Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Hoa trên cao nguyên đá: Dệt câu chuyện đẹp ở Nà Ván (Bài 2)

Vũ Mừng - Nguyễn Quân - 09:02, 15/08/2024

“Những lỗi lầm trong quá khứ, những trăn trở của hiện tại, những lo lắng về tương lai, khiến anh như người đi trong bóng tối, nhìn mãi không thấy đường! Và rồi, giữa đêm trường dài dằng dặc ấy, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an huyện Yên Minh như ngọn đuốc sáng, soi lối, chỉ đường, dắt anh bước qua đêm đen...”, người đàn ông sinh năm 1978, ở thôn Nà Ván, xã Lao Và Chải, huyện Yên Minh ở trên vùng đất cao nguyên đá Hà Giang bộc bạch trong dòng cảm xúc.

Thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang những ngày thu 2024.
Thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang những ngày thu 2024

Tháng 8, ở Hà Giang trời se lạnh. Buổi sáng sớm hay chiều tà người ta đã phải mặc áo ấm như ngày đông dưới xuôi. Thế mà những trận mưa ở đây vẫn chưa hết dữ dội. Mưa dầm dề, dai dẳng, kéo dài hằng tuần và sau mỗi trận mưa lớn, lại như một lần "khai thiên lập địa".

Chuyến công tác ở huyện Yên Minh cũng vì mưa mà kéo dài hơn so với dự định! Nhưng cũng vì thế, mà chúng tôi có thêm những ngày được gắn bó với cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Yên Minh để hiểu hơn về cuộc sống của người chiến sĩ, rõ hơn về nhiệm vụ mà các anh đang thực hiện vì sự bình yên, ổn định cuộc sống của Nhân dân.

Trong hàng chục vấn đề tìm hiểu, những chuyện được nghe, được chứng kiến, tôi còn nhớ mãi câu chuyện một lần theo chân cán bộ chiến sĩ Công an được phân công bám nắm cơ sở, thực hiện công tác thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng và những điều mắt thấy, tai nghe tại thôn Nà Ván, xã Lao Và Chải đã để lại trong chúng tôi rất nhiều cảm xúc, để chúng tôi quyết tâm thực hiện bài ghi chép này.

Trung tá Lò Minh Tuấn, Phó trưởng Công an xã Lao Và Chải gác lại bữa cơm trưa, nhiệt thành ngỏ lời mời chúng tôi cùng ghé thăm nhà anh Hoàng Văn Thắng - một trong những người tái hòa nhập cộng đồng. 

Lái xe thong dong dưới tán rừng suốt chặng đường hơn 10 cây số từ trung tâm xã về với thôn Nà Ván, chúng tôi như bị mê hoặc, bởi những khoảnh nương lúa đang thì con gái, nổi lên xanh thẫm giữa những vệt rừng xanh mờ. Mỗi cơn gió lướt qua, từng khoanh lúa vẫy lên như một làn sóng xanh rờn lượn ra những chân ruộng bậc thang xa mãi. Khung cảnh đẹp như một bức tranh, khiến bất kỳ ai lần đầu tới đây cũng có cảm nhận rõ nét về sự yên bình.

Khung cảnh bình yên của xã Lao Và Chải.
Khung cảnh bình yên của xã Lao Và Chải

Anh Hoàng Văn Thắng, sinh 1978 tại thôn Nà Ván, xã Lao Và Chải bị bắt vì tội danh lưu hành tiền giả. Năm 2013 mãn hạn trở về địa phương, anh không khỏi mặc cảm với mọi người xung quanh.

Sau những lời chào hỏi thân thiện, bắt tay nồng ấm,  Trung tá Lò Minh Tuấn chia sẻ, nhiều năm qua, Công an xã Lao Và Chải thường xuyên rà soát, lập danh sách những người chấp hành xong án phạt tù để gặp gỡ, nắm bắt nguyện vọng và phối hợp giúp đỡ. Với hình thức, một đối tượng chấp hành xong án phạt tù về địa phương sẽ nhận được giúp đỡ từ 4 lực lượng gồm: Hội Phụ nữ xã, đảng viên, Công an và đại diện gia đình. Trường hợp của anh Thắng là cá nhân tiêu biểu trong công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng của địa phương.

