Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Lấy chồng từ tuổi 13

Phạm Việt Thắng - 13:28, 15/03/2021

Những giọt nước mắt của cô giáo Vi Thị Châu – giáo viên Chủ nhiệm lớp 9A , Trường THCS Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn ( Nghệ An), làm cuộc trò chuyện của chúng tôi chững lại. “Em ấy là học sinh giỏi cấp huyện 2 môn, ước mơ trở thành một nữ bác sỹ của bản làng. Giờ lấy chồng rồi thì mơ ước coi như tan thành mây khói. Không biết rồi tương lai của các em ra sao nữa…”. Đó là những giọt nước mắt thương học trò, và cũng là giọt nước mắt đắng cay của cô Châu trước hủ tục: Bắt vợ.

Cô Vy Thị Châu đang hướng dẫn cách phòng tránh thai và động viên Ló cố gắng tiếp tục đi học.
Cô Vy Thị Châu đang hướng dẫn cách phòng tránh thai và động viên Ló cố gắng tiếp tục đi học.

Tan những giấc mơ

“Một trường cấp 2 mà có đến 12 cháu bỏ học lấy chồng, thậm chí có cả học sinh tiểu học”. Thông tin đó đã thôi thúc chúng tôi xuyên màn sương dày đặc, nguy hiểm để đến xã Na Ngoi. Thầy Nguyễn Viết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Na Ngoi, buồn bã nói: “Cứ nghỉ Tết xong là nhà trường lại mất đi nhiều học sinh, mà phần lớn trong số đó là các em bỏ học lấy chồng, lấy vợ, đau lòng lắm. Năm nay, trường có đến 12 em lấy vợ lấy chồng, rơi vào các khối 8 và 9”.

Điều tôi có thể làm được cho em lúc này là bày cho các em cách phòng tránh thai và động viên em xin phép nhà chồng được tiếp tục học hết lớp 9.

Cô Vy Thị ChâuGiáo viên Trường THCS Na Ngoi

Cô Vy Thị Châu không ngần ngại chia sẻ với chúng tôi về 4 nữ sinh lớp mình vừa lấy chồng cách đây mấy hôm: “Cả 4 cháu đều học rất khá, ngoan ngoãn, thế mà…”. Đoạn, cô rơi nước mắt khi nói về Xồng Y Ló, cô học trò 2 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện. 

“Tôi không thể tin nổi em ấy lại đi lấy chồng. Trước khi nghỉ Tết còn hứa với cô, về Tết vẫn chăm chỉ học bài, chuẩn bị tốt để thi vào Trường Dân tộc nội trú của tỉnh. Hay tin Ló lấy chồng, tôi rụng rời. Gọi điện cho em, vờ như không biết chuyện gì nhưng không cầm được tiếng nấc. Em ấy cũng vậy, khóc, nói nhớ cô, nhớ các bạn và cảm thấy ân hận… ”, cô Châu chia sẻ.

Cũng lời cô Châu, không biết tương lai của các em rồi sẽ ra sao? Năm kia, cũng có một cô học trò đi lấy chồng. Nghe tin cuộc sống của em rất vất vả nên tôi có đi thăm. Đúng là không nói nên lời. Đứa con đầu lòng bị chết sau khi chào đời một thời gian ngắn. Cuộc sống của hai vợ chồng thì túng thiếu đủ đường, nhìn mà  ngao ngán.

Được thầy hiệu phó động viên, một số em đồng ý trò chuyện với nhà báo, trong đó có Xồng Y Ló. Tôi hỏi Ló có muốn đi học nữa không? Đôi mắt ngân ngấn nước, Ló thỏ thẻ: Em có. Ước mơ của em là được làm bác sỹ.

Lấy chồng rồi, có muốn làm bác sỹ nữa không? Ló im lặng một lúc, rồi nói: Hết rồi. May ra thì được học hết lớp 9 thôi.

Không như Ló, Lầu Y May lại tươi rói khi nói về chồng mình: Anh ấy sinh năm 2001, đang là sinh viên năm 2 ở Hà Nội. May kể, hai đứa quen nhau qua mạng, thỉnh thoảng anh ấy về quê thì đến ký túc xá nhà trường thăm. Tết rồi, anh ấy về, đưa May về nhà, ba ngày sau thì làm lễ cưới…

Còn với Y Hôn, thì cho đến nay cũng không biết chồng đang học gì, chỉ biết là học ở thành phố Vinh. Và chồng có hứa là sau này sẽ cho xuống thành phố Vinh chơi cho biết. 

Tôi nói với Y Hôn, không lấy chồng mà đi học ở trường Dân tộc nội trú tỉnh thì còn được ở hẳn thành phố Vinh những 3 năm cơ mà. Y Hôn chùng giọng: Nhưng bây giờ đã lấy chồng rồi, làm sao đi học được nữa…

Vợ chồng… con nít!

Thầy Nguyễn Trung Cường, giáo viên Trường Tiểu học Na Ngoi 1, đọc ngay tên tuổi, quê quán cô học trò của mình vừa đi lấy chồng: Xồng Y Xờ ở bản Ca Dưới. Xờ nói là học sinh tiểu học nhưng em ấy sinh năm 2008, tính ra là phải học lớp 7 mới đúng. 

Nhưng nhà khó khăn, Xờ phải nghỉ học đi làm thuê mất hai năm. Năm ngoái em vừa xin vào học lại lớp 4; đến năm nay, ra Tết thì thông báo lấy chồng. Thầy Cường thở dài: "Tuổi còn chưa sạch mũi, rồi không biết chúng nó sống ra sao đây".

Theo chân Già làng bản Na Cáng, ông Xồng Nhiu Chú, chúng tôi tìm đến nhà Xồng Bá Mông, học sinh lớp 8, Trường THCS Na Ngoi. Già làng Chú phải đập cửa mãi, Mông mới mở cửa. Bố mẹ không có nhà, chỉ có Mông và cô vợ vừa mới “bắt” cùng đứa em nhỏ ở nhà. 

Nhìn cậu bé tí xíu, quần đùi, áo cộc, xộc xệch, rất thẹn thùng thế này mà đã làm chồng, thật khó tin nổi. Còn cô vợ Lầu Máy Xa, thì còn ửng đỏ đôi má vì sau tiếng đập cửa lâu quá của già làng thì phải. Mông kể, phải đi xa lắm, đến xã Nậm Càn mới quen được vợ. Vợ cũng đang học lớp 8. Hai đứa thích nhau lắm nên “bắt” về.

 Trường THCS Na Ngoi, nơi vừa có 12 học sinh lấy vợ, lấy chồng trước tuổi quy định
Trường THCS Na Ngoi, nơi vừa có 12 học sinh lấy vợ, lấy chồng trước tuổi quy định

"Trước khi “bắt” vợ có xin ý kiến bố mẹ hai bên không" – tôi hỏi?

Mông nói, không cần. Đưa vợ về nhà mình ở 3 ngày, thông báo cho nhà ngoại biết, ngày thứ 4 thì làm lễ cưới bên ngoại, sau đó cưới bên nội. Thế là thành vợ chồng.

Tôi hỏi tiếp: "Nếu không cưới thì sao?".

"Bị phạt nặng lắm - 24 triệu đồng", Mông cho biết.

Thầy Và Bá Trừ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Huồi Tụ, nhắn chúng tôi: Các anh đi Mường Lống thì ghé thăm học trò của tôi với. Năm ngoái nó bỏ học lấy chồng về bên đó, khổ sở lắm. Chúng tôi không gặp được học trò cũ của thầy Trừ, bởi cô ấy bận đi làm rẫy. 

Nhưng qua bố chồng – ông Và Chớ Lầu, thì hoàn cảnh của cô quả là bi đát. Chồng thì chỉ học hết lớp 1, không biết làm ăn, bố mẹ bảo làm gì thì làm nấy, cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ. Vợ, sinh con đầu lòng được 2 tháng thì bé qua đời. Chính bố chồng cũng phải thừa nhận, mẹ còn nhỏ quá nên sinh con rất yếu ớt, không sống được.

Tôi hỏi ông Lầu, sao không khuyên các cháu chờ đủ tuổi hẵng kết hôn? Ông lắc đầu: Không khuyên được, cũng không dám cấm, nó ăn lá ngón ngay đấy. Cũng như ông Lầu, Già làng Xồng Nhiu Chú cũng hết sức băn khoăn: “Đã có nhiều trường hợp khi gia đình khuyên can, hoặc ngăn cản kết hôn, các cháu đã rủ nhau vào rừng ăn lá ngón, rất đau lòng”.

Mặc dù đã có nhiều giải pháp phòng chống nạn tảo hôn, nhưng xem ra hiệu quả chưa được như mong đợi. Vậy nên, các thầy cô giáo Trường THCS Na Ngoi đã phải có “đề án” lập “hàng rào” ngăn chặn trai bản tiếp xúc với học sinh nội trú. Nhưng theo thầy Thắng, mình chặn ban đêm thì chúng lại hẹn nhau lúc gần sáng, hẹn nhau qua điện thoại…

(Tên nhân vật học sinh trong bài viết đã được thay đổi).

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.