Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nông dân Ninh Thuận làm giàu từ cây măng tây

Mạnh Hà - 14:34, 18/10/2021

Nhờ hiệu quả kinh tế của cây măng tây mang lại mà đời sống của người nông dân ở Ninh Thuận không ngừng được nâng cao. Hiện tại, đây là loại cây được tỉnh ưu tiên khuyến khích mở rộng diện tích trồng.

Ninh Thuận có tiềm năng, lợi thế hàng đầu về phát triển măng tây xanh.
Ninh Thuận có tiềm năng, lợi thế hàng đầu về phát triển cây măng tây xanh.

Cùng với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu đặc thù, Ninh Thuận được đánh giá là địa phương có nhiều điều kiện thích hợp để trồng măng tây so với cả nước. Do đó, từ 2ha trồng thí điểm ban đầu, đến nay toàn tỉnh đã có hàng trăm ha. Loại cây này được trồng nhiều nhất ở các địa phương của huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Sơn và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Hiện, trên địa bàn tỉnh có nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác cùng liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo ra chuỗi giá trị cho cây măng tây.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận thông tin, có nhiều mô hình măng tây được trồng theo hướng an toàn. Người trồng chủ yếu là xã viên của các HTX. Nhiều mô hình măng tây xanh đã tạo được sự liên kết bền chặt theo hướng đôi bên cùng có lợi giữa các xã viên với HTX, giữa HTX với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Điển hình là sự liên kết giữa HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú với Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến (ở xã An Hải, huyện Ninh Phước). Ông Hùng Ky - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú  cho biết, HTX có 64 xã viên tham gia trồng măng tây xanh với diện tích 42ha. Kinh phí để đầu tư cho 1ha măng khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, vốn đầu tư không phải là trở ngại bởi định hướng phát triển cây trồng này đã được tỉnh đưa ra rất bài bản và khoa học.

Hiện nay, vấn đề liên kết sản xuất và tiêu thụ măng tây khá ổn định. Cứ khoảng 1 sào cây măng tây xanh cho thu hoạch từ 5-7kg/ngày và đem ra thị trường với giá bán từ 50.000 - 65.000 đồng/kg tùy loại. Như vậy, trung bình mỗi ha măng tây xanh trong thời kỳ thu hoạch, sau khi trừ các chi phí, người nông dân sẽ có lãi khoảng từ 300-500 triệu đồng/năm. Đây là mức thu nhập cao và tương đối ổn định nên người trồng măng tây xanh ở địa phương rất phấn khởi. Trong khoảng 4 năm trở lại đây, cuộc sống của người dân xã An Hải đã thay đổi đáng kể nhờ loại cây trồng này.

Măng tây mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện cuộc sống người dân.
Măng tây mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện cuộc sống người dân.

Ngoài những điểm trồng trung tâm của tỉnh, ở xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) hiện có hàng chục ha măng tây, tập trung tại khu vực hồ Núi Một. Người tiên phong đưa cây măng tây về trồng tại vùng đất này là ông Nguyễn Hữu Cư (ở thôn Sơn Hải 2).

Ông Cư chia sẻ, bản thân luôn trăn trở việc tìm giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao để thay thế các loại cây màu truyền thống. Năm 2018, sau khi tìm hiểu, ông nhận thấy cây măng tây xanh đang được thị trường ưa chuộng, giá bán cao, công chăm sóc ít và cho thu hoạch đều nên mạnh dạn đầu tư trồng. Kết quả là măng tây đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các loại hoa màu khác.Thành công của ông Cư mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Phước Dinh trong nhiều năm nay.

Có thể nói, cây măng tây hiện là một trong những loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao nhất của tỉnh Ninh Thuận. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng những vùng chuyên canh cây măng tây xanh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Nông dân xã Phước Dinh chăm sóc cây măng tây.
Nông dân xã Phước Dinh chăm sóc cây măng tây.

Để thực hiện được mục tiêu đó, Trung tâm khuyến nông tỉnh Ninh Thuận đang có nhiều biện pháp thúc đẩy. Cụ thể là: hỗ trợ HTX mua cây giống, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước để triển khai mô hình cánh đồng lớn; thực hiện quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP; tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chí xuất khẩu;…

Bên cạnh đó, tỉnh còn tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp, HTX tiếp cận, hỗ trợ vốn vay từ các ngân hàng thương mại để đầu tư, phát triển sản xuất. Đồng thời, huy động nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất măng tây theo hướng hữu cơ, sinh học.

(Bài viết thuộc chuyên đề Khuyến nông với đồng bào DTTS)

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.