Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Hồ thủy lợi Mậu Lâm cạn trơ đáy: Không lo nạo vét, chỉ tận thu cát sỏi!

Quỳnh Trâm - 10:01, 11/08/2020

Hồ Mậu Lâm ở huyện Như Thanh (Thanh Hóa) là hồ thủy lợi, cung cấp nước cho hàng trăm ha đất nông nghiệp. Nhưng do dự án nạo vét chậm tiến độ, cùng với đó là nắng nóng kéo dài khiến hồ cạn trơ đáy, người dân thiếu nước sản xuất nghiêm trọng.

Hồ Mậu Lâm - nguồn cung cấp nước tưới cho hàng trăm ha lúa của Như Thanh trơ đáy, nứt toác
Hồ Mậu Lâm - nguồn cung cấp nước tưới cho hàng trăm ha lúa của Như Thanh trơ đáy, nứt toác

Hồ Mậu Lâm là một trong những hồ thủy lợi lớn nhất của huyện Như Thanh, cung cấp nguồn nước tưới tiêu chính cho hàng trăm ha đất nông nghiệp ở xã Mậu Lâm và xã Phú Nhuận. 

Sau nhiều năm hồ bị bồi lắng ảnh hưởng đến khả năng trữ nước, tháng 2/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho Công ty Trường Minh nạo vét lòng hồ. Công ty này cũng được phép nạo vét khe suối Ông Ai có chiều dài 1,7km (nguồn nước chính dẫn về hồ) và khe Trắng dài gần 1,3km (vùng hạ lưu tràn xả lũ) để thông dòng chảy và khả năng tiêu thoát lũ, cũng như giảm bồi lắng, xói lở ở hai bên bờ khe.

Dự án được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư và được phép tận thu cát, sỏi khi nạo vét. Tuy nhiên, sau 3 năm, lòng hồ Mậu Lâm vẫn chưa được nạo vét. Hai tháng qua, nắng nóng kéo dài, trời không mưa khiến hồ cạn trơ đáy, nứt toác. Mực nước cuối cùng cũng đã bị rút cạn. 

“Hồ nước cạn kiệt đã cắt đứt nguồn nước tưới tiêu của người dân. Hàng trăm ha đất ruộng không thể gieo cấy, còn những diện tích đã gieo thì chết khô vì thiếu nước. Năm nay, chúng tôi phải đối mặt với nguy cơ mất mùa”, bà Lô Thị Chi, xã Mậu Lâm nói. 

Đáng nói là, dù không tiến hành nạo vét lòng hồ nhưng Công ty Trường Minh lại đưa máy móc tới những vị trí có cát, sỏi ở suối Ông Ai (thuộc thôn Cầu Hồ, xã Mậu Lâm) để hút cát bán, khiến người dân hai xã Phú Nhuận và Mậu Lâm bất bình. 

“Dự án nạo vét hồ mãi không thấy thực hiện, nhưng nhà thầu thi công cứ tập trung hút cát, sỏi ngoài suối mang đi bán. Xe ô tô tải trọng lớn ra vào chở cát, sỏi khiến đường hư hỏng, gây bụi bặm cho người dân sống hai bên đường. Thậm chí, Công ty này chưa thực hiện nạo vét lòng hồ mà đã ngăn dòng suối Ông Ai dẫn tới hồ Mậu Lâm gây cạn nước, không đủ nước cung cấp khiến hàng trăm ha đất gieo cấy của hai xã phải bỏ không”, một người dân bức xúc nói.

Theo ông Vũ Hữu Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Như Thanh, hiện tiến độ dự án nạo vét lòng hồ thủy lợi Mậu Lâm do Công ty Trường Minh triển khai mới đạt được 7% khối lượng.

“Tiến độ của dự án quá chậm, Phòng cũng đã nhiều lần làm việc, đôn đốc Công ty phải đẩy nhanh tiến độ. Thế nhưng, cái khó là quyết định của tỉnh không phân kỳ, không có kế hoạch nạo vét cụ thể theo từng năm để cơ quan chức năng giám sát, đôn đốc, xử lý nếu họ không thực hiện, mà chỉ ghi chung chung là 5 năm, nên huyện không có căn cứ để xử lý, bởi thời gian thực hiện dự án của họ vẫn còn”, ông Tuấn cho hay. 

Tại kỳ họp HĐND huyện vừa qua, cử tri xã Phú Nhuận và Mậu Lâm đã liên tục phản ánh về vấn đề này. Ngay sau đó, UBND huyện Như Thanh đã làm việc với Công ty Trường Minh để yêu cầu Công ty có giải pháp đẩy nhanh tiến độ. Huyện đã yêu cầu Công ty phải thực hiện nạo vét ngay hồ Mậu Lâm và phải xong trước 30/8. 

“Nếu sau ngày này, Công ty không có động thái thực hiện sẽ báo cáo tỉnh cho tạm dừng, thu hồi dự án”, ông Tuấn nói.

Cái khó là quyết định của tỉnh không phân kỳ, không có kế hoạch nạo vét cụ thể theo từng năm để cơ quan chức năng giám sát, đôn đốc, xử lý nếu họ không thực hiện, mà chỉ ghi chung chung là 5 năm, nên huyện không có căn cứ để xử lý, bởi thời gian thực hiện dự án của họ vẫn còn”.

Ông Vũ Hữu Tuấn Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Như Thanh

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.