Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Hiện thực hóa mục tiêu về phát triển kinh tế sau bảo tồn lễ hội truyền thống

Trọng Bảo - 14:22, 25/05/2024

Bảo tồn văn hóa, trong đó có bảo tồn, phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao gắn với phát triển du lịch được coi là hướng đi bền vững, giúp Lào Cai hiện thực hóa “ mục tiêu kép”, vừa gìn giữ nét đẹp truyền thống các dân tộc, vừa thúc đẩy du lịch phát triển, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã có nhiều giải pháp và dành nguồn lực cần thiết để bảo tồn, phục dựng các lễ hội truyền thống.

Lễ hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước đến xem và cổ vũ
Lễ hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà luôn thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước đến xem và cổ vũ

Năm 2024, giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà bước sang năm thứ 17, đồng nghĩa với việc Lễ hội đua ngựa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên “cao nguyên trắng” cũng đã được khôi phục 17 năm. Lễ hội đua ngựa Bắc Hà mang đậm các giá trị văn hóa truyền thống, là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện văn hóa du lịch của huyện.

Đua ngựa truyền thống ở Bắc Hà có nguồn gốc từ tập quán nuôi ngựa, thuần dưỡng ngựa để phục vụ cho nhu cầu vận chuyển, phát triển kinh tế của cộng đồng, sau được các chàng trai người Mông, người Tày, người Nùng,... rủ nhau thi cưỡi ngựa và dần dần tổ chức thành lễ hội và quy mô ngày càng được mở rộng.

Lễ hội không chỉ tôn vinh giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao mà còn góp phần vào phát triển, tăng doanh thu du lịch, tiêu thụ các mặt hàng nông sản đặc hữu của địa phương.

Vinh dự và tự hào hơn khi Lễ hội đua ngựa Bắc Hà được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào ngày 27/5/2021. Theo lãnh đạo huyện Bắc Hà, Lễ hội đua ngựa năm nay, sẽ tái hiện nghi thức cầu may cho đoàn tham gia giải đua ngựa truyền thống dưới dạng tóm lược cho du khách tham quan, trải nghiệm tìm hiểu thêm về giá trị, ý nghĩa của giải đua ngựa…

Lễ hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà chỉ là một trong hàng chục nghi lễ, lễ hội đã và đang được tỉnh Lào Cai khôi phục, bảo tồn và phát triển. Với 25 nhóm, ngành dân tộc cùng 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản đại diện nhân loại, Lào Cai là một trong những địa phương có truyền thống văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, cũng như sở hữu nhiều di sản văn hóa hàng đầu cả nước. Công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa đang được địa phương đẩy mạnh, gắn với nhiều lĩnh vực, ở nhiều môi trường khác nhau.

 Những cách làm hay, sáng tạo trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào DTTS tại Lào Cai gắn với phát triển du lịch, đã mang lại những kết quả tích cực; được coi là hướng đi bền vững, giúp Lào Cai hiện thực hóa “mục tiêu kép”, vừa gìn giữ nét đẹp truyền thống các dân tộc, vừa mang đến trải nghiệm mới lạ cho du khách, thúc đẩy du lịch phát triển, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Đây cũng là một trong những nỗ lực của tỉnh Lào Cai trong việc thực hiện “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. 

Bằng nhiều cách làm sáng tạo, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Lào Cai đã và đang được bảo tồn, phát huy
Bằng nhiều cách làm sáng tạo, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Lào Cai đã và đang được bảo tồn, phát huy

Trong xã hội hiện đại, nhiều nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Để hạn chế tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Giàng Thị Dung cho biết, địa phương đã tích cực, chủ động bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc bằng nhiều giải pháp, bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Cụ thể, từ năm 2021 - 2023, tỉnh Lào Cai đã tổ chức hơn 30 lớp trao truyền kỹ năng, kỹ thuật cách thức tạo ra y phục, hoa văn truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh bằng phương pháp trao truyền, bảo tồn sống trong cộng đồng, lấy nghệ nhân của cộng đồng truyền dạy lại cho người dân tại địa phương; xây dựng được 6 mô hình bảo tồn mẫu hoa văn, trang sức, trang phục dân tộc.

“Đặc biệt, Lào Cai đang dành nhiều nguồn lực để phục dựng lại nhiều lễ hội, với sự cố vấn của nhiều nghệ nhân, những chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là sự tham gia của đông đảo người dân thuộc các dân tộc của địa phương. Đến nay, tỉnh đã khôi phục được toàn bộ hệ thống lễ hội ở các dân tộc ít người với gần 50 nghi lễ, lễ hội; kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của tất cả nhóm, ngành dân tộc ở 500 làng, bản...”, bà Dung cho biết thêm.

Khi đến với Lễ hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà, du khách còn có cơ hội khám phá và thưởng thức đặc sản mận Tam hoa
Khi đến với Lễ hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà, du khách còn có cơ hội khám phá và thưởng thức đặc sản mận Tam hoa

Các lễ hội, vốn là biểu tượng văn hóa tâm linh gói gọn trong một tộc người hay một địa bàn, đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước như: Lễ hội Đền Thượng ở thành phố Lào Cai; Lễ hội đền Bảo Hà (huyện Bảo Yên); Lễ hội "Gầu tào" ở xã Pha Long (Mường Khương); Lễ hội "Roóng poọc" của người Giáy ở xã Tả Van (Sa Pa); Lễ hội Khu Già Già (Bát Xát)...

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 -NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 09 -NQ/TU, ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lào Cai đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững”, được Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức mới đây, đã khẳng định “biến di sản thành tài sản” là một trong những sáng kiến, cách làm độc đáo của địa phương trong quá trình triển khai Nghị quyết. Qua đó, góp phần xây dựng văn hóa, con người Lào Cai phát triển toàn diện, bền vững, mang đặc trưng vùng đất biên cương của Tổ quốc đó là “Đoàn kết - Yêu nước - Kỷ cương - Văn minh - Hiếu khách”.

Tin cùng chuyên mục
Đình Lập (Lạng Sơn): Ra mắt câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian

Đình Lập (Lạng Sơn): Ra mắt câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian

Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn phối hợp với huyện Đình Lập vừa tổ chức Lễ ra mắt mắt Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Tày, Nùng, Dao trên địa bàn xã Kiên Mộc. Câu lạc bộ được thành lập và ra mắt theo kế hoạch thực hiện Dự án số 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình MQTG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.