Anh Hoàng Văn Thắng trong cuộc gặp gỡ với Phó Trưởng Công an xã Lao Và Chải Lò Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lao Và Chải Mua Thị Máy, cùng Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển.
Anh Hoàng Văn Thắng trong cuộc gặp gỡ với Phó Trưởng Công an xã Lao Và Chải Lò Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lao Và Chải Mua Thị Máy, cùng Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển

Anh Thắng ngồi trước mặt chúng tôi, giọng ngập ngừng, bối rối: "Những lỗi lầm trong quá khứ, những trăn trở của hiện tại, những lo lắng về tương lai... khiến anh như người đi trong bóng tối, nhìn mãi không thấy đường! Và rồi, giữa đêm trường dài dằng dặc ấy, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an huyện Yên Minh như ngọn đuốc sáng, soi lối, chỉ đường, dắt anh bước qua đêm đen”.

Siết tay tôi, mỗi lúc một chặt và anh nói: “Ngày trở về, anh cháy bỏng ước mơ được chung tay xây dựng Nà Ván”.

Mô hình trồng bưởi phát triển kinh tế của gia đình anh Hoàng Văn Thắng.
Mô hình trồng bưởi phát triển kinh tế của gia đình anh Hoàng Văn Thắng

Tôi tin ở những điều anh chia sẻ, bởi 6 năm sau ngày “bước ra từ bóng tối”, năm 2019 anh trở thành người đứng đầu thôn. Chức danh Trưởng thôn của anh được bầu với sự tín nhiệm tuyệt đối của 22 hộ đồng bào dân tộc Nùng. Sẵn vốn kiến thức về thú y, anh kiêm luôn bác sĩ chữa bệnh cho gia súc, gia cầm trong thôn, giúp người dân yên tâm chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Gắn bó với công tác chính quyền, anh Thắng thêm thấu hiểu về đời sống của người dân trong thôn và cứ mãi trăn trở, dù đồng bào dân tộc Nùng tại thôn Nà Ván đã có sự đổi mới trong tập quán canh tác, năng suất cây trồng, vật nuôi so với trước đây đã cao hơn nhiều, nhưng không có đường giao thông thuận lợi khiến cây trồng, vật nuôi đều không thể trở thành hàng hoá. Năm 2023, nhờ nguồn vốn từ Chương trình MTQG con đường bê tông dẫn về thôn Nà Ván được lên kế hoạch xây dựng.

Cuối năm 2023, nhờ nguồn vốn từ Chương trình MTQG con đường bê tông dẫn về thôn Nà Ván được đầu tư xây dựng.
Cuối năm 2023, nhờ nguồn vốn từ Chương trình MTQG con đường bê tông dẫn về thôn Nà Ván được đầu tư xây dựng

Ánh mắt sáng rực, anh Thắng chỉ tay về phía con đường: “Có đường rồi mọi người sẽ đi lại ổn định giữa hai mùa mưa nắng, sẽ có kinh tế phát triển”. Chỉ sau 2 lần họp cộng đồng, dưới sự thuyết phục của Trưởng thôn Hoàng Văn Thắng, thì cả 12 hộ trong thôn có công trình đi qua đều tình nguyện hiến đất, chung tay cùng Nhà nước mở đường.

Tôi hỏi già Lò Thìn Sáng, Người có uy tín trong cộng đồng tại thôn Nà Ván về “sự kiện lịch sử” này, già Sáng khảng khái: “Tỉ lệ hiến đất làm đường lên tới 100%, không phải ở đâu cũng có thể làm được. Cái này phụ thuộc vào uy tín và tiếng nói của người đứng đầu. Trưởng thôn Thắng như thế là giỏi đấy! Bây giờ, Nà Ván chỉ còn duy nhất 1 hộ nghèo”.

Ông Lò Thìn Sáng, Người có uy tín tại Nà Ván (người ngồi giữa) nhớ lại những ngày vận động người dân hiến đất làm đường.
Ông Lò Thìn Sáng, Người có uy tín tại Nà Ván (người ngồi giữa) nhớ lại những ngày vận động người dân hiến đất làm đường.

Tới đây, chúng tôi cũng cần kể thêm với bạn đọc rằng, Người có uy tín vùng cao cũng giống như bô lão của làng quê đồng bằng Bắc Bộ dưới xuôi vậy! Nên những điều già Sáng nói không chỉ xuất phát từ suy nghĩ của một cá nhân, mà là tiếng nói chung của cả một cộng đồng.

“Có lẽ, câu chuyện về anh Hoàng Văn Thắng tại thôn Nà Ván, xã Lao Và Chải được kể lại trong bài ghi chép này là một câu chuyện đẹp và tác giả góp phần làm nên câu chuyện hấp dẫn ấy không ai khác chính là cán bộ, chiến sĩ Công an huyện”, tôi đã tâm sự điều thật lòng ấy với Thượng tá Dương Văn Nội, Phó trưởng Công an huyện Yên Minh sau chuyến đi cơ sở.

Nghe điều bộc bạch của tôi, Thượng tá Dương Văn Nội chân tình nói, sự thay đổi, dù lớn lao đến đâu, bao giờ cũng bắt đầu bằng những chuyển biến nhỏ bé và đôi khi còn vụn vặt hằng ngày. Bao năm qua, trong nhiều nhiệm vụ mà lực lượng được giao, thì lực lượng Công an huyện Yên Minh đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã, thị trấn, các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn cùng phối hợp trong công tác quản lý, giáo dục đối với người tái hòa nhập cộng đồng.

Theo đó, lực lượng phối hợp tiến hành thành lập và ra mắt các mô hình Cựu chiến binh, Phụ nữ tham gia giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng; tư vấn về nghề nghiệp, giúp đỡ các trường hợp ra tù trước thời hạn, trở về quê hương sớm ổn định cuộc sống, hạn chế thấp nhất các hành vi vi phạm.

Thượng tá Dương Văn Nội – Phó trưởng Công an huyện Yên Minh.
Thượng tá Dương Văn Nội – Phó trưởng Công an huyện Yên Minh

Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Minh có 13 mô hình giúp đỡ các trường hợp tái hòa nhập cộng đồng; trong đó có 8 mô hình về Hội Cựu chiến binh tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù và 5 mô hình phát triển kinh tế trong tái hòa nhập cộng đồng. Các mô hình hoạt động theo 2 tiêu chí cảm hóa và giúp đỡ, nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, tiếp cận với vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế...

Hiệu quả từ các mô hình này, đã góp phần cùng các cấp chính quyền địa phương, tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội giữ gìn sự ổn định, an ninh trật tự cơ sở, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Như trường hợp anh Hoàng Văn Thắng ở thôn Nà Ván, là một điển hình trong công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng của địa phương, của lực lượng. Những năm qua, anh em được phân công ở cơ sở rất quan tâm, luôn kịp thời sát cánh cùng anh Thắng để anh thêm tự tin tổ chức các hoạt động vì cộng đồng, được  người dân rất tín nhiệm.

 "An ninh trật tự đảm bảo, nhưng để cuộc sống của đồng bào DTTS  tốt hơn còn rất nhiều điều phải làm. Chừng nào cuộc đấu tranh với “cái nghèo” của đồng bào ở Nà Ván dành thắng lợi, nhà báo lại về viết tiếp câu chuyện đó! Anh tin chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau”, Thượng tá Công an Dương Văn Nội nhắn nhủ.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Dồn lực đưa cuộc điều tra 53 DTTS về đích trước thời hạn ở một huyện miền núi

Thanh Hóa: Dồn lực đưa cuộc điều tra 53 DTTS về đích trước thời hạn ở một huyện miền núi

Lang Chánh một trong những huyện miền núi nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Do vậy, cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2024 (Cuộc điều tra 53 DTTS) có ý nghĩa quan trọng đối với huyện trong việc đánh giá thực trạng đời sống của đồng bào DTTS, qua đó làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách trong giai đoạn tiếp theo. Nhận thức được tầm quan trọng này, Lang Chánh đã dồn lực để triển khai thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ và về đích trước thời hạn.