Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hướng phát triển bền vững cây sơn tra ở Tỏa Tình

Hoàng Khánh - 10:51, 08/11/2022

Cùng với cây cà phê, sơn tra (táo mèo) là một trong 2 cây trồng chủ lực giúp người dân ở xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên xóa đói giảm nghèo. Những năm gần đây, nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát, người dân trồng sơn tra gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Thông qua việc thành lập hợp tác xã, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, người dân Tỏa Tình đang tạo ra hướng đi mới, bền vững cho sản phẩm sơn tra nơi đây.

Đồng bào Mông ở xã Toả Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên thu hoạch sơn tra
Đồng bào Mông ở xã Toả Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên thu hoạch sơn tra

Được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi, các chương trình, dự án như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới... tạo động lực thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển. Ðặc biệt là công tác chỉ đạo, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó cây sơn tra được xác định là cây trồng chủ lực của địa phương.

Nhận thấy tiềm năng phát triển của cây sơn tra, năm 2021 Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên hỗ trợ thực hiện Dự án “Thí điểm chế biến sản phẩm táo mèo ngâm sành tại HTX nông sản sạch Tây Bắc, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, năm 2021” từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2021. Mục tiêu của dự án là ứng dụng công nghệ sinh học, tiến bộ khoa học kỹ thuật để chế biến quả táo mèo thành các sản phẩm có giá trị cao, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến bền vững; phát triển ngành nghề mới, tạo ra sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhằm góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào DTTS ở vùng khó khăn, từng bước ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở địa phương.

Xã Tỏa Tình nằm ở độ cao khoảng 800-1000m so với mực nước biển, đây là địa phương có diện tích trồng cây sơn tra lớn nhất của tỉnh Điện Biên. Với gần 150ha táo mèo, trồng tập trung ở 5/7 bản, nhiều nhất là các bản: Tỏa Tình, bản Lồng, Hua Sa A, Hua Sa B, mỗi năm cây sơn tra ở đây cho sản lượng khoảng 900 tấn quả tươi. Hợp chất đất, nên dù không cần phun thuốc, bón phân hay mất quá nhiều công chăm sóc nhưng cây sơn tra ở Tỏa Tình lại mang đến hiệu quả kinh tế trong suốt một thời gian dài.

Ông Giàng Chứ Phình, người dân xã Tỏa Tình, Tuần Giáo cho biết: Thời điểm này người dân trong xã đang vào vụ cao điểm thu hoạch sơn tra. Mặc dù xác định là cây trồng chủ lực giúp xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên khoảng 2 năm trở lại đây, việc phát triển cây sơn tra đang gặp không ít khó khăn do đầu ra không ổn định, nguồn tiêu thụ chính vẫn chủ yếu là các tiểu thương, bán lẻ. Bởi vậy, giá thu mua thường bấp bênh, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19. Có thời điểm giá thấp xuống khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg quả tươi, thấp hơn bình thường khoảng 3.000 đồng.

Người dân trong xã Tỏa Tình thu hái sơn tra, bán ngay tại đỉnh đèo Pha Đin cho người qua đường
Người dân trong xã Tỏa Tình thu hái sơn tra, bán ngay tại đỉnh đèo Pha Đin cho người qua đường

“Mục đích của gia đình tôi trồng cây sơn tra cũng mong ước rằng để phát triển kinh tế của gia đình. Thế nhưng cây sơn tra trong quá trình phát triển nhiều khi vẫn vướng mắc khâu đầu ra cho nên không chỉ gia đình tôi mà nhiều bà con khác cũng cảm thấy bế tắc”, ông Phình chia sẻ.

Nhận thấy nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra cho sơn tra, chính quyền huyện Tuần Giáo và xã Tỏa Tình đã vận động người dân, tạo điều kiện thành lập Hợp tác xã Nông sản sạch Tây Bắc. Thông qua Hợp tác xã sẽ tiến hành thu mua quả sau thu hoạch của người dân để chế biến các sản phẩm từ quả sơn tra.

Chị Mùa Thị Hoa, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch Tây Bắc, Điện Biên cho biết: Ngoài bán trực tiếp quả tươi, quả Táo Mèo còn có thể chế biến ra nhiều sản phẩm như sấy lạnh, khô sơn tra dùng để ngâm rượu hoặc sắc uống hàng ngày. Việc đa dạng trong chế biến sản phẩm kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá mới cho sản phẩm sơn tra nơi đây.

“Trong năm vừa qua vì dịch Covid-19 nên hầu như người dân không tiêu thụ được sản phẩm. Từ nhu cầu đó, chúng tôi cũng mong muốn làm như thế nào để giúp nhân dân tiêu thụ ổn định sản phẩm nên đã mạnh dạn thành lập hợp tác xã. Về hướng kế hoạch phát triển, chúng tôi mong muốn đưa những sản phẩm mới đến với người tiêu dùng một cách an toàn và hiệu quả nhất”, chị Hoa nhấn mạnh.

Hơn 2ha cây sơn tra đã đem lại cho gia đình chị Mùa Thị Cở nguồn thu ổn định
Hơn 2ha cây sơn tra đã đem lại cho gia đình chị Mùa Thị Cở nguồn thu ổn định

Ông Lầu A Dùa, Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết: Với việc thành lập hợp tác xã chế biến các sản phẩm từ sơn tra đã mở ra hướng giúp bà con có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững hơn. Nhất là khi ứng dụng công nghệ sinh học, tiến bộ khoa học kỹ thuật để chế biến quả sơn tra thì thành quả đã cho ra các sản phẩm có giá trị cao hơn, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến bền vững. Từ góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân.

Từ một “cây rừng” mọc tự nhiên trên núi, người dân xã Tỏa Tình đã phát huy lợi thế, biến thành sản phẩm hàng hóa đem lại thu nhập cao. Theo như ông Lầu A Dùa, Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình nhận định, diện tích đồi trọc, trong những năm tới đây sẽ phủ kín màu xanh sơn tra và sơn tra sẽ trở thành một trong những loại cây chủ lực, giúp người dân địa phương giảm nghèo, làm giàu.

Với quyết tâm tạo hướng đi mới, cách làm mới cho sản phẩm sơn tra Tỏa Tình của người dân và cấp ủy chính quyền nơi đây, kỳ vọng rằng thứ nông sản đặc trưng trên đỉnh Pha Đin huyền thoại sẽ đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023. Đây là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.