Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Hiệu quả nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp

PV - 09:57, 30/07/2021

Những năm gần đây, một số hộ dân tại xã Quân Chu, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng ở những vùng đồi hoang hóa, kém hiệu quả sang trồng chuối tiêu hồng. Mặc dù được đưa vào đồng đất Quân Chu chưa lâu, song loại cây này bước đầu đã khẳng định được hiệu quả kinh tế bởi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, đặc biệt là không kén đầu ra.

Xã Quân Chu (Đại Từ) hiện có gần 50ha trồng chuối tiêu hồng, năng suất bình quân đạt 40 - 50 tấn chuối/ha
Xã Quân Chu (Đại Từ) hiện có gần 50ha trồng chuối tiêu hồng, năng suất bình quân đạt 40 - 50 tấn chuối/ha

Lần trở lại này, chúng tôi được tận mắt thấy những vườn chuối đang độ phát triển, xanh mỡ màng bên sườn Đông dãy Tam Đảo. Chỉ vài năm trước, nơi đây là những vùng đồi hoang hóa, cây trồng xuất hiện lưa thưa và kém phát triển. Theo người dân xã Quân Chu, trước đây, trên những diện tích này, bà con chủ yếu một số loại cây ăn quả hay trồng lúa 1 vụ nhưng hiệu quả không cao. Sau một thời gian tìm hiểu hướng chuyển đổi cây trồng để phát triển kinh tế, nhận thấy giống chuối tiêu hồng dễ trồng, phù hợp với nhiều loại đất nên một số hộ đã trồng thử nghiệm ở địa phương.

Cây chuối tiêu hồng dần bén rễ ở đồng đất Quân Chu và bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá tốt. Theo thời gian, diện tích chuối tiêu hồng được mở rộng ra nhiều nơi trong xã, tập trung nhiều nhất tại xóm Chiểm, Tân Tiến và một số xóm lân cận. Tổng diện tích chuối tiêu hồng của xã hiện tại là gần 50ha.

Bà Phan Thị Đoán, Bí thư kiêm Trưởng xóm Tân Tiến thông tin: Cây chuối được người dân trồng từ lâu nhưng không tập trung, chủ yếu phục vụ nhu cầu trong gia đình. Khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, loại cây trồng này được người dân trong xóm trồng nhiều. Một số thửa ruộng thiếu nước, bỏ hoang đều được người dân san gạt để trồng chuối. Đến nay, diện tích chuối của xóm là trên 30ha.

Thông thường, chuối được trồng từ tháng 2 Âm lịch và thu hoạch vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Đây cũng là lúc chuối được giá nhất trong năm, những buồng chuối đẹp có thể bán với giá 300 - 400 nghìn đồng (thông thường thì 150 - 200 nghìn đồng/buồng). Trồng chuối không tốn quá nhiều công chăm sóc nhưng đem lại hiệu quả cao, trong xóm có hộ thu về 200 - 300 triệu đồng mỗi năm từ trồng chuối.

Quyết định cải tạo hơn 1ha vườn tạp, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng chuối tiêu hồng, chị Bàn Thị Hồng, ở xóm Chiểm tính toán: Giống chuối này rất dễ trồng, ít sâu bệnh, quả nhiều. Bình quân mỗi ha chuối được thu hoạch 45 - 50 tấn quả. Khi quả chín có màu vàng sáng, hương vị thơm ngon, mẫu mã đẹp hơn so với nhiều giống chuối thông thường. Đặc biệt khi chín, vỏ chuối vẫn dày và cứng nên ít bị hư hỏng, thuận tiện trong vận chuyển đi xa.

Theo giá thị trường hiện nay, trừ chi phí cây giống và công chăm sóc, thu hoạch, mỗi ha chuối tiêu hồng cho thu lãi trên 40 triệu đồng. Năng suất, sản lượng của chuối tiêu hồng tương đối ổn định, cây nào cũng cho quả, không lo mất mùa như những loại cây trồng khác. Ngoài trồng chuối lấy quả, thân chuối còn là nguồn phụ phẩm nông nghiệp, được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi.

Theo nhiều thương lái, bên cạnh mẫu mã đẹp, sáng, quả chuối ở Quân Chu còn có hương vị rất riêng, vị ngọt đậm, thơm ngon hơn so với chuối trồng ở nhiều vùng khác. Vì vậy, mỗi khi đến vụ thu hoạch, thương lái tấp nập tìm đến địa phương để thu mua chuối tiêu hồng.

Ông Đặng Hoàng Nhâm, Chủ tịch UBND xã Quân Chu cho biết: Mặc dù hiệu quả và đang được tiêu thụ tốt, song hiện tại người dân vẫn chủ yếu trồng chuối tự phát. Xã đang nghiên cứu và tìm hiểu, kết nối với một số đơn vị tiêu thụ với mong muốn tìm đầu ra ổn định cho bà con. Trước đây, từng có đơn vị ngỏ ý muốn tiêu thụ 8 - 10 tấn chuối mỗi ngày song vùng nguyên liệu của địa phương vẫn chưa đủ khả năng đáp ứng. Nếu có hợp đồng với giá bao tiêu ổn định, chúng tôi sẽ cân nhắc mở rộng thêm diện tích, đồng thời, hướng dẫn người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào sản xuất, từng bước đưa khu vực trồng chuối ở Quân Chu trở thành vùng sản xuất tập trung./.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Thành lập Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên cả nước

Quảng Nam: Thành lập Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên cả nước

Tỉnh Quảng Nam vừa đưa vào hoạt động Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước. Đây là hoạt động triển khai thực hiện Đề án tổ chức Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia - Quảng Nam 2024 - Chung sống hài hòa với thiên nhiên; đồng thời hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2024 - “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học” và Ngày Quốc tế Bảo tàng 2024 - “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”.