Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Hồi sinh các lễ hội truyền thống của người Ba Na

Ngọc Thu - 15:50, 18/07/2024

Lễ mừng chiến thắng, Lễ cầu mưa... của người Ba Na từ bao đời mang giá trị văn hóa đặc trưng, độc đáo. Việc phục dựng các nghi lễ cổ truyền của người Ba Na tại huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai đã góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đây không chỉ là lễ hội đặc sắc mà còn tạo sự cố kết cộng đồng bền chặt.

Lễ mừng chiến thắng của đồng bào Ba Na ở Đak Đoa
Lễ mừng chiến thắng của đồng bào Ba Na ở Đak Đoa

Hồi sinh các lễ hội

Sau nhiều năm gián đoạn, Lễ mừng chiến thắng của người Ba Na ở xã Kon Gang, huyện Đak Đoa đã được phục dựng trong niềm hân hoan của đồng bào nơi đây. Lễ mừng chiến thắng được tổ chức đúng với các nghi thức cổ truyền, phản ánh đậm nét tinh thần mạnh mẽ, chiến thắng của đồng bào Ba Na trên dãy Trường Sơn.

Lễ mừng chiến thắng là dịp để cộng đồng thực hiện lời hứa và trả ơn thần linh sau những đợt chống lại thiên tai, dịch bệnh, đồng thời cầu xin các vị thần phù hộ để dân làng mạnh khỏe, cuộc sống bình yên, mùa màng bội thu. Trước kia, Lễ mừng chiến thắng được tổ chức khi cộng đồng chiến thắng kẻ thù xâm phạm lãnh thổ của mình.

Trong Lễ mừng chiến thắng, đâm trâu là nghi lễ quan trọng nhất. Tuy nhiên, nét mới so với nghi lễ cổ truyền là con trâu tế thần được cột trước cây nêu ở sân nhà Rông nay được thực hiện với nghi lễ mô phỏng mà không đâm trâu tại chỗ.

Với nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS, huyện Đak Đoa đã tổ chức phục dựng nhiều nghi lễ quan trọng của cộng đồng theo nguyên bản. Mỗi năm, chúng tôi sẽ tiếp tục phục dựng các lễ hội nhằm bảo tồn văn hoá truyền thống cũng như kết nối du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống của bà con các thôn làng.”


Bà Đặng Thị Hoài, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Đak Đoa

Hoà cùng nhịp chiêng rộn ràng, những chàng trai dũng mãnh sẽ thực hiện các điệu múa khiên, múa lao “vờn trâu”. Hội đồng già làng thực hiện nghi thức rước lửa, đốt lên ngọn lửa tượng trưng cho tinh thần chiến thắng. Đây còn là biểu tượng thiêng liêng truyền đời, có sức mạnh đoàn kết mọi người trong những đêm hội của cộng đồng.

Già làng Hmê (làng Klot) cho biết: “Suốt mấy chục năm qua, người Ba Na không tổ chức Lễ mừng chiến thắng. Vì thế nhiều người, nhất là thế hệ trẻ không hiểu hết ý nghĩa của Lễ hội này. Cảm ơn Nhà nước đã giúp người dân phục dựng nghi lễ để con cháu hiểu hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc”.

Là một trong những nghi lễ nông nghiệp đặc trưng, thể hiện sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên và thần linh đó là Lễ cầu mưa của người Ba Na ở làng Hnap.

Dưới cái nắng gay gắt của mùa khô Tây Nguyên, ngay tại khu vực giọt nước của làng, trai gái trong trang phục truyền thống, chuẩn bị tươm tất các món lễ vật như rượu ghè, cơm lam, gà, thịt heo… chờ dâng lên thần linh.

Chị A Ngai, làng Hnap, xã Kdang vui vẻ nói: "Tôi cùng dân làng rất háo hức chuẩn bị trong 3 ngày để dọn dẹp sạch sẽ khu vực giọt nước, chuẩn bị lễ vật heo, gà để cúng. Lâu lắm rồi, dân làng mới có lễ hội ý nghĩa như thế này”.

Bên các lễ vật dâng cúng thần linh, Hội đồng già làng và Người có uy tín thay mặt dân làng bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị thần đã che chở cho người dân có sức khỏe để lao động sản xuất. Cầu mong các vị thần tiếp tục mang mưa tưới mát cho đồng ruộng, nương rẫy, cho cây cối tốt tươi, mùa vụ bội thu, dân làng no ấm.

Đồng bào Ba Na đoàn kết, chung tay chuẩn bị Lễ cầu mưa
Đồng bào Ba Na đoàn kết, chung tay chuẩn bị Lễ cầu mưa

“Nối dài” mạch nguồn văn hóa

Trong khi mọi người đánh cồng chiêng cùng những vũ điệu mừng chiến thắng quanh cây nêu và cột trâu, phía trên nhà Rông làng Klot, xã Kon Gang, Hội đồng già làng và những Người có uy tín quây quần cùng lớp trẻ quanh bếp lửa. Họ chỉ dạy những điều hay lẽ phải trong cuộc sống cho những chủ nhân tương lai của dân tộc.

Già Ayo làng Klot nhắc nhở: “Trong Lễ mừng chiến thắng hôm nay, chúng ta không quên công lao của bok Núp, bok Wừu đã có công lớn đánh đuổi giặc Pháp, giặc Mỹ để dân làng có cuộc sống no ấm. Các cháu phải noi gương những người Anh hùng của dân tộc Ba Na, cố gắng học hành, đoàn kết cùng nhau xây dựng, bảo vệ buôn làng, để 3 - 5 năm 1 lần, cộng đồng lại tổ chức Lễ mừng chiến thắng báo cáo với thần linh, với các bok những thắng lợi mới”.

Còn già làng A Ngop, làng Hnap, xã Kdang thì khẳng định: “Lễ cầu mưa còn là dịp để người dân thể hiện sự đoàn kết, gắn bó tạo nên sức mạnh của cộng đồng. Khi được chính quyền địa phương phục dựng, bà con trong làng ai cũng vui và đồng thuận duy trì vào ngày 10/4 hằng năm tập trung làm lễ”.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.