Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Hoạch định chính sách từ kết quả điều tra thực trạng kinh tế hộ DTTS: Giải quyết những vấn đề cấp bách từ nâng cao dân trí (Bài 4)

Sỹ Hào - 06:54, 20/08/2024

Năm 2024, lĩnh vực giáo dục là một nội dung trong điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS; đồng thời cũng được thu thập thông tin trong cuộc điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ. Dữ liệu từ các cuộc điều tra, nhất là từ cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS sẽ là cơ sở để hoạch định chính sách phát triển giáo dục nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách ở vùng DTTS và miền núi lâu nay.

Hoạch định chính sách từ kết quả điều tra thực trạng kinh tế hộ DTTS: Giải quyết những vấn đề cấp bách từ nâng cao dân trí (Bài 4)
Nhà nước ta xác định, phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; trong đó ưu tiên phát triển giáo dục ở vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. (Ảnh minh họa)

Đẩy lùi hủ tục từ nâng cao dân trí

Cách đây 05 năm (năm 2019), cùng với thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước, Tổng cục Thống kê đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc tiến hành điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong lĩnh vực giáo dục, trích xuất dữ liệu cho thấy, tại thời điểm năm 2019, hầu hết các dân tộc đã đạt hoặc vượt mục tiêu “đến năm 2020 tỷ lệ trẻ em hoàn thành chương trình tiểu học trên 94%”. Đây là một trong các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 được đặt ra tại Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 10/9/2015.

Chỉ tiêu này tiếp tục được duy trì và tăng lên, tính trên phạm vi cả nước. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hiện 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt tỷ lệ 100%. Kết thúc năm học 2023 – 2024, tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học chiếm 98,17%. Con số này đã phản ánh thực chất chất lượng giáo dục nói chung trên bình diện toàn quốc.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2021 - 2022, cả nước có 884.689 trẻ em người DTTS học cấp Mầm non; cấp Tiểu học có hơn 1,6 triệu học sinh là người DTTS; cấp THCS có hơn 999 nghìn học sinh DTTS; cấp học THPT có 348.775 học sinh là người DTTS. Tổng số trường học ở vùng DTTS và miền núi cấp mầm non và phổ thông là 20.495 trường.

Trong Hiến pháp 2013, Nhà nước ta xác định, phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Chưa tính tới mục tiêu “phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”,  thì các chính sách về lĩnh vực giáo dục đã và đang nâng cao dân trí, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nỗ lực đẩy lùi các phong tục, tập quán lạc hậu ở vùng DTTS và miền núi.

Như đã nêu ở bài báo trước, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là vấn đề xã hội tồn tại dai dẳng, gây ra rất nhiều hệ lụy ở vùng DTTS và miền núi. Với việc áp dụng các chế định pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình cùng sự can thiệp của chính sách hỗ trợ, tập quán lạc hậu này đang từng bước được giảm thiểu.

Đến thời điểm này vẫn chưa có số liệu thống kê tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống mới nhất trên phạm vi cả nước (chỉ có số liệu sau khi kết quả từ cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 được tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền). Nhưng, với những số liệu riêng lẻ ở một số địa phương, nhất là ở những nơi từng là “điểm nóng” về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng cho thấy bước chuyển mạnh mẽ trong “cuộc chiến” đẩy lùi hủ tục này ở vùng DTTS và miền núi.

Đơn cử xã Bảo Thuận (Di Linh, Lâm Đồng), địa phương có hơn 93% dân số là đồng bào DTTS. Trước đây, trung bình mỗi năm, toàn xã có hơn chục cặp tảo hôn, nhưng những năm gần đây đã giảm rõ rệt. Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, trên địa bàn xã không xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Hoạch định chính sách từ kết quả điều tra thực trạng kinh tế hộ DTTS: Giải quyết những vấn đề cấp bách từ nâng cao dân trí (Bài 4) 1
Tăng cường các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục ở miền núi để nâng cao dân trí, góp phần đẩy lùi hủ tục, giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống không bị biến tướng. (Trong ảnh: Tục kéo vợ - một nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, đang bị biến tướng, hiểu sai ý nghĩa)

Sự nghiệp giáo dục được quan tâm, trình độ dân trí được nâng lên là một trong những yếu tố quyết định cho sự thay đổi rõ nét ở Bảo Thuận trong nỗ lực đẩy lùi hủ tục. Chỉ riêng trên địa bàn xã, 1.510 học sinh của 2 trường tiểu học và THCS Bảo Thuận đang chuẩn bị năm học mới 2024 – 2025, với cơ sở trường lớp đã được đầu tư kiên cố, các chính sách hỗ trợ giáo dục cho học sinh DTTS được kịp thời thực hiện đến từng học sinh.

Trên phương diện chung, kết quả cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 cho thấy, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn của người DTTS là yếu tố tác động đến tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Cụ thể, chỉ có 1,1% người DTTS tảo hôn có trình độ chuyên môn kỹ thuật; có 31/53 DTTS có tình trạng 100% số người tảo hôn là không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Tăng hiệu quả chính sách giảm nghèo

Mặc dù đã đạt được những kết quả trong giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhưng đây vẫn là vấn đề chưa được giải quyết căn cơ ở vùng DTTS và miền núi; thậm chí một số địa phương đang có xu hướng gia tăng trở lại tập quán lạc hậu này.

Đơn cử là huyện Bắc Yên (Sơn La), địa phương có trên 95% dân số là đồng bào DTTS. Dù không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống, nhưng số trường hợp tảo hôn trên địa bàn huyện đang có dấu hiệu gia tăng. Năm 2021, huyện ghi nhận 116 trường hợp, năm 2022 giảm còn 92 trường hợp; nhưng năm 2023 lại tăng lên 131 trường hợp. Riêng 6 tháng năm 2024, toàn huyện đã ghi nhận 102 trường hợp tảo hôn.

Điều này cho thấy, “cuộc chiến” với các tập quán lạc hậu hiện vẫn đang cam go. Do đó, những kết quả đạt được trong xóa bỏ hủ tục nhờ trình độ dân trí được nâng lên cần được tiếp tục nghiên cứu, từ đó xây dựng, ban hành các chính sách phù hợp nhằm nâng cao trình độ văn hoá, chuyên môn kỹ thuật cho đồng bào DTTS trong giai đoạn tới.

Nguyên nhân cốt lõi của việc người dân chưa muốn thoát nghèo chính vì từ cách làm cho đến chất lượng chương trình giảm nghèo chưa thực sự để người dân tin nên chưa yên tâm khi thoát nghèo; dẫn đến khi chương trình, dự án kết thúc thì nghèo lại hoàn nghèo”.
ĐBQH Tạ Văn Hạ
Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, góp ý về kết quả giám sát việc thực hiện 3 Chương trình MTQG tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV.

Cùng với một số tập quán lạc hậu còn tồn tại dai dẳng thì tỷ lệ nghèo cao đã và đang là vấn đề cấp bách, cần giải quyết ở vùng DTTS và miền núi. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo DTTS theo chuẩn nghèo đa chiều còn khoảng 17,82%. 

Đây là số liệu được Ủy ban Dân tộc đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 (ngày 02/1).

Những năm qua, hệ thống chính sách giảm nghèo đã được triển khai đồng bộ; hầu hết các chính sách triển khai ở vùng DTTS và miền núi đều hướng tới mục tiêu giảm nghèo cho đồng bào DTTS, cho vùng DTTS và miền núi. Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, thì với nội dung hỗ trợ sản xuất, nhiều mô hình sinh kế, giống cây trồng, vật nuôi đã được cấp cho các đối tượng thụ hưởng.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc một bộ phận hộ nghèo người DTTS chưa có kỹ năng sản xuất mới, không biết làm ăn nên các mô hình giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi chưa đạt mục tiêu tối đa; sau khi hết giai đoạn “cầm tay, chỉ việc”, dự án rút thì mô hình giảm nghèo cũng “chết yểu” theo.

Trong năm 2019, Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tiến hành một cuộc khảo sát để nhận diện nguyên nhân nghèo ở các nông hộ khu vực miền núi. Theo đó, cơ quan này nhận định, nguyên nhân nghèo của các hộ hiện nay khá đa dạng; trong đó, 70,7% nghèo là do thiếu vốn và thiếu đất canh tác; 12,2% do già, ốm nên thiếu sức lao động; 8,9% do không biết cách làm ăn.

“Không biết cách làm ăn” ở đây phải được hiểu là lao động người DTTS chưa tiếp cận được với kỹ thuật canh tác mới, trong bối cảnh tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ dưới tác động của công nghệ số. Điều này cũng phù hợp với dữ liệu về tình hình lao động của 53 DTTS trong cuộc điều tra, thu thập thông tin năm 2019.

Hoạch định chính sách từ kết quả điều tra thực trạng kinh tế hộ DTTS: Giải quyết những vấn đề cấp bách từ nâng cao dân trí (Bài 4) 3
Để giảm nghèo hiệu quả, các chính sách giảm nghèo giai đoạn sau năm 2025 cần thúc đẩy ý chí vươn lên của hộ nghèo, với việc tập trung thực hiện mục tiêu hỗ trợ nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho đồng bào. (Ảnh minh họa)

Theo dữ liệu cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 cho thấy, trong số hơn 8 triệu người DTTS trong độ tuổi lao động thì chỉ có 10,3% lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở; còn lại chủ yếu sản xuất nông nghiệp ở nông thôn và chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật.

Theo dự báo của các chuyên gia, sau khi kết thúc các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ giai đoạn 2021- 2025, trong đó tập trung ở Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo ở địa bàn này tiếp tục giảm sâu; số hộ nghèo vì thiếu vốn và thiếu đất canh tác sẽ không còn nhiều. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo sẽ gặp khó khăn hơn bởi số đông hộ còn lại là do già yếu, ốm đau, thiếu lao động, không biết cách làm ăn.

Trước đây, các chính sách giảm nghèo cùng một lúc thực hiện 02 mục tiêu, vừa hỗ trợ phát triển sản xuất (trợ giúp nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế), vưa thực hiện an sinh xã hội (trợ giúp hộ đói, hộ nghèo). Từ năm 2021 đến nay, chính sách giảm nghèo đã từng bước được tách bạch, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tuy nhiên vẫn chưa rõ nét.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, để giảm nghèo hiệu quả, các chính sách giảm nghèo giai đoạn sau năm 2025 cần tập trung thực hiện mục tiêu hỗ trợ nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế của hộ nghèo người DTTS. Để tạo bước chuyển mới cho chính sách giảm nghèo của giai đoạn tới, từ kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024, việc cần làm là bóc tách dữ liệu, nghiên cứu, xây dựng để có chính sách phù hợp hỗ trợ năng suất và hiệu quả kinh tế của hộ nghèo người DTTS bằng các chính sách đầu tư, phát triển giáo dục, đào tạo, tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng ở địa bàn này.

Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thống nhất điều chỉnh một số nội dung liên quan chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, Quốc hội quyết nghị bổ sung các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc và các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú nằm trong và ngoài danh mục địa bàn xã, thôn, bản vùng DTTS và miền núi, vào diện đầu tư của Chương trình MTQG giai đoạn tới. Đây là điều kiện để tiếp tục thúc đẩy phát triển GD&ĐT vùng DTTS và miền núi trong những năm tới đây.

Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích…Xung quanh vấn đề này Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.