Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hiệu quả từ mô hình trồng na Thái trên đất đồi

Hà Ngọc Khang - 11:00, 29/10/2021

Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, những năm qua, nhiều hội viên Hội Nông dân trên địa bàn huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa giống cây, con mới vào sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu là mô hình trồng na Thái trên đất đồi của gia đình anh Ngô Đình Minh, ở thôn Phúc Sơn, xã Vạn Ninh.

Anh Ngô Đình Minh chăm sóc vườn na Thái
Anh Ngô Đình Minh chăm sóc vườn na Thái

Được sự giới thiệu của Hội Nông dân huyện Quảng Ninh, chúng tôi đến thăm mô hình trồng na Thái của gia đình anh Ngô Đình Minh khi anh đang tiến hành thu hoạch lứa na thương phẩm đầu tiên. Đây là thành quả lao động của ông chủ vườn sau hơn 3 năm tâm huyết với cây na Thái.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm kinh tế vườn đồi, bố anh Minh là ông Ngô Đình Hòa đã từng có hơn 30 năm kinh nghiệm trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả trên đất đồi Vạn Ninh. “Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của nghề làm vườn đồi, bố tôi không muốn con theo nghiệp của ông mà định hướng theo học ngành du lịch. Nhưng dường như duyên nợ với cây, với vườn đồi đã ngấm vào tôi. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Huế- Khoa Du lịch vào năm 2016, tôi đã từng bươn chải làm nhiều công việc tại thành phố Đà Nẵng, đến năm 2018, tôi quyết định về quê lập nghiệp, theo đuổi phát triển nghề truyền thống kinh tế vườn đồi của gia đình”, anh Minh chia sẻ.

Bằng tư duy dám nghĩ, dám làm của một người trẻ tuổi và qua tìm hiểu học hỏi trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh Minh đã mạnh dạn đưa giống na Thái vào thay thế một số loại cây trồng hiệu quả thấp đang trồng trong vườn. Mới đầu, anh thử nghiệm trồng 300 gốc na Thái kết hợp với 300 gốc bưởi da xanh trên 1 ha đất. Quá trình chăm sóc, nhận thấy cây na Thái phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng đồi, còn bưởi da xanh kém phát triển nên anh chuyển hẳn sang trồng thêm 300 gốc na Thái. Sau 3 năm chăm bón, cây na Thái sinh trưởng phát triển tốt, đến năm 2021, vườn na Thái của gia đình đã cho lứa thu hoạch chính vụ đầu tiên. Với sản lượng khoảng 1,2-1,5 tấn na thương phẩm, bình quân mỗi quả có trọng lượng từ 0,3 đến hơn 1 kg, giá bán khoảng 70.000 đồng/kg, anh Minh có thu nhập trên 100 triệu đồng”.

Vụ thu hoạch đầu tiên, anh Minh đã thu hoạch được khoảng 1,5 tấn na thương phẩm, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng
Vụ đầu tiên, anh Minh đã thu hoạch được khoảng 1,5 tấn na thương phẩm, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng

Hiện nay, trên 2 ha đất vườn đồi, anh Ngô Đình Minh sở hữu 600 gốc na Thái trên 3 năm tuổi đã cho thu hoạch và khoảng 500 gốc na khác cũng đã hơn 1 năm tuổi. Anh đang tiến hành chăm bón để có thể cho thu hoạch lứa trái vụ vào dịp Tết nguyên đán sắp tới, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng na Thái của anh Ngô Đình Minh không những mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho 2 lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Ông Lê Ngọc Huân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Ninh cho biết: “Trên địa bàn huyện Quảng Ninh có diện tích đất vườn đồi khá lớn. Cùng với phát triển các loại cây ăn quả khác, Hội Nông dân huyện cũng đã tuyên truyền, vận động và hỗ trợ hội viên cùng tham quan, học tập kinh nghiệm từ mô hình trồng na Thái của anh Ngô Đình Minh để nhân rộng, giúp hội viên nâng cao thu nhập”.

Trong thhời gian tới, cùng với việc tiếp tục nhân rộng mô hình trồng na Thái, anh Minh dự định sẽ quy hoạch, xây dựng bài bản vùng trồng na tập trung và các loại cây ăn quả khác để mở tour du lịch sinh thái vườn đồi-vườn rừng, kết hợp thưởng thức các loại sản phẩm trái cây tại vườn.

Tin cùng chuyên mục
Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Ninh Thuận là nơi có lượng mưa thấp nhất trong cả nước. Sản xuất nông nghiệp luôn gặp tình trạng khô hạn, thiếu nước, ảnh hưởng lớn đến cây hoa màu. Với khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất khô hạn, anh Lưu Trường Lâm, dân tộc Chăm, chủ cơ sở Farm Bazô đã chủ động chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng cây tre lấy măng. Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của cơ sở Farm Bazô mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết được nỗi lo của người nông dân sinh sống ở vùng đất nắng.