Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em DTTS và miền núi: Thực trạng đáng lo ngại (Bài 1)

Thúy Hồng - 09:30, 10/03/2020

Trong những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều chương trình, dự án phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em và đã đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng vùng DTTS và miền núi vẫn đang chiếm tỉ lệ cao so với trung bình cả nước. Việc thiết lập một chương trình riêng làm thay đổi tích cực tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ em ở vùng DTTS và miền núi là thực sự cần thiết.

Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em DTTS và miền núi chiếm tỷ lệ cao
Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em DTTS và miền núi chiếm tỷ lệ cao

Thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, nhiều chương trình, dự án về dinh dưỡng đã được Nhà nước trực tiếp đầu tư và nhiều dự án hợp tác quốc tế được mở rộng. Điều đó đã cải thiện tình trạng dinh dưỡng người dân một cách rõ rệt. Tuy nhiên, thực trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, đặc biệt trẻ em vùng DTTS và miền núi vẫn còn ở mức cao.

Thấy gì từ những con số?

Mường Nhé là một trong những huyện nghèo của tỉnh Điện Biên, đời sống dân sinh của đồng bào các dân tộc trong huyện còn thấp so với mặt bằng chung của địa phương. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 1.380 trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng theo cân nặng, chiếm tỷ lệ trên 21%; Hơn 2.100 trẻ bị suy dinh dưỡng theo chiều cao, chiếm tỷ lệ trên 32% tổng số trẻ toàn huyện.

Theo bác sĩ Lò Văn Sen, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé, do điều kiện sinh sống của người dân khó khăn, chất lượng cuộc sống của trẻ em rất thấp. Các bữa ăn hằng ngày chỉ có rau rừng, măng rừng, không có đủ các chất dinh dưỡng để cải thiện, nâng cao được thể trạng và thể lực.

Tại Kon Tum, mặc dù các ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp để cải thiện dinh dưỡng cho mẹ và bé, khám thai định kỳ khi có thai cho bà mẹ, nhưng hiệu quả chưa cao. Theo số liệu khảo sát của Viện Dinh dưỡng Việt Nam năm 2018, tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi là 22,2%, chiều cao/tuổi là 37,4%. Kết thúc năm 2019, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn ở mức 20%.

Điện Biên và Kon Tum chỉ là 2 trong số các địa phương có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao trên cả nước. Theo Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới, hiện nay Việt Nam là một trong số 34 quốc gia trên toàn cầu phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng trẻ em. Trong số 1,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng có khoảng 1/3 trẻ em DTTS thiếu dinh dưỡng thể thấp còi, tỷ lệ này cao gấp 2 lần so với trẻ em người Kinh. Đáng chú ý, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở nhóm DTTS rất ít người còn ở mức cao như dân tộc Chứt là 40%, Si La: 21,7%; Bố Y: 35%; La Ha: 20%, Brâu, Rơ Măm: 29,87%; Ơ-đu: 12%; Lô Lô: 16,91%.

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) khám sức khỏe cho trẻ em.
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) khám sức khỏe cho trẻ em.

Giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng vẫn đang gặp khó

Thực hiện Chiến lược phát triển dinh dưỡng quốc gia được Chính phủ ban hành từ năm 2001, cả nước đặt mục tiêu mỗi năm giảm 1,5%; phấn đấu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 26% vào năm 2015 và giảm tiếp xuống còn 23% vào năm 2020. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống 15% vào năm 2015 và giảm xuống 12,5% vào năm 2020. Theo số liệu thống kế mới nhất đến năm 2017, còn 24% trẻ em dưới 5 tuổi thấp còi.

Mặc dù nhìn vào các số liệu báo cáo kết quả dinh dưỡng hằng năm có thể thấy, chỉ số dinh dưỡng cơ bản đạt được mục tiêu của Chiến lược đề ra, nhưng theo cam kết mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam với Liên Hợp quốc đến năm 2025 Việt Nam phải giảm 40% tỷ lệ trẻ thấp còi. Đây vẫn là một khoảng cách khá lớn.

“Nguyên nhân một phần do ngân sách đầu tư còn hạn chế, đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng ở cả cộng đồng, trường học và trong bệnh viện còn thiếu, nhận thức về chế độ dinh dưỡng chưa đúng mức… Mặt khác từ năm 2016, hỗ trợ kinh phí của quốc tế cho các hoạt động về dưỡng đối với Việt Nam đã bị giảm dần. Đây là những tác động xấu ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện Chiến lược phát triển dinh dưỡng quốc gia”, Tiến sĩ Huỳnh Nam Phương chuyên gia dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam cho biết.

Cũng theo bà Phương, để cải thiện tình trạng này; cần phải có sự đầu tư liên ngành, mở rộng các mức can thiệp tại các tỉnh khó khăn, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi, tránh đầu tư dàn trải để mang lại hiệu quả thiết thực.

Từ thực tế cho thấy, việc thiết lập một chương trình riêng cho việc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ em ở vùng DTTS và miền núi là thực sự cần thiết...

Tin cùng chuyên mục
Hiểm họa từ rác thải điện tử

Hiểm họa từ rác thải điện tử

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang đến những tiện ích vượt bậc cho đời sống và sinh hoạt của con người, đồng thời cũng kéo theo hệ lụy về rác thải điện tử. Rác thải điện tử đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người, có nguy cơ cao gây ra những hậu quả khôn lường nếu không có các giải pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý rác thải điện tử.