Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc- Tôn giáo

Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước - Nơi gửi gắm niềm tin của đồng bào, phật tử: Những Người có uy tín khoác áo cà sa (Bài 2)

Như Tâm - 11:18, 01/10/2022

Đối với đồng bào Khmer, chùa là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần, các vị sư sãi là tấm gương đạo đức để phật tử noi theo. Những giáo huấn, răn dạy phật tử, Nhân dân chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của địa phương tại các chùa, luôn được phật tử, người dân nghe theo và thực hiện nghiêm túc. Do vậy, trong các phum sóc, các vị sư sãi luôn được người dân bầu chọn, tôn vinh là Người có uy tín. Ghi nhận tại tỉnh Trà Vinh.

Hội Đoàn kết Huyện Trà Cú (Trà Vinh) trao nhà đến hộ Khmer Tăng Thị Ngữ
Hội Đoàn kết sư sãi huyện Trà Cú (Trà Vinh) trao nhà cho hộ dân tộc Khmer Tăng Thị Ngữ

Chăm lo an sinh xã hội

Nhân mùa lễ Sendolta đến gần, chúng tôi trở lại tỉnh Trà Vinh, nơi có chùa Khmer nhiều nhất và có tỉ lệ đồng bào Khmer sinh sống đông nhất khu vực Tây Nam bộ. Trong không khí phấn khởi chuẩn bị cho mùa lễ, nhiều hộ đồng bào đã chia sẻ, thể hiện lòng biết ơn Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án chính sách dân tộc đã mang đến cuộc sống khởi sắc trong từng nếp nhà. Trong những câu chuyện, bà con cũng không quên kể về sự chung tay của nhiều vị sư sãi là Người uy tín đã cùng chính quyền địa phương kịp thời giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn, hoạn nạn.

Về lại ấp Vàm Ray A, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, gặp lại bà Tăng Thị Ngữ, là hộ Khmer nghèo, bản thân bà thì bị tàn tật. Mới đây, bà được Hội đoàn kết sư sãi yêu nước (SSYN) huyện trao tặng căn nhà đại đoàn kết. 

Chia sẻ về hoàn cảnh của bà Ngữ, ông Kim Ngọc Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện cho biết, bà Ngữ đã được thụ hưởng chính sách về nhà ở của Nhà nước từ Chương trình 167. Tuy nhiên, do được làm từ năm 2009, nay đã hơn 12 năm nên nhà xuống cấp. Bà Ngữ không có điều kiện sửa chữa. Chính quyền địa phương cũng nắm bắt được thông tin, nhưng không thể xoay sở để bà Ngữ hưởng chế độ lần 2 được.

Nắm bắt được cái khó của địa phương, Hoà thượng Kim Ngọc Toàn, Hội trưởng Hội đoàn kết SSYN huyện đã lên kế hoạch, vận động kinh phí để giúp đỡ bà Ngữ làm nhà. Bằng uy tín, Hoà thượng đã vận động được 50 triệu đồng, cùng sự góp sức bằng nhiều ngày công của người dân, sau 2 tháng bà Ngữ đã có căn nhà mới để ở.

“Với những việc khó khăn, chúng tôi luôn cần sự hỗ trợ từ sức ảnh hưởng của các vị sư- họ là những Người có uy tín, giàu lòng nhân ái và luôn gương mẫu nên việc vận động mạnh thường quân, phật tử thường nhận được sự đồng thuận rất cao. Căn nhà của bà Ngữ chỉ là 1 trong 25 căn nhà mà Hòa thượng và các vị sư sãi của Hội đoàn kết SSYN huyện, đã vận động làm được cho hộ Khmer nghèo, hộ gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn”, ông Kim Ngọc Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện chia sẻ.

 Hội đoàn kết SSYN huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) trao nhà cho hộ khó khăn Kiên Thị Xanh
Hội đoàn kết SSYN huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) trao nhà cho hộ khó khăn Kiên Thị Xanh

Tương tự, để có được con đường giúp cho người dân ở ấp An Phước, xã An Trung, huyện Càng Long thoát khỏi cảnh phải đi trên đường bùn lầy mỗi khi ra xã và giao thương hàng hóa thuận tiện, đặc biệt là các em học sinh đến trường không còn bị trượt ngã bẩn hết quần áo, sách vở, Ban Trị sự GHPG tỉnh và Hội đoàn kết SSYN tỉnh Trà Vinh đã đứng ra vận động các nhà hảo tâm, chung tay thực hiện làm đường. Tuyến đường với chiều dài 500m, ngang 2,5m, với tổng kinh phí xây dựng hơn 300 triệu đồng và hàng trăm ngày công lao động, sau 3 tháng thì hoàn thành.

“Tuy nhiên, để có được con đường này, phần lớn là nhờ công sức của Hoà thượng Thạch Sok Xane, Hội trưởng đã đứng ra vận động kinh phí để sửa chữa”, bà Nguyễn Thị Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh thông tin.

Hoà Thượng Thạch Sok Xane, Hội trưởng Hội đoàn kết SSYN tỉnh Trà Vinh (người mặc áo cà sa) cùng mạnh thường quân trên con đường vừa khánh thành
Hoà Thượng Thạch Sok Xane, Hội trưởng Hội đoàn kết SSYN tỉnh Trà Vinh (người mặc áo cà sa) cùng mạnh thường quân trên con đường vừa khánh thành

Góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở

Với vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và đồng bào phật tử, Nhân dân các vị sư sãi Người có uy tín còn tích cực tham gia công tác hòa giải các vấn đề khó khăn, bức xúc trong vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, các vị tham gia cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tổ chức đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào, nhất là vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, đất đai, môi trường… để có giải pháp giải quyết. Qua đó, hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo vượt cấp, tạo niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Những năm qua, đa phần các vụ việc mất đoàn kết trong cộng đồng người dân tộc Khmer đều được giải quyết hợp lý, hợp tình dưới sự điều hành của “luật sư”, “trọng tài” là những chức sắc, sư sãi trụ trì của chùa.

Hoà Thượng Thạch Sok Xane cùng các mạnh thường quân và chính quyền địa phương thực hiện nghi thức khánh thành
Hoà Thượng Thạch Sok Xane cùng các mạnh thường quân và chính quyền địa phương thực hiện nghi thức khánh thành

 Thượng tọa Thạch Út, Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Tiểu Cần (Trà Vinh), Trụ trì chùa Ô Chhúc ấp Ngãi Hòa, xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần, là một minh chứng. 

Là Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, với vị trí, vai trò của mình, Thượng tọa Thạch Út luôn quan tâm giáo dục phật tử chấp hành đúng pháp luật, không mê tín dị đoan, không nghe theo lời kẻ xấu. Nhân các ngày quy y trong tháng như ngày rằm, ngày 30 và các ngày lễ hội trong phật giáo, khi thuyết pháp,Thượng tọa đều gắn đạo với đời, tranh thủ tuyên truyền, giảng giải, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

 Thượng tọa còn cùng Công an cơ sở và chính quyền địa phương xây dựng Câu lạc bộ “Tuyên truyền cảm hóa giáo dục đối tượng tại chùa Ngãi Hòa”. Với uy tín của mình, Sư đã trực tiếp giáo dục hàng chục thanh niên hư hỏng trở thành người tốt. 

Vào các ngày lễ thường niên của chùa, Sư đã tuyên truyền bằng tiếng Việt và tiếng Khmer cho phụ huynh có con em trong độ tuổi thanh, thiếu niên những quy định của pháp luật, từ đó việc giáo dục, cảm hóa, quản lý các thanh, thiếu niên có sự chuyển biến tích cực góp phần giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương. 

Bên cạnh đó, Thượng tọa còn tham gia giải quyết hàng chục vụ tranh chấp, khiếu kiện tại địa phương, vận động các cơ sở thờ tự trên địa bàn treo cờ Tổ quốc vào các ngày lễ, Tết, kỷ niệm trọng đại của đất nước.

Thượng tọa Thạch Út nói: "Muốn tốt đạo thì chư tăng và các vị phật tử phải giữ gìn giới luật của Đức Phật cho được trong sạch, thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ qua các việc làm lợi ích cho chúng sanh, biết hy sinh bản thân vì sự an vui, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà và sự bình yên của quê hương, đất nước".

Ngoài việc khánh thành con đường mới Hội đoàn kết SSYN Trà Vinh còn trao quà cho hộ khó khăn
Ngoài việc khánh thành con đường mới Hội đoàn kết SSYN Trà Vinh còn trao quà cho hộ khó khăn

Bao năm qua, với vai trò là thành viên Mặt trận Tổ quốc, thông qua quy chế phối hợp, Hội đoàn kết SSYN các cấp luôn có hoạt động thiết thực gắn bó và đồng hành cùng chính quyền địa phương.

Theo chia sẻ của Thượng tọa Thạch Rây, Chủ tịch Hội Đoàn kết SSYN huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), từ việc trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của tăng ni, sư sãi, Ban quản trị, phật tử và Nhân dân về tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh…Qua đó, kịp thời ngăn chặn, phản bác những tư tưởng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ đồng bào theo tôn giáo, làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc”, Thượng tọa Thạch Rây nhấn mạnh.

Hòa thượng Thạch Oai, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết SSYN tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện nay các cấp hội đang tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Kết luận số 01/KL-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam “về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc”. Đồng thời, thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 59-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh về “Tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh”.

Do vậy, các chùa và các sư sẽ hướng về cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để cùng với địa phương giúp đỡ, che chở cho phật tử, người dân gặp khó khăn xây dựng cuộc sống. Các chùa cũng thực hiện tốt tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, phật tử, tiếp tục đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của tỉnh, của đất nước và dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Đồng Nai: Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS

Đồng Nai: Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS

Với việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách, đề án phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong bảo đảm, nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ DTTTS trong mọi mặt của đời sống xã hội. Các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, qua đó góp phần chuyển đổi hành vi, quan niệm về bình đẳng giới, giảm khoảng cách và xóa bỏ định kiến về giới trong vùng đồng bào DTTS.