Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hoà Bình: Vùng đồng bào DTTS nâng cao sức mạnh sản xuất từ mô hình hợp tác xã

Hồng Phúc - 09:47, 01/11/2021

Những năm qua, người dân ở tỉnh Hòa Bình, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã từng bước khai thác thế mạnh của địa phương, nâng cao đời sống. Từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nay người dân đã chủ động liên kết bằng việc thành lập các hợp tác xã (HTX) để tạo sức mạnh trong sản xuất, ứng dụng công nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Xã viên bên vườn trồng củ cải Hàn Quốc ở HTX Rau an toàn Quyết Chiến
Xã viên bên vườn trồng củ cải Hàn Quốc ở HTX Rau an toàn Quyết Chiến

Phát triển nhân rộng mô hình HTX

Hòa Bình là tỉnh miền núi phía Bắc, có trên 70% là đồng bào DTTS sinh sống, đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ khi tỉnh phát triển, nhân rộng mô hình HTX, đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng cao.

Xã Quyết Chiến (huyện Tân Lạc) là vùng đặc biệt khó khăn với tổng diện tích đất tự nhiên là 2.681ha, trong đó đất nông nghiệp có 2.500 ha. Xã có tới 99,9% là đồng bào dân tộc Mường, còn lại là dân tộc Thái, Kinh. Trước đây, cuộc sống của người dân xã Quyết Chiến gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn do sản xuất manh mún, lạc hậu, tự cung, tự cấp.

Năm 2008, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật đã đầu tư hỗ trợ bà con trồng thử nghiệm su su lấy ngọn, với diện tích 0,5 ha. Sau 3 tháng trồng thử nghiệm, với khí hậu mát mẻ quanh năm, đã tạo ra sản phẩm rau su su sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao nên được người dân mở rộng diện tích trồng. 

Tuy nhiên, việc tiêu thụ rau su su của Quyết Chiến cũng gặp rất nhiều khó khăn và giá cả bấp bênh, nhất là ở thị trường Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, trong khi, su su là cây trồng chủ lực trong sản xuất. Yếu tố giá thành và những trở ngại trong tiêu thụ đã gây lực cản lớn đối với việc duy trì và phát triển cây trồng này.

Đến tháng 4/2017, HTX Rau an toàn Quyết Chiến được thành lập, với 39 thành viên tham gia.  Nhờ những ưu thế về điều kiện tiểu vùng khí hậu lạnh, đất đai tốt, cùng với mô hình HTX kiểu mới ra đời, đã giúp bà con tiêu thụ rau su su với giá cả ổn định. Hiện nay, HTX Rau an toàn Quyết Chiến đã và đang mở rộng, phát triển rất nhanh, đem lại thu nhập ổn định cho 53 hộ thành viên, lợi nhuận trên đất canh tác đạt 400 triệu đồng/ha mỗi năm.

Theo xã viên HTX, để tăng lợi nhuận, tất cả rau trồng ở đây đều là rau trái vụ. Su su ở dưới xuôi thường được trồng để thu hoạch quả, nhưng nông dân ở Quyết Chiến trồng su su chỉ để lấy ngọn. Vào năm 2020, vườn trồng su su rộng 1ha, cho thu hoạch trung bình 4 tạ ngọn, xuất bán cho HTX với giá 5.000 đồng/kg, thu về được 2 triệu đồng. Mỗi tháng, riêng tiền bán ngọn su su của gia đình đã lên tới 60 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận còn lại 38 triệu đồng.

Sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị

Cũng phát huy vai trò của HTX trong phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS ở Hòa Bình, hiện có một số mô hình chuỗi giá trị cây ăn quả có múi hiệu quả cao. Đơn cử như mô hình của HTX NN&TM Mường Động (xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi). Nhờ tổ chức sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị, mà những năm qua sản phẩm cây ăn quả có múi của HTX được tiêu thụ ổn định, có giá trị kinh tế cao hơn.

Thành viên của HTX Mường Động có tới 90% là người dân tộc Mường và dân tộc Tày, tập trung ở các xã Tú Sơn, Vĩnh Tiến, Bình Sơn, Đú Sáng. Trong chiến lược phát triển của mình, HTX đã đáp ứng 100% nhu cầu về giống cây ăn quả có múi của thành viên, chất lượng giống đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định; dịch vụ, cung ứng ít nhất 80% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo nhu cầu của thành viên; đồng thời, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả.

HTX giúp sản phẩm nông nghiệp nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường.
HTX giúp sản phẩm nông nghiệp nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường.

Chị Hà Thị Mến, dân tộc Mường, thành viên HTX Mường Động chia sẻ, khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất được HTX hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và cho mượn thiết bị tưới tiêu. Nhờ vậy, sản phẩm cây ăn quả có múi được chăm sóc theo đúng quy trình, tiêu chuẩn, được HTX bao trọn đầu ra. Mỗi năm gia đình chị có thu nhập hơn 90 triệu đồng.

Bà Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hoà Bình đánh giá, sự ra đời của các HTX vùng đồng bào DTTS đã cải thiện, nâng cao đời sống của Nhân dân. HTX có vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, góp phần tạo sự ổn định về chính trị, xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế địa phương. 

Theo kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, HTX ở Hòa Bình, định hướng năm 2022, kinh tê tập thể sẽ phát triển hiệu quả và bền vững; có quy mô lớn hơn, đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành nghề, lĩnh vực, thành phần kinh tế và địa bàn, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn; ưu tiên xây dựng chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm của HTX. 

Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng kế hoạch củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực sản xuất, sức cạnh tranh, năng lực thích ứng của tổ chức kinh tế tập thể, HTX trong tình hình mới. Đồng thời, tăng cường vai trò nòng cốt của kinh tế tập thể, HTX trong các hoạt động tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.