Đối với người Dao, đây là một ngày Tết đặc biệt, riêng của dân tộc mìnhTheo tín ngưỡng của đồng bào Dao Thanh Phán, vào ngày 4/4 âm lịch, nếu trong nhà có người thì thần gió sẽ không thể vào. Vì thế, cả gia đình sẽ rời nhà từ sáng sớm, để khi thần gió đến sẽ cuốn đi những rủi ro, phiền muộn của năm cũ, đồng thời mang theo điều lành, sự ấm no, may mắn đến cho gia chủ.
Cuộc hẹn văn hóa truyền đời
Hôm đó, từ tờ mờ sáng, con đường dẫn vào trung tâm xã Đồng Văn đã rộn ràng tiếng người. Những bước chân vội vã, những chiếc váy hoa sặc sỡ lấp lánh dưới ánh nắng ban mai, từng nhóm người nối nhau từ khắp các bản làng như dòng suối nhỏ hợp lại thành con sông lớn, tràn đầy niềm vui và sự háo hức.
Từ tờ mờ sáng, con đường dẫn vào trung tâm xã Đồng Văn đã rộn ràng tiếng ngườiBà Dường Thị Múi, 65 tuổi, người thôn Phai Làu, xã Đồng Văn, cười tươi dưới tấm khăn đội đầu có phần bạc màu do năm tháng: “Năm nào tôi cũng đi, dù mưa hay nắng. Không đi thì thấy nhớ. Ngày này, không chỉ vui vẻ mà còn là dịp để gặp mặt bà con, bạn bè từ khắp nơi. Đối với người Dao, đây là một ngày Tết đặc biệt, riêng của dân tộc mình”.
Với người Dao Thanh Phán, Hội Kiêng Gió không chỉ đơn thuần là một lễ hội, mà còn là dịp gắn kết cộng đồng, tưởng nhớ tổ tiên và cầu chúc mùa màng tươi tốt. Trong dòng chảy của thời gian, ngày hội này như một nhịp cầu nối liền quá khứ và hiện tại, nơi mà những giá trị văn hóa truyền thống vẫn đậm đà, sống động và tươi mới trong từng hơi thở của cộng đồng.
Nơi tiếng hát gọi mùa, men rượu kết tình
Khi mặt trời ló rạng sau dãy núi phía Đông, không khí lễ hội bỗng chốc bừng lên. Không cần sân khấu hoành tráng hay âm thanh ồn ào, chỉ có những vòng người quây quần, vang lên tiếng hát đối giao duyên - nét đặc trưng không thể thiếu của người Dao.
Tiếng trống mộc mạc vang lên, những điệu hát đối đáp thỉnh thoảng e ấp, lúc lại nghịch ngợm, lúc thăm thẳm như lời của núi rừng. Các cô gái Dao trong trang phục rực rỡ, thẹn thùng cười, ánh mắt nhìn qua vành khăn đội đầu, như thể mỗi ánh nhìn là một câu trả lời chưa thành lời. Tiếng chúc rượu vang lên giữa không gian nhộn nhịp. Chén rượu ngô men lá thơm nồng, chuyền tay qua những nụ cười rộn ràng. Đó có thể là lời hẹn cho năm mới, lời xin lỗi nhẹ nhàng, hoặc một lời tỏ tình thay cho lời nói.
Tiếng chúc rượu vang lên giữa không gian nhộn nhịpKhông gian chợ ngày hội rộng mở, như lòng người. Những gian hàng đơn sơ bên đường bày bán đủ loại sản vật: Măng rừng, bánh ngải, mật ong, thổ cẩm, và những quả dưa mèo tươi rói đẫm sương. Chợ không chỉ là nơi giao thương mà còn là một “bảo tàng sống” về văn hóa Dao - nơi trưng bày không phải bằng tranh ảnh, mà bằng hơi thở cuộc sống, qua nụ cười, món ăn và cách người Dao sống, gắn kết với nhau.
Anh Hoàng Anh Tuấn, du khách từ Hạ Long, hào hứng chia sẻ: “Tôi đã từng xem những video về Hội Kiêng Gió, nhưng chỉ khi đến đây tôi mới cảm nhận được sự sống động, chân thực. Tôi được uống rượu với người dân bản địa, học hát giao duyên và thử giã bánh ngải. Một ngày như sống trong câu chuyện cổ tích giữa đời thường”.
Người dân nô nức đi chơi, vào chợ Đồng Văn mua sắmTừ lễ hội dân gian đến di sản quốc gia
Trong không khí hiện đại, hình ảnh các bạn trẻ dừng lại bên cột mốc chợ, Livestream hát giao duyên bằng tiếng Dao, quay Video TikTok trong trang phục dân tộc, hay chụp ảnh cùng bà con bản xứ đã trở thành một phần không thể thiếu của Lễ hội.
Mặc dù có sự hiện đại hóa, những khoảnh khắc ấy lại chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của văn hóa dân tộc. Hội Kiêng Gió vẫn giữ được tính chân thật, không bị “bảo tàng hóa” hay “mô phỏng”, mà luôn sống động, gắn kết với đời sống người dân địa phương.
Khi màn đêm buông xuống, ngọn lửa trại giữa sân chợ bừng sáng. Tiếng khèn, tiếng hát, tiếng cười và những chén rượu tiếp tục chuyền tay nhau, ánh mắt vẫn tìm nhau trong làn khói lửa bập bùng. Ở mảnh đất cao nguyên xa xôi ấy, giữa bao la đất trời, hội làng không cần ánh đèn sân khấu vẫn đủ sức làm ấm lòng bất kỳ ai ghé qua.
Bởi nơi đây, văn hóa không chỉ được kể lại, mà được sống thật - trong từng câu hát, từng chén rượu, và từng ánh mắt kết nối giữa những con người giản dị nhưng đầy tự hào về bản sắc của mình.
Tục Kiêng Gió của người Dao xã Đồng Văn chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc giaKhông chỉ giữ giá trị cộng đồng, Hội Kiêng Gió đã vượt lên khỏi biên giới làng bản, trở thành một phần của di sản văn hóa quốc gia. Vào năm 2025, “Tục Kiêng Gió của người Dao tại xã Đồng Văn” chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, một dấu mốc quan trọng trong hành trình bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Dao Thanh Phán.
Ông Phạm Đức Thắng, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết: “Tục Kiêng Gió được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là một vinh dự, mà còn là trách nhiệm của chính quyền và Nhân dân địa phương. Bởi di sản ấy không chỉ là của người Dao, của Nhân dân xã Đồng Văn, của Nhân dân huyện Bình Liêu, mà đã trở thành một di sản trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam, cần đặc biệt được trân trọng, bảo vệ và phát huy”.