Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Tìm giải pháp cho nông sản bị ùn ứ

Trọng Bảo - 10:09, 07/02/2020

Do ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (nCoV), nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam bị ùn ứ vì không xuất khẩu được sang Trung Quốc. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang khẩn trương tìm giải pháp cho vấn đề này.

Lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu đang hướng dẫn các xe tập kết bảo đảm an ninh trật tự
Lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu đang hướng dẫn các xe tập kết bảo đảm an ninh trật tự

Thanh long, dưa hấu tắc ở cửa khẩu

Tại khu vực Cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành (Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, tỉnh Lào Cai) hiện đang có hàng trăm container thanh long nằm tắc tại đây. Anh Trần Hồng Phong, lái xe chở thanh long từ Bình Thuận cho biết: “Hơn 1 tuần ăn trực nằm chờ tại đây khiến tôi và nhiều anh em lái xe như ngồi trên đống lửa. Chi phí ăn uống hằng ngày, rồi tiền thuê máy phát bảo quản thanh long rất tốn kém. Hơn thế nữa, bây giờ nằm đây cũng không biết khi nào thì xuất được hàng, thanh long bị hỏng thì không biết phải làm thế nào”.

Ông Trần Anh Tú, Chi cục phó Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lào Cai thông tin: Tính đến hết ngày 4/2 (tức ngày 10 tháng Giêng), tại khu vực Cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành có khoảng gần 200 container tương đương hơn 3.000 tấn thanh long đang nằm ùn ứ. Đây là số thanh long của thương lái phía Trung Quốc mua tại các nhà vườn ở các tỉnh Bình Thuận, Long An, Vĩnh Long…; sau đó thuê các đơn vị vận tải phía Việt Nam chở hàng và làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu, giao hàng tại chợ đầu mối nông sản trong nội địa phía Trung Quốc. Do ảnh hưởng của dịch viêm phổi do nCoV, phía Trung Quốc tăng cường kiểm soát chống dịch nên tạm ngưng hoạt động của chợ đầu mối nông sản này, do vậy thanh long mua từ bên Việt Nam về Trung Quốc tạm thời bị ứ đọng, chưa xuất đi được.

Không chỉ ở Lào Cai, tại Lạng Sơn, đến nay, có khoảng 200 chiếc xe container chở các mặt hàng chủ yếu thanh long, dưa hấu xuất sang Trung Quốc phải nằm chờ tại bãi xe cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn.

Khẩn trương tìm giải pháp

Trước tình trạng nông sản bị ùn ứ, hiện nay các cơ quan chức năng đang tích cực tìm giải pháp để hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại cho người dân. Theo đó, chiều 3/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chủ trì hội nghị với đại diện các tỉnh biên giới phía Bắc, các tỉnh phía Nam và các hiệp hội, ngành hàng để đánh giá tác động của dịch nCoV đối với thương mại nông lâm sản, thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, dịch bệnh ảnh hưởng toàn diện đến các hoạt động xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc, dự báo có thể kéo dài 6 - 8 tháng. Để ứng phó với tình trạng này, Bộ công Thương vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính cùng vào cuộc, rà soát các loại thuế, nhất là phí vận chuyển đường bộ, thuế với nhiên liệu máy bay... để xem xét giảm thuế, phí cho hàng hóa lưu thông trong giai đoạn hiện nay”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, tác động từ dịch bệnh viêm phổi cấp với các mặt hàng nông sản đòi hỏi các địa phương tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp. Đối với dưa hấu, các tỉnh ngừng xuống giống và chuyển sang các loại cây trồng khác, giảm áp lực tiêu thụ trong những tháng tới. Còn đối với quả thanh long, Bộ trưởng NN&PTNT đề nghị, các địa phương chủ động họp bàn với các doanh nghiệp thu mua, cơ sở chế biến thống nhất giải pháp xúc tiến thương mại, nâng công suất chế biến. 

Sáng 5/2, cơ quan hải quan hai nước đã thống nhất việc thông quan hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). 14h chiều 5/2, những container nông sản đầu tiên đã được “giải cứu” sau nhiều ngày mắc kẹt tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị do dịch nCoV.

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.