,69% so với cuối năm 2023.

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết: NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho vay nói chung và HTX nói riêng. Khảo sát, đánh giá, tổng kết Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn để đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định, tạo thuận lợi tăng cường tiếp cận tín dụng của người dân doanh nghiệp, HTX….

Tập trung đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển HTX

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài khó khăn về việc tiếp cận nguồn vốn, hiện nay các HTX chủ yếu vẫn còn hoạt động nhỏ lẻ, manh mún. Vì vậy, cần tập trung đồng bộ các giải pháp để phát triển HTX theo chuỗi liên kết giá trị một cách bền vững.

Cần quy hoạch vùng nguyên liệu để liên kết phát triển sản xuất bền vững
Cần quy hoạch vùng nguyên liệu để liên kết phát triển sản xuất bền vững

Ông Lê Văn Việt - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc HTX Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt (Hải Dương) cho biết: Trong quá trình sản xuất, dù HTX có những điều kiện thuận lợi nhất định, như ở trên địa bàn diện tích có thể phát triển thành vùng nguyên liệu đủ lớn về số lượng, bà con quen với tập quán chăn nuôi, nhưng HTX vẫn gặp không ít khó khăn, đó là quy mô sản xuất nuôi trồng còn manh mún, các hộ nuôi trồng trình độ còn hạn chế, tập tục chăn nuôi còn mang tính chất truyền thống, chưa có nhiều cải tiến.

Để giải quyết được những khó khăn, Nhà nước cần có những giải pháp nhằm ổn định về quy hoạch vùng nguyên liệu, đặc biệt là quy hoạch chung của địa phương để giúp người dân, thành viên HTX có thể an tâm hoạt động và phát triển. Cùng với đó, là việc đào tạo nguồn nhân lực giúp cho bà con có thể tiếp cận tốt với khoa học kỹ thuật, và đào tạo nghiệp vụ để giúp cho việc quản trị được tốt hơn. Đặc biệt, Nhà nước cần có chính sách tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng nguyên liệu để liên kết phát triển sản xuất.

Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh, nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách, nhất là tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà các HTX hiện đang gặp phải. Hỗ trợ HTX tiếp cận các nguồn tín dụng; hỗ trợ thủ tục xác nhận, chứng nhận sở hữu đất đai của HTX và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để HTX xây dựng hạ tầng...

Cần có cơ chế, chính sách đẩy HTX phát triển bền vững
Cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy HTX phát triển bền vững

Phát biểu tại diễn đàn HTX Quốc gia được tổ chức vào giữa tháng 4 vừa qua, Phó Thủ Lê Minh Khái khẳng định: Những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật cho khu vực HTX, đến nay cơ chế cơ bản hoàn thiện. Khu vực KTTT, HTX khắc phục được một phần tình trạng yếu kém, đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Để tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc trong phát triển mô hình KTTT, HTX, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, các bộ, ngành liên quan, các địa phương cần bám sát, quán triệt chủ trương của Đảng, Chính phủ về chính sách phát triển và nâng cao hiệu quả khu vực KTTT, HTX. Rà soát cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm