Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hiệu quả từ mô hình hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao

Như Lan - 10:36, 15/12/2020

Trong những năm gần đây, hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến (Phường 12, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đã không ngừng nỗ lực áp dụng KHKT vào sản xuất. Sự năng động đã tạo được thương hiệu, chỗ đứng cho sản phẩm nông nghiệp của HTX, góp phần nâng cao đời sống cho xã viên và các hộ dân liên kết.

Ông Mai Văn Khẩn trực tiếp kiểm tra, chăm sóc sản phẩm nông nghiệp của HTX
Ông Mai Văn Khẩn trực tiếp kiểm tra, chăm sóc sản phẩm nông nghiệp của HTX

Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến, Mai Văn Khẩn cho biết: Với nhu cầu liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các hộ nông dân, năm 2009 bản thân tôi cùng 12 thành viên trong nhóm tiến hành xây dựng Tổ hợp tác rau củ quả. Đến năm 2012, chúng tôi mở rộng quy mô hoạt động thành HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến. Và năm 2016, chúng tôi chuyển đổi mô hình hoạt động kiểu mới theo Luật HTX 2012, tăng lên 20 hộ thành viên...

Sau khi thành lập, số thành viên trong HTX đã tăng lên 20, với tổng diện tích đất canh tác của các thành viên lên tới 40 ha, cùng 80 ha liên kết các hộ nông dân, với trên 50 loại sản phẩm.

Để phát triển bền vững, HTX đã thực hành 5 giải pháp: Cải tạo đất bằng các chế phẩm sinh học hữu cơ; mở rộng hệ thống tưới nhỏ giọt; đảm bảo vườn ươm cây giống sạch từ vật liệu giá thể, nguồn nước đến các thiết bị, máy móc vận hành; nâng cao kiến thức và kỹ thuật sản xuất cho người lao động; thường xuyên tập hợp hộ thành viên để chuyển giao quy trình sản xuất công nghệ cao gắn với thị trường.

Đồng thời, hàng năm các hộ thành viên HTX đều được các đơn vị chuyên ngành nông nghiệp tập huấn, chuyển giao các quy trình kỹ thuật sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP như: chuyển đổi giống mới, canh tác trên giá thể, sử dụng hệ thống tự động tưới phun mưa, nhỏ giọt, không làm xói mòn đất… Sản phẩm trước khi đưa ra thị trường đều dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc rõ ràng, cam kết đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng.

Hiện nay, HTX không áp dụng trồng rau màu trong nhà kính toàn bộ. Chỉ một phần diện tích được trồng một số loại rau có giá trị cao được đầu tư nhà kính như cải bó xôi, rau bina, dưa chuột, đậu Hà Lan, dưa lưới, còn những loại rau thông thường như rau cải, dền, bắp cải, cà rốt, hành tây, các loại rau gia vị… được trồng ở điều kiện thời tiết bình thường và áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đến nay, ngoài 20 thành viên, HTX còn liên kết với 30 hộ dân trên địa bàn cùng nhau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 12.000 tấn rau củ các loại. Được biết, tất cả quy trình sản xuất của HTX đều được ghi chép cụ thể để các nhà quản lý và khách hàng có thể nắm bắt. HTX cung cấp rau theo các đơn đặt hàng hàng ngày hoặc hàng tuần; sản phẩm được sơ chế, đóng gói và có nguồn gốc truy xuất rõ ràng.

Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp cho ra thị trường của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến đều đạt chuẩn VietGap, tạo được niềm tin và sự hài lòng của khách hàng. Sản phẩm rau sạch của HTX đã mở rộng thị trường tiêu thụ vào các hệ thống siêu thị lớn, siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, và các chợ đầu mối trên toàn quốc với sản lượng hàng năm bình quân 2.000 tấn, với tổng thu nhập bình quân 300 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân người lao động 7 - 8 triệu đồng/tháng.

Trong thời gian tới Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến sẽ mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất đối với HTX hiện có tăng sản lượng hàng năm lên 2.600 đến 5.000 tấn. Bên cạnh đó, tìm kiếm các giống sản phẩm nông nghiệp mới phù hợp với thổ nhưỡng để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao thu nhập, ổn định đầu ra cho các thành viên và hộ nông dân liên kết yên tâm sản xuất.

"Nguyện vọng của toàn thể thành viên HTX Tân Tiến đến năm 2025 sẽ chuyển đổi toàn bộ 40 ha diện tích rau VietGAP hiện có sang áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ". - Chủ tịch HĐQT HTX Mai Văn Khẩn cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Nuôi hươu sao - Mô hình kinh tế mới ở huyện biên giới Ia H’Drai

Nuôi hươu sao - Mô hình kinh tế mới ở huyện biên giới Ia H’Drai

Huyện biên giới Ia H’Drai (Kon Tum) có hơn 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống; đa phần người dân đều làm công nhân cho các Công ty cao su trên địa bàn huyện. Tận dụng thời gian nhàn rỗi, nhiều hộ dân đã quyết định đầu tư vào mô hình nuôi hươu sao và chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu để kiếm thêm thu nhập, hướng đến làm giàu trên vùng đất khó.