Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc- Tôn giáo

Nữ giáo dân Y Trít vượt khó làm giàu

Văn Chiến - Lê Ngọc - 19:21, 06/08/2021

Nhờ lựa chọn hướng đi đúng trong phát triển kinh tế cùng với sự “tiếp sức” từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội, gia đình chị Y Trít, dân tộc Ba Na, một gia đình giáo dân ở giáo phận Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang, TP. Kon Tum (Kon Tum) đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên quê hương.

Chị Y Trít chăm sóc đàn bò của gia đình
Chị Y Trít chăm sóc đàn bò của gia đình

Theo giới thiệu của bà Thảo Ngọc Lan, cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Kon Tum, chúng tôi đến làng Kon Rờ Bàng, là nơi tập trung sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Ba Na. Hỏi thăm nhà chị Y Trít, mấy chị em bán hàng ở cạnh nhà Rông phân công ngay một chị dẫn tôi tới tận nhà Y Trít. Đây là một giáo dân điển hình trong phong trào vượt khó làm giàu .

Dừng tay cắt cỏ cho 4 con bò ăn, chị Y Trít đon đả chạy ra đón chúng tôi. Chị khoe ngay: “Bò của nhà em đây là sản phẩm từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước đấy anh ạ”. Y Trít tâm sự, chị lấy chồng năm 25 tuổi, hai vợ chồng không có gì ngoài 2 sào ruộng của bố mẹ cho làm vốn mưu sinh. Nhà ở thì được bố mẹ cho mượn đất làm ở góc vườn để trú mưa, trú nắng với diện tích chỉ hơn 30m2, cuộc sống thiếu thốn nhiều thứ. Hằng ngày, không quản nắng mưa, vợ chồng chị cần mẫn đi làm thuê, làm mướn đủ nghề kiếm sống qua ngày.

Cuộc sống gia đình chị càng thêm vất vả khi hai đứa con lần lượt chào đời. Khó khăn nhất là các con của chị khi ấy thường ốm đau, có tháng nhập viện 2 - 3 lần, lúc đó chỉ có một mình chồng chị đi làm. Nhiều lúc không có ai thuê, nên gia đình chị phải nhờ bà con hỗ trợ, hoặc trông chờ vào cứu đói của Nhà nước.

Gia đình Y Trít bắt đầu đổi đời từ năm 2013. Khi ấy, gia đình chị thuộc diện hộ rất nghèo, vợ chồng chị mạnh dạn vay vốn của NHCSXH số tiền 30 triệu đồng để nuôi bò lai sinh sản. Với quyết tâm và nghị lực của đôi vợ chồng trẻ, chị cùng chồng là anh A Jui ngày đêm tần tảo, chăm nuôi cho 3 con bò sinh sản mới mua về. Anh chị không ngại khổ, thường xuyên đến nhà thôn trưởng và những gia đình khác trong làng để học hỏi cách làm ăn, chăm sóc đàn bò.

Sau 3 năm, đàn bò nhà chị đã tăng lên 10 con. Năm đó bò có giá, nên gia đình chị bán 6 con bò được 75 triệu đồng để sửa chữa nhà ở cùng một số dụng cụ sinh hoạt thiết yếu trong gia đình và trả hết nợ đúng hạn cho Ngân hàng. Năm 2016, gia đình chị tiếp tục được NHCSXH cho vay mới ở mức cao hơn, với 50 triệu đồng để mở rộng đầu tư, mua thêm đất rẫy, trồng thêm 1.000 cây cà phê và làm công trình nhà vệ sinh, giếng nước phục vụ sinh hoạt gia đình.

Đàn bò của gia đình chị Y Trít
Đàn bò của gia đình chị Y Trít

Gia đình chị Y Trít đã thoát được nghèo, từng bước có cuộc sống ổn định và hướng tới làm giàu. Ở tuổi 35 người phụ nữ dân tộc Ba Na đã có vốn trong tay; có gia đình hạnh phúc, êm ấm bên người chồng và hai cô con gái khỏe mạnh, học giỏi.

Ngoài công việc gia đình, chị còn nhiệt tình, trách nhiệm tham gia các hoạt động khác của xã. Chị được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hằng tháng chị mời thôn trưởng và các tổ viên sinh hoạt định kỳ, đôn đốc các tổ viên nộp lãi đầy đủ, đúng hạn và gửi tiết kiệm qua tổ. Vừa lo sản xuất, chăn nuôi của gia đình, chị vừa phải tìm tòi học hỏi, tạo niềm tin cho tổ viên của mình, thu xếp công việc hợp lý để có sự kết hợp hài hòa giữa gia đình và công tác xã hội. “Phải cần cù trong lao động, sáng tạo, chọn lọc, biết vượt qua các khó khăn, biết đồng cảm, yêu thương mọi người”, chị Y Trít tâm sự.

Anh A Thun là hàng xóm của chị Y Trít cho biết: “Y Trít là tấm gương vượt khó làm giàu của làng mình đó, mọi người phải học theo cô ấy thôi”. Còn linh mục Nguyễn Phú Quý, phụ trách Giáo xứ Kon Rờ Bàng thì nhận xét: “Đồng bào công giáo trong làng luôn phấn đấu vươn lên trong sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo. Chị Y Trít là một điển hình cho bà con trong làng, nhất là những gia đình trẻ noi gương, học tập”.

Từ một gia đình nghèo khó, chị Y Trít đã phát huy đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, tích cực lao động sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống gia đình, đồng thời, vận động các gia đình giáo dân trong làng cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp sức phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Tin cùng chuyên mục
Gia Lai: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn

Gia Lai: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn

Ngày 28/2, tại Tp. Pleiku (Gia Lai), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai tổ chức gặp mặt chức sắc, chức việc đại diện các tôn giáo nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn, năm 2024. Tham dự có các vị chức sắc, chức việc đại diện cho 5 tôn giáo chính trên địa bàn tỉnh Gia Lai.