Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Học sinh người Khơ mú đầu tiên ở vùng tái định cư đỗ đại học

PV - 11:51, 26/08/2021

Sau bao cố gắng, nỗ lực, ước mơ đỗ vào Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh của nam sinh người dân tộc Khơ mú ở xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương, Nghệ An) đã thành hiện thực. Niềm vui của gia đình em cũng là niềm tự hào của bà con dân bản.

Em Uỳnh và mẹ. Ảnh: Huy Thư
Em Uỳnh và mẹ. Ảnh: Huy Thư

Với 28,30 điểm, em Xeo Văn Uỳnh - học sinh lớp 12E, Trường THPT Cát Ngạn (Thanh Chương) đã trúng tuyển vào ngành Giáo dục thể chất, Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh.

Mặc dù chưa nhận được giấy báo trúng tuyển nhưng Uỳnh rất vui, vì đã đạt được nguyện vọng bấy lâu nay. “Trưa hôm đó, mở điện thoại xem điểm, em thấy mình có điểm thi cao thứ 6 trong trường và có tên trong danh sách trúng tuyển. Em mừng quá chạy vào gọi mẹ: “Mẹ ơi, con đã đỗ đại học rồi” – Uỳnh chia sẻ.

Theo Uỳnh, em đam mê thể thao từ nhỏ, những năm học cấp 2 thì thích bóng đá, lên cấp 3 lại mê bóng chuyền. Nhà em cách Trường THPT Cát Ngạn gần 20 km, em phải rời nhà, thuê phòng trọ ở xã Thanh Liên để học tập. Từ khi lên lớp 10, bên cạnh niềm đam mê thể thao, Uỳnh bắt đầu đeo đuổi một giấc mơ mới: Trở thành sinh viên Trường Đại học Thể dục Thể thao.

Trong quá trình học phổ thông, em tham gia nhiệt tình các hoạt động phong trào, các giải thi đấu thể thao của trường, của địa phương, góp sức cùng tập thể giành giải cao trong các Hội khỏe Phù Đổng. Uỳnh từng vào TP. Hồ Chí Minh học đánh bóng chuyền và tham gia thi đấu cho một số đơn vị.

Tại địa phương, trong thời gian hoạt động hè, em cũng là gương mặt điển hình tham gia nhiệt huyết, năng động trong các phong trào do Chi đoàn và Đoàn xã phát động.

Em Uỳnh kể: Sau khi hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia, em đã ra Bắc Ninh thi các môn năng khiếu như chạy xa 100m, bật tại chỗ và cân, đo thể hình. “Với khả năng của bản thân, em thấy mình thi thể thao là hợp lý. Em mê thể thao, nên mong muốn sau này trở thành một thầy giáo dạy thể thao, để truyền ngọn lửa đam mê cho các em học sinh” - Uỳnh tâm sự.

Em Uỳnh (hàng đầu, ngồi ngoài cùng bên phải) những ngày còn đi học. Ảnh: Huy Thư
Em Uỳnh (hàng đầu, ngồi ngoài cùng bên phải) những ngày còn đi học. Ảnh: Huy Thư

Chia sẻ niềm vui với học trò, cô Phan Thị Tuyết - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 E, Trường THPT Cát Ngạn cho biết: Uỳnh là học sinh người dân tộc thiểu số, ngoan, hiền, có năng khiếu về thể thao, luôn chăm chỉ tập luyện và tham gia nhiệt tình các hoạt động phong trào của lớp, của trường. Nghe tin Uỳnh đỗ vào Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, tôi và nhiều giáo viên trong trường vô cùng phấn khởi. Nỗ lực vượt khó, theo đuổi đam mê của em đã được đền đáp. Đón nhận tin vui này, được biết nhà trường cũng sẽ có những món quà để động viên em.

Những ngày qua, niềm vui con trai đỗ đại học lan tỏa trong ngôi nhà nhỏ của gia đình Uỳnh ở bản Thanh Dương, xã Thanh Sơn. Bản thân em cũng như gia đình đã nhận được nhiều lời chúc mừng của bà con dân bản, thầy cô giáo, anh em, bè bạn.

Theo Uỳnh, gia đình em rời Tương Dương về Thanh Chương năm 2006. Với 4 - 5 sào đất nương rẫy trồng hoa màu, hàng ngày bố mẹ em phải làm nhiều công việc khác để mưu sinh, ai gọi gì làm nấy. Điều kiện gia đình khó khăn, sau mỗi buổi học, Uỳnh đi chăn trâu, làm việc nhà để phụ giúp bố mẹ…

Ông Xeo Văn Dương (52 tuổi) – bố Uỳnh cho biết: Gia đình ông có 3 người con, Uỳnh là con trai út, hai chị gái Uỳnh đã lấy chồng xa. Uỳnh đam mê thể thao cả xã ai cũng biết. Gia đình ông luôn ủng hộ, tạo điều kiện và tôn trọng quyết định của con khi chọn trường thể dục, thể thao để dự thi.

“Nay Uỳnh đã đỗ đại học, vợ chồng tôi rất phấn khởi. Điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn ủng hộ cháu học tập, thiếu đâu thì lo đó” – ông Dương chia sẻ.

Với người dân ở xã tái định cư Thanh Sơn, kết quả thi đại học của Uỳnh còn là niềm vui chung của bà con dân bản.

Ông Lữ Văn Đương – Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết, xã Thanh Sơn có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó, người Khơ mú chiếm 30% dân số toàn xã. Nhìn chung đời sống của bà con người Khơ mú ở đây còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo nhiều nhất xã, con em phải nghỉ học sớm để đi làm.

Những năm qua, một số gia đình đã cố gắng tạo điều kiện cho con em học tập, một số em đã học xong cấp 3. Em Uỳnh là học sinh người Khơ mú đầu tiên trong xã đỗ đại học, là niềm vui chung của cả xã.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.