Chị Quàng Thị La (dân tộc Thái) ở bản Na Phát A, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông cho biết: Trước đây, phần lớn chị em trong bản bị hạn chế về kiến thức sinh sản và làm mẹ, chuyện phụ nữ mang thai và sinh nở được coi là bình thường. Trong thời kỳ mang thai, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi hay khám thai định kỳ sau khi sinh con, chị em vẫn phải đi nương lao động. Quá trình mang thai và chăm sóc con hầu như cũng không được bổ sung vi chất dinh dưỡng mà chỉ ăn uống bình thường… Vì vậy, trẻ em ở bản hay bị ốm, thấp còi và nhẹ cân.
May mắn đến với chị La khi quá trình mang thai và chăm sóc 2 con, chị đều được tham gia là thành viên chương trình “Vì sự sống còn của trẻ em”, do tổ chức quốc tế UNICEF tại Việt Nam phối hợp với Sở Y tế Điện Biên triển khai, thực hiện. Tại đây, chị được tư vấn, trang bị những kiến thức cơ bản, khoa học về chăm sóc, quản lý thai kỳ, sinh nở an toàn và những chế độ dinh dưỡng hợp lý cho con…
“Hai cháu đều được sinh tại Trạm y tế xã và được các nhân viên y tế quan tâm, chăm sóc chu đáo. Định kỳ, các cháu được uống bổ sung vitamin A, tẩy giun. Đặc biệt, qua hoạt động theo dõi sự tăng trưởng thể chất định kỳ (chiều cao, cân nặng của trẻ), gia đình được tư vấn kịp thời, hướng dẫn cách sử dụng các loại thực phẩm sẵn có để cung cấp đa dạng vitamin và vi chất dinh dưỡng cần thiết”, chị La chia sẻ.
Chị Lò Thị Tình, nhân viên y tế xã Na Son, huyện Điện Biên Đông kể: Từ khi tiếp cận và nghiên cứu mô hình “Vì sự sống còn của trẻ em”, những nhân viên y tế xã và các cô đỡ thôn bản như chị được “làm mới” tư duy chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; tập huấn tiếp cận kỹ năng truyền thông vận động, thay đổi nhận thức cộng đồng trong phòng, chống suy dinh dưỡng (SDD); Chủ động nắm bắt quản lý và theo dõi các đối tượng mang thai thông qua sổ theo dõi và lịch khám thai định kỳ.
Mô hình cũng thúc đẩy các hoạt động truyền thông nhằm khuyến khích phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và các bà mẹ đang nuôi con nhỏ sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng … Hay hỗ trợ một phần can thiệp, thông qua chương trình quản lý SDD cấp tính.
Bác sĩ Ðoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ðiện Biên cho biết: Qua đánh giá sơ bộ sau hơn bốn năm (2016-2020) triển khai các hoạt động cải thiện SDD cấp tính tại vùng trẻ em DTTS thuộc 4 huyện vùng cao tỉnh Ðiện Biên gồm Tủa Chùa, Tuần Giáo, Ðiện Biên Ðông và Mường Chà, do 2 tổ chức quốc tế Tầm nhìn thế giới và UNICEF tại Việt Nam triển khai, đã góp phần nâng cao thể lực và sức khỏe trẻ em. Các chỉ số suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi được cải thiện rõ rệt, theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ giảm từ 18% (năm 2017) xuống 16% (năm 2020); suy dinh dưỡng thấp còi giảm từ 45% (năm 2017) xuống 41% (năm 2020).
Đặc biệt, đối với các cháu bị suy dinh dưỡng nặng cấp tính bổ trợ các sản phẩm tăng cường đa vi chất để cải thiện các chỉ số SDD. Đối với cách cháu bị SDD nhẹ, qua hỗ trợ, tư vấn trang bị kiến thức cho bà mẹ tạo ra những bữa ăn dinh dưỡng, hợp lý cũng làm cải thiện tình trạng SDD ở trẻ.
“Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh biên giới, nguồn lực đầu tư cho y tế gặp nhiều khó khăn, do vậy thời gian tới, Điện Biên mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, các tổ chức quốc tế, mở rộng quy mô và đối tượng thụ hưởng chương trình cải thiện dinh dưỡng trẻ em; đồng thời kêu gọi xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng DTTS”, ông Đoàn Ngọc Hùng chia sẻ.