Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Nghệ nhân Phú Bình Đồn, Người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào Chăm Ninh Thuận

Thái Sơn Ngọc - 00:54, 13/09/2024

Người có uy tín Phú Bình Đồn là nghệ nhân dân tộc Chăm tiêu biểu ở thôn Tân Bổn, xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam. Ông vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận mời dự Họp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiêu biểu năm 2024. Nhiều năm qua, ông tâm huyết xây dựng mô hình gia đình nghệ nhân gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Chăm.

Người có uy tín Phú Bình Đồn (ở giữa) động viên con cháu tham gia các hoạt động văn hóa của địa phương.
Người có uy tín Phú Bình Đồn (ở giữa) động viên con cháu tham gia các hoạt động văn hóa của địa phương

Sáng sớm 12/9, chúng tôi đến thôn Tân Bổn thăm gia đình Người có uy tín Phú Bình Đồn lúc ông đang cần mẫn chế tác trống ghi năng. Tuy tuổi tác thuộc lớp người “xưa nay hiếm” nhưng sức vóc của ông tráng kiện, tay cầm dùi đục săn chắc. Dừng tay đục rỗng ruột thân trống ghi năng, tự tay pha ấm trà ngon mời khách, ông phấn khởi chia sẻ: “Tui rất vui khi được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận mời tham dự Họp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiêu biểu năm 2024. Tôi được nghe lãnh đạo tỉnh và các vị trí thức, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ trao đổi về huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung tay xây dựng tỉnh Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp. Đây là niềm vinh dự của gia đình, qua đó tôi cũng động viên con cháu nỗ lực học tập, rèn luyện trở thành các nhạc công, diễn viên múa của vùng đồng bào Chăm”.

Người có uy tín- Nghệ nhân Ưu tú Phú Bình Đồn chế tác trống ghi năng.
Người có uy tín- Nghệ nhân Ưu tú Phú Bình Đồn chế tác trống ghi năng

Trao đổi với Người có uy tín Phú Bình Đồn dưới bóng cây me xanh mát trước sân nhà, điều chúng tôi tâm đắc, thú vị là ông có người vợ Ngụy Thị Đồn hiền thục, chịu thương chịu khó đồng hành cùng ông trong nửa thế kỷ qua. Cả hai vợ chồng tên Đồn, thời son trẻ là những nhạc công, diễn viên tài sắc. 

Từ khi 17 tuổi, ông đã là nhạc công và bà 15 tuổi đã là diễn viên múa của Đội văn nghệ quần chúng thôn Tân Bổn. Từ lòng say mê điệu múa pa-tra hòa trong tiếng trống ghi năng giúp ông bà vui sống hòa thuận, thủy chung từ thời son trẻ tới nay trong đại gia đình “tứ đại đồng đường” gần 100 người là con, cháu, chắt. Các con trai và các cháu nội ngoại khi lên 12- 13 tuổi, “cứng tay” cầm được dùi là được ông hướng dẫn đánh trống ghi năng. Đến 15-16 tuổi học biểu diễn trống bara nưng, đàn kanhi, kèn saranai. 7 người con trai của ông bà dày công rèn luyện, đều trở thành những nhạc công tiêu biểu của vùng đồng bào Chăm. Trong đó có anh Phú Quang Tài tốt nghiệp Khoa Nghệ thuật của Trường Đại học Khánh Hòa đang công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc tỉnh Ninh Thuận.

Bà Ngụy Thị Đồn sửa sang trang phục truyền thống cho cháu nội tham gia Lễ hội Katê.
Bà Ngụy Thị Đồn, vợ ông Phú Bình Đồn sửa sang trang phục truyền thống cho cháu nội tham gia Lễ hội Katê

Người có uy tín Phú Bình Đồn tâm huyết truyền dạy miễn phí kỹ năng biểu diễn các nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm cho 34 học viên là thanh niên ở các huyện Ninh Phước, Thuận Nam. Đây là những học viên “ăn cơm, uống nước” tại nhà Prù Đồn (Thầy Đồn), được vợ chồng ông cưu mang đùm bọc yêu thương như em cháu ruột rà. 

Bà Ngụy Thị Đồn với kinh nghiệm “mẹ truyền con nối” dốc lòng truyền dạy các điệu múa căn bản cho con gái, cháu gái và thiếu nữ trong thôn. 

Bà Đồn cho biết, các điệu múa quạt căn bản trong nghi lễ truyền thống của người Chăm gồm có: Pì dền, Pa tra, Chon, Mư năng, Mư rai, Ka chek, Ôn Kain (múa ông bóng). Từ các điệu múa căn bản này, khi biểu diễn sân khấu, đạo diễn sáng tạo nhiều cách biểu diễn sinh động, hấp dẫn khán giả. 

Mô hình gia đình nghệ nhân bảo tồn văn hóa Chăm của Người có uy tín Phú Bình Đồn cùng vợ là bà Ngụy Thị Đồn hiện có 10 nhạc công và 6 diễn viên múa, tích cực tham gia các hoạt động nghi lễ, các sự kiện văn hóa cộng đồng dân cư.

Được người cha ruột là nghệ nhân Phú Lộc truyền dạy, Người có uy tín Phú Bình Đồn nắm vững kỹ thuật chế tác, kỹ năng biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm gồm trống ghi năng, trống baranưng, kèn sara nai, đàn kanhi. Để hoàn thành một bộ trống ghi năng, ông phải làm cả tháng, chế tác từ đục rỗng ruột thân trống đến bịt da, cân chỉnh âm thanh. Một bộ trống ghi năng được ông bán cho các đơn vị, cá nhân đặt mua với giá 20 triệu đồng; trống ba ra nưng bán với giá 5 triệu đồng/chiếc. Các nhạc cụ do Phú Bình Đồn chế tác bảo đảm chất lượng được cộng đồng sử dụng bền lâu. Có thể nói ông là một trong số rất hiếm nghệ nhân chế tác và biểu diễn thành tục nhiều loại nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm ở Ninh Thuận.

Với những đóng góp tích cực trong lĩnh vực văn hóa dân gian, tháng 11/2015, Người có uy tín Phú Bình Đồn được Chủ tịch nước tặng Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú loại hình trình diễn dân gian. Đồng thời được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tặng Bằng khen thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen thành tích xuất sắc tham gia xây dựng xã Phước Ninh đạt chuẩn nông thôn mới.

Cháu Thiết Ngọc Thuật được ông nội Phú Bình Đồn truyền dạy biểu diễn trống ghi năng.
Cháu Thiết Ngọc Thuật được ông nội Phú Bình Đồn truyền dạy biểu diễn trống ghi năng

Ông Đàng Quang Linh, Bí thư Chi bộ thôn Tân Bổn ghi nhận: “Gia đình nghệ nhân Phú Bình Đồn là điển hình văn hóa tiêu biểu của địa phương, cần được biểu dương nhân rộng. Các con, các cháu của ông bà Đồn là những nhạc công, diễn viên múa tích cực tham gia xây dựng khu dân cư giàu đẹp. Với vai trò Người có uy tín và Nghệ nhân Ưu tú, ông Đồn được bà con tin yêu ví như “báu vật sống” của làng. Ông tích cực tham gia hòa giải gắn kết tình làng nghĩa xóm đoàn kết và là cố vấn cho Chương trình Lễ hội Ka tê năm 2024 sắp tới. 

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cùng với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) và sự chung tay góp sức của đội ngũ Người có uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình; huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống đồng bào từng bước được nâng lên, cơ sở hạ tầng thiết yếu đã có nhiều khởi sắc.