Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc- Tôn giáo

Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước - Nơi gửi gắm niềm tin của đồng bào, phật tử: Gắn kết đạo và đời (Bài 1)

Như Tâm - 19:17, 21/09/2022

Năm 1964, tại khu vực Tây Nam bộ, một tổ chức hội rất đặc thù được thành lập, với tên gọi là Hội đoàn kết sư sãi yêu nước. Sau khi ra đời, Hội đã tập hợp, vận động các chức sắc, sư sãi, tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực tham gia các phong trào kháng chiến cứu nước, lập được nhiều chiến tích vẻ vang. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, tiếp tục phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết đồng bào phật tử tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Mặt trận và địa phương...

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Học Viện Phật giáo Nam tông nhân dịp tết cổ truyền của đồng bào Khmer năm 2022
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Học Viện Phật giáo Nam tông nhân dịp tết cổ truyền của đồng bào Khmer năm 2022

Khẳng định vai trò trong đời sống tôn giáo

Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nam bộ có 8/13 tỉnh, thành có chùa Khmer có Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước (SSYN) hoạt động. Hầu hết các vị lãnh đạo Hội đoàn kết SSYN đều giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Do vậy, mối quan hệ phối hợp giữa Ban Trị sự Phật giáo và Hội đoàn kết SSYN ở các địa phương diễn ra khá thuận lợi, đúng theo phương châm và giáo điều, giáo luật. Điều này, đã góp phần quan trọng trong việc phát huy vai trò của Hội là thành viên MTTQ Việt Nam từ khi mới ra đời cho đến nay.

Ông Sơn Minh Thắng, Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc cho biết: Từ các hoạt động thực tiễn cho thấy, việc thành lập Hội đoàn kết SSYN đã chứng minh thêm rằng, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã khơi dậy trong mọi tầng lớp Nhân dân tinh thần yêu nước mãnh liệt. Đặc biệt, cho đến nay, Hội đóng vai trò quan trọng, cốt lõi của tinh thần đoàn kết trong giới chức sắc, tôn giáo, có ảnh hưởng sâu rộng đến các lĩnh vực đời sống, xã hội của đồng bào Khmer.

 Chỉ thị 19-CT/TW, ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư về công tác trong vùng đồng bào Khmer trong tình hình mới, đã nêu rõ: “... phát huy vai trò của Hội đoàn kết SSYN, ban quản lý chùa và Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer đối với công tác vận động đồng bào. Hỗ trợ xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông....”,  đây là sự quan tâm hết sức đặc biệt của l Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khner.

Hoà Thượng Đào Như, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, Cố vấn Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước TP. Cần Thơ cho biết: “Chúng tôi nhận thức đầy đủ Hội Đoàn kết SSYN là tổ chức xã hội đặc thù trong giới sư sãi Khmer, phù hợp nhu cầu nguyện vọng của sư sãi và bà con phật tử; đồng thời đáp ứng yêu cầu công tác vận động quần chúng tôn giáo nói chung, công tác vận động quần chúng Phật giáo hệ phái Nam tông Khmer nói riêng..”

Tại các chùa Khmer, các vị sư sãi tuyên truyền phổ biến pháp luật bằng hai ngôn ngữ Việt - Khmer, giúp cho đồng bào dễ tiếp thu và bảo tồn tiếng mẹ đẻ
Tại các chùa Khmer, các vị sư sãi tuyên truyền phổ biến pháp luật bằng hai ngôn ngữ Việt - Khmer, giúp cho đồng bào dễ tiếp thu và bảo tồn tiếng mẹ đẻ

Do vậy, với tư cách là tổ chức xã hội, thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam, bằng nhiều hoạt động, việc làm, ý nghĩa cụ thể trong nhiều năm qua, Hội đang góp phần chung tay cùng với chính quyền địa phương, chăm lo đời sống cho đồng bào Khmer gặp khó khăn, cùng tương trợ lan toả tấm lòng từ bi của những người con Phật, thực hành đường hướng tốt đẹp trong hoạt động tôn giáo.

Cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ khó khăn

Trên tinh thần tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn, Hội đoàn kết SSYN các tỉnh Tây Nam bộ luôn tích cực tham gia chia sẻ khó khăn với chính quyền, người dân địa phương.

Hòa thượng Hữu Hinh, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu cho biết, chỉ tính riêng năm 2021, để giúp đỡ những hộ có hoàn cảnh khó khăn để vượt qua đại dịch Covid - 19, Hội đã vận động gần 100 tấn gạo, hàng ngàn thùng mì tôm, giúp tiền cho công nhân về quê, hỗ trợ gần 2,5 tỷ đồng cho người cao tuổi, các trường hợp F0 nghèo khó…

Sự chung tay chăm lo đời sống văn hoá cho đồng bào Khmer đã tạo được những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác phát huy bảo tồn văn hoá dân tộc trong đồng bào Khmer
Hội đoàn kết SSYN đã có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer

Kiên Giang là tỉnh đầu tiên mà Hội đoàn SSYN tỉnh ra thông báo hướng dẫn chùa Khnmer và đồng bào phật tử về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống đại dịch Covid-19. Đồng thời, các vị sư tự may khẩu trang phát cho phật tử phòng chống dịch, khi điều kiện y tế còn hạn chế lúc bấy giờ.

Sau đại dịch, Hội đoàn kết SSYN tỉnh Kiên Giang đã chuyển sang hướng dẫn và giúp đồng bào khắc phục khó khăn sau dịch bệnh. Thượng tọa Danh Nâng, Phó Chủ tịch kiêm Chánh Thư ký Hội Đoàn kết SSYN tỉnh Kiên Giang chia sẻ: "Đồng bào còn lắm khó khăn mỗi nhà mỗi cảnh, trong thời gian chờ chính sách hỗ của Nhà nước thì chúng ta chung tay vào chăm lo những hoàn cảnh khó khăn, không còn ai khó khăn sẽ không còn vùng khó khăn, lúc đó chính sách của Nhà nước lo cho chúng ta việc lớn hơn".

Được biết, những năm qua, ngoài việc sinh hoạt tôn giáo theo định kỳ, các chùa rất chú trọng việc tuyên truyền để phật tử hiểu và thực hiện đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động đồng bào phật tử thực hiện nếp sống văn hoá, bảo vệ môi trường và tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. 

" Vừa qua, Hội đã sơ kết khoá dạy chữ Khmer hè cho con em đồng bào tại các chùa trên địa bàn tỉnh;  đồng thời rà soát các trường hợp các em gặp khó khăn trong năm học mới để kịp thời hỗ trợ”, Thượng toạ Danh Nâng thông tin.

Theo Thượng tọa Lý Hùng, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Thành phố, Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước TP. Cần Thơ, từ năm 2016 cho đến nay, Mặt trận Tổ quốc Thành phố, Ban Tôn giáo Thành phố và Hội Đoàn kết sư sãi đã ký kết thực hiện các chương trình về ứng phó biến đổi khí hậu. Theo đó, Hội xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn TP. Cần Thơ.

“Riêng trong khuôn viên chùa phải trồng nhiều cây, để tạo lá phổi xanh cho chùa. Để bảo vệ nguồn nước sạch, thì vận động bà con và các chùa trang bị bồn tích trữ nước. Vận động phật tử hạn chế sử dụng các vật dụng bằng nhựa bao nylon, thay vào đó là sử dụng lá chuối, lá sen, hoặc các vật có thể tái sử dụng được nhiều lần, thân thiện thiên nhiên, an toàn với môi trường cũng góp phần rất lớn trong việc bảo vệ môi trường”, Thượng tọa Lý Hùng chia sẻ.

Với những hoạt động cụ thể, thiết thực của Hội đã hỗ trợ chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể dễ dàng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào Khmer. Các vị trụ trì, achar, Người có uy tín vận động đồng bào Khmer giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đồng thời vận động đồng bào Khmer tích cực, có trách nhiệm, tự nguyện đóng góp nhiều hơn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.