Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc- Tôn giáo

Hiệu quả từ mô hình “Giáo họ bình yên”

Minh Huyền - Ngân Nhi - 19:03, 11/08/2021

“Giáo họ bình yên” là mô hình đã được huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) xây dựng từ nhiều năm qua. Từ đây, đồng bào công giáo đã chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới; tham gia tố giác, đấu tranh với các tệ nạn xã hội. Cuộc sống bình yên như tiếp thêm động lực để bà con giáo dân giáo họ thi đua phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng gia đình no ấm.

Lực lượng công an và linh mục quản xứ, Hội đồng Mục vụ giáo xứ thường xuyên trao đổi, phối hợp bảo đảm ANTT trên địa bàn (Ảnh chụp thời điểm chưa có dịch Covid-19)
Lực lượng công an và linh mục quản xứ, Hội đồng Mục vụ giáo xứ thường xuyên trao đổi, phối hợp bảo đảm ANTT trên địa bàn (Ảnh chụp thời điểm chưa có dịch Covid-19)

Giáo họ Văn Trường thuộc thôn Thọ Đồng, xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu có khoảng 40 hộ dân, nghề nghiệp chủ yếu làm nông nghiệp và đánh bắt hải sản. Những năm qua, được sự tuyên truyền vận động của cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể địa phương, đặc biệt là từ khi xây dựng mô hình “Giáo họ bình yên”, bà con giáo dân giáo họ luôn chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, tình đoàn kết lương-giáo thêm bền chặt.

Để mô hình “Giáo họ bình yên” đi vào hoạt động hiệu quả, Ban Chỉ đạo mô hình của xã Quỳnh Thọ thường xuyên gặp gỡ Hội đồng Mục vụ giáo họ để trao đổi thông tin liên quan đến công tác bảo đảm an ninh trật tự ANNT. Từ đó tạo đồng thuận, phối hợp giữ vững ANTT trên địa bàn xã và giáo họ. Từng hộ gia đình giáo dân ký cam kết thực hiện 7 nội dung tiêu chí xây dựng mô hình với 100% số hộ tham gia. Từ khi mô hình ra đời, đời sống bà con giáo dân ngày càng được cải thiện rõ rệt, không có tội phạm, tệ nạn xã hội; tỷ lệ hộ nghèo giảm, số hộ khá giàu ngày càng tăng lên.

Ông Phan Văn Hoàn, Giáo họ Văn Trường, xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Ở địa bàn này, bà con giáo dân chấp hành nghiêm chỉnh những điều luật nhà nước đưa ra, lương giáo đều sống hòa thuận vui vẻ, đoàn kết. Vào dịp lễ tết, hay khi xảy ra thiên tai, lũ lụt, những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn đều được chính quyền các cấp đến hỏi thăm, giúp đỡ”.

Khuôn viên nhà thờ Giáo xứ Yên Hòa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An)
Khuôn viên nhà thờ Giáo xứ Yên Hòa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An)

Giáo họ Vĩnh Yên, xã An Hòa cũng đã thực hiện mô hình “Giáo họ bình yên” vào đầu năm 2019 với khoảng 70 hộ dân. Qua gần 2 năm triển khai, mô hình đã thực sự phát huy hiệu quả. Trong quá trình xây dựng mô hình này, các tổ tự quản đã duy trì sinh hoạt đều đặn 3 tháng một lần, có sự tham gia đầy đủ của bà con giáo dân. Tại các buổi sinh hoạt, công an viên báo cáo tình hình ANTT trên địa bàn, diễn biến hoạt động của các tội phạm, cảnh báo bà con cảnh giác với luận điệu xuyên tạc, kích động của một số phần tử cực đoan; tuyên truyền các chủ trương mới của xã, xóm; bảo đảm ổn định ANTT trên địa bàn. Bà con giáo dân không tin, không nghe lời kẻ xấu, không bị lôi kéo tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng NTM ở địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, giáo dân Trần Văn Tĩnh thuộc Giáo họ Vĩnh Yên, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu phấn khởi: "Thật mừng là an ninh trật tự của giáo họ rất tốt. Ban hành giáo họ với thôn xóm và các đoàn thể thường xuyên phối hợp động viên, khuyến khích bà con giáo dân phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự”.

Thực tế cho thấy, cùng với linh mục quản xứ, Hội đồng Mục vụ giáo họ Vĩnh Yên đã cùng chung tay giải quyết nhiều vụ việc, mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, xây dựng mối quan hệ đoàn kết yêu thương nhau nên người dân lương-giáo luôn đoàn kết, ủng hộ chính quyền xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, An Hòa đã về đích NTM. Bà con giáo dân đã tích cực hiến đất, tường bao, xây dựng, mở rộng đường giao thông nông thôn. Ở giáo họ Vĩnh Yên, người dân đã hiến hơn 500m tường bao để làm đường giao thông nông thôn rộng 5m. Nhân lực làm đường, làm mương thủy lợi đều do các tổ tự quản điều động, chấm công, bà con ai cũng tham gia nhiệt tình. Từ khi xây dựng mô hình đến nay, tốc độ phát triển kinh tế của giáo họ tăng 15 - 20%.

Bà con giáo dân Quỳnh Lưu hiến đất xây dựng nông thôn mới
Nhiều bà con giáo dân ở Quỳnh Lưu đã tình nguyện hiến đất xây dựng nông thôn mới. (Trong ảnh: Giải phóng mặt bằng để làm đường xây dựng nông thôn mới)

Đánh giá về mô hình “Giáo họ bình yên” tại địa phương, bà Hồ Thị Thỏa, Bí thư Đảng ủy xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu cho rằng: "Chúng tôi đã tổ chức tốt hội nghị xây dựng "Giáo họ bình yên" và xây dựng NTM. Qua 2 năm triển khai phát triển kinh tế của giáo xứ tăng từ 10 - 15%. An ninh trật tự cơ bản ổn định, không có các vụ việc phức tạp xảy ra. Văn hóa xã hội có nhiều khởi sắc đáng khích lệ, tổ chức tốt các ngày lễ lớn, bà con giáo dân sống tốt đời đẹp đạo".

Đến nay, mô hình “Giáo họ bình yên” đã được xây dựng tại nhiều giáo họ thuộc các giáo xứ trên toàn huyện Quỳnh Lưu và đang phát huy hiệu quả tích cực. Từ mô hình “Giáo họ bình yên” đã không có người vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội. Bà con lương giáo đoàn kết, sống hòa thuận, đầm ấm, yên vui.

Theo lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu, với quy chế hoạt động của mô hình “Giáo họ bình yên”, các thành viên đã làm tốt công tác tự quản, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, sống tốt đời, đẹp đạo, kính Chúa, yêu nước; thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và chung tay xây dựng NTM